Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự hiện diện phi pháp tại Biển Đông bất chấp sự phản đối từ quốc tế. (Nguồn: QT) |
Trung Quốc vẫn đẩy tranh chấp leo thang
Tình hình Biển Đông 5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (12/7/2016) vẫn phức tạp khi các động thái của Trung Quốc nhằm ủng hộ cái gọi là yêu sách “Đường 9 đoạn” mở rộng làm thay đổi cơ bản hiện trạng trong khu vực.
Trung Quốc với tư cách là một trong những bên tranh chấp vẫn đang tiến hành phi pháp các hoạt động, đặc biệt là quân sự hóa các đảo nhân tạo. Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự và hiện diện ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa sự ổn định, tự do hàng hải quốc tế và an ninh khu vực.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc với tư cách là một cường quốc trong khu vực nên giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 thì lúc đó Trung Quốc sẽ được tôn trọng như một cường quốc đáng tin cậy, hỗ trợ khu vực ổn định và hòa bình.
Một môi trường ổn định và hòa bình trong khu vực như mong đợi của các nước thành viên ASEAN là điều cần thiết.
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc tiếp tục gia tăng sự hiện diện của mình trên các đảo nhân tạo và tập trung xây dựng trái phép căn cứ quân sự trang bị 2 sân bay để phục vụ cho việc lên xuống của các loại máy bay chiến đấu như J10, J11, SU 30MK, MiG 29, một số nhà chứa máy bay và các phương tiện hỗ trợ khác.
Song song với các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự, Trung Quốc cũng đang tiến hành xây dựng trái phép trên Biển Đông các công trình dân dụng, như trạm y tế, trung tâm cứu trợ, cứu nạn hàng hải, căn cứ dịch vụ hàng hải, sửa chữa nhỏ, máy bơm dầu, tàu chở dầu, xây dựng hải đăng, trung tâm nghiên cứu khoa học biển, môi trường.
Các hành động leo thang của Trung Quốc sau quyết định của Tòa Trọng tài, bất chấp dư luận quốc tế và hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng họ sẽ không tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo được xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Philippines hành động sáng tạo, ASEAN cần đẩy mạnh COC
Theo express.co.uk, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) gần đây đã thành lập đội “Những thiên thần của biển”, gồm 81 nữ điều hành viên sóng vô tuyến điện.
Các nhà chức trách tin rằng các tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Philippines nhiều khả năng sẽ lắng nghe giọng nói của phụ nữ thể hiện “sức mạnh của những người vợ hoặc người mẹ”.
Giải thích về chính sách kỳ lạ này, Phó Đô đốc Leopoldo Laroya tuyên bố đơn vị mới sẽ có thể ngăn chặn các tàu xâm phạm mà không làm xung đột leo thang.
Ông nói: “Chúng tôi nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của việc có nữ nhân viên điều hành vô tuyến điện trên các tàu PCG và các đơn vị trên bờ, đặc biệt là trong việc liên lạc với các tàu nước ngoài, để không làm tăng căng thẳng”.
Đội nữ điều hành viên này được thành lập sau sự gia tăng đột biến của các tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu trong vùng biển Philippines, với số lượng lên tới 220 tàu ở Đá Ba Đầu, kích động Philippines tức giận vào đầu năm nay.
Trước tình hình phức tạp, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất và giữ vai trò trung tâm, những giá trị cơ bản đã, đang và sẽ tiếp tục đảm bảo thành công của ASEAN.
ASEAN và Trung Quốc cần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình đàm phán để đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc, thực chất, toàn diện và có ý nghĩa, trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển.