📞

Biển Đông: 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu

Phạm Duy Thực 10:17 | 25/05/2021
Nghiên cứu sinh Phạm Duy Thực, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã chỉ ra 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu.
Ảnh chụp tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu ngày 23/3. (Nguồn: Maxar)

Nội bộ chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã có những phát biểu không thống nhất trong vấn đề Biển Đông.

Ngày 28/4, Reuters đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố, Trung Quốc “không có quyền hay cơ sở pháp lý để ngăn cản Manila tiến hành cuộc diễn tập” ở Biển Đông.

Sau đó, ngày 3/5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã thể hiện sự bức xúc khi yêu cầu Trung Quốc rời khỏi vùng biển không thuộc về nước này ở Biển Đông.

Cả hai quan chức quốc phòng và ngoại giao cao cấp của Philippines đều cho rằng, Đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, cách phía Tây Bataraza, Palawan 175 hải lý.

Tuy nhiên, trái ngược lại với quan điểm của hai Bộ trưởng trên, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Harry Roque ngày 11/5 cho rằng, Đá Ba Đầu không nằm trong EEZ của Philippines, và Philippines chưa bao giờ sở hữu Đá Ba Đầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana sau đó khẳng định, cả ông và Người phát ngôn Roque đều đúng, vì Đá Ba Đầu nằm trong EEZ của Philippines và là một phần trong huyện Kalayaan theo Sắc lệnh 1596 của Tổng thống Marcos thiết lập Nhóm đảo Kalaayan (KIG) năm 1978.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 12/5 cho biết đối với các vấn đề đối ngoại, Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất có thẩm quyền lên tiếng.

Ông Locsin khẳng định: “Chỉ có duy nhất một tiếng nói về những gì thuộc về Philippines: đó là tiếng nói của tôi. Ngay cả quân đội cũng không có tiếng nói. Tôi phát biểu cho Tổng thống về vấn đề này”.

Người đứng đầu ngành đối ngoại Philippines cũng yêu cầu Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Harry Roque “không được đề cập chủ đề này, hãy để Bộ Ngoại giao xử lý”.

Sự không thống nhất trong phát ngôn của các quan chức cấp cao Philippines cho thấy 4 điểm yếu về pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu.

Thứ nhất, không phải EEZ mà lãnh hải mới là cơ sở để xác định chủ quyền đối với thực thể lúc nổi lúc chìm (LTE) bên trong đó.

Đoạn 177 của Phán quyết ICJ trong vụ Nicaragua-Colombia năm 2012 (Phán quyết ICJ) khẳng định điều này.

Phán quyết của Tòa Trọng tài đã rạch ròi rằng Đảo Sinh Tồn và McKennan là thực thể nổi lúc thủy triều lên cao (đoạn 382-384, và 645).

Thứ hai, Philippines đã không yêu sách Đá Ba Đầu thuộc chủ quyền của Philippines.

Phần 1 của Sắc lệnh 1596 chỉ khẳng định “đáy biển, đất dưới đáy biển, rìa lục địa và vùng trời thuộc chủ quyền của Philippines”, không nêu rõ các thực thể trong KIG, gồm Đá Ba Đầu, thuộc chủ quyền của Manila.

Nội bộ chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã có những phát biểu không thống nhất trong vấn đề Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Thứ ba, Phán quyết của Tòa Trọng tài đã bác bỏ yêu sách KIG cũng như đường cơ sở ở KIG theo Đạo luật Cộng hòa 9522 năm 2009.

Đoạn 574-575 của Phán quyết Tòa Trọng tài tuyên rằng, bất cứ đường cơ sở nào của Philippines vẽ ra ở Trường Sa đều vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Thứ tư, Đá Ba Đầu không nằm trong lãnh hải của các thực thể hiện do Philippines chiếm đóng.

Phán quyết Tòa Trọng tài khẳng định, Thị Tứ, Bến Lạc và Song Tử Đông là đá (đoạn 580-622), nhưng lãnh hải 12 hải lý của các thực thể này không bao trùm Đá Ba Đầu.