Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề "Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực" ngày 6/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Hội thảo nằm trong chuỗi hội thảo thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại và trao đổi học thuật về quản lý, giải quyết tranh chấp và các vấn đề liên quan tại Biển Đông.
Những diễn biến hiện nay cho thấy Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp. Kể từ năm 2018, tần suất các cuộc diễn tập quân sự và cọ xát trên biển gia tăng. Tranh chấp dầu khí, cạnh tranh ngư trường leo thang ở nhiều khu vực.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc kế thừa những thành tựu đã đạt được, Hội thảo Biển Đông 11 được nâng cấp thành sự kiện có quy mô nhất từ trước đến nay với 6 phiên toàn thể và 6 phiên bàn tròn, quy tụ hơn 50 diễn giả là các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, các quan chức cao cấp cùng 200 - 250 quan chức, học giả và các nhà ngoại giao.
Mục tiêu là hướng chuỗi Hội thảo Biển Đông trở thành một diễn đàn bán chính thức hàng đầu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo, góp phần cải thiện tình hình an ninh biển.
Giá trị chiến lược quan trọng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng khẳng định, trong 10 năm qua, tình hình Biển Đông tiếp tục xuất hiện các diễn biến phức tạp, theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Một mặt, xu thế đối thoại và hợp tác tiếp tục có mặt phát triển. Điển hình như việc ASEAN và Trung Quốc đã nỗ lực hoàn thành lần đọc thứ nhất của tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) tháng 7/2019. Sau khi thực hiện các hoạt động diễn tập hải quân lần đầu tiên với Trung Quốc vào tháng 10/2018, ASEAN đã lần đầu tiên cùng Mỹ tổ chức diễn tập trên biển vào tháng 9/2019, thể hiện nỗ lực mở rộng hợp tác của ASEAN để xây dựng lòng tin, bảo vệ an ninh biển chung ở khu vực.
TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu) |
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục lo ngại về xu hướng quân sự hóa, đối đầu, gia tăng căng thẳng vẫn đang tiếp tục, việc đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh bất đối xứng giải quyết tranh chấp có xu hướng gia tăng, tính hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế tiếp tục bị đe dọa bởi việc tự ý diễn giải và áp dụng luật pháp có lợi cho mình, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị đang gia tăng phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Điều này chúng ta đã được chứng kiến qua Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 cách đây mấy ngày”, ông Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Tùng, điểm đáng chú ý là các vấn đề của Biển Đông không chỉ là các vấn đề bó hẹp của khu vực Đông Nam Á, mà ngày càng có nhiều vấn đề chung giữa Biển Đông với các vùng biển khác trên thế giới, có sự kết nối rất cao giữa biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, Vịnh Hormuz, Nam Thái Bình Dương, các Vùng Cực…
Sự liên thông và kết nối giữa các biển và đại dương đang ngày càng rõ nét. Do đó, việc bảo vệ môi trường biển, chống biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ trật tự hợp tác luậtháp trên biển và an ninh biển nói chung cho các quốc gia và cộng đồng dân cư ven biển đang là các vấn đề chung, đòi hỏi các giải pháp chung, nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Biển Đông án ngữ nhiều tuyến hàng hải quan trọng và nhộn nhịp hàng đầu thế giới, là cầu nối giao thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng như lục địa châu Á và châu Đại dương.
Trên 50% thương mại bằng đường biển của thế giới đi qua Biển Đông, lên tới 5.000 tỷ USD mỗi năm. Chính vì vậy, an ninh và an toàn hàng hải Biển Đông có ý nghĩa rất to lớn với thương mại toàn cầu và sự thịnh vượng chung của cả thế giới.
Khi trọng tâm kinh tế, chính trị thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ và có tác động nhiều tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thì Biển Đông càng có giá trị chiến lược quan trọng. Các sáng kiến chiến lược quan trọng của các cường quốc hay của ASEAN đều lấy Biển Đông làm trung tâm và có cấu phần quan trọng liên quan tới Biển Đông. Do đó, mọi phát triển và vận động trên Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực mà còn thu hút sự quan tâm và ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng quốc tế.
"Khi nói đến vấn đề Biển Đông không chỉ nói đến khác biệt, tranh chấp, những diễn biến phức tạp mà còn nói đến hợp tác, trên cả khuôn khổ song phương và đa phương. Riêng ASEAN đã có trên 12 cơ chế có liên quan đến hợp tác biển. Mặc dù lợi ích rất đa dạng, cần ghi nhận những nỗ lực xây dựng lòng tin và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực", Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, bài học kinh nghiệm từ hợp tác biển và đại dương quốc tế, trong đó có hợp tác tại Biển Đông, cho thấy để thúc đẩy được hợp tác biển hiệu quả, cần bảo đảm được các điều kiện thiết yếu: (i) các quốc gia cần có ý chí chính trị trong thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung đặc biệt là trong vấn đề đảm bảo hoà bình; (ii) có cách hiểu thống nhất về luật biển quốc tế, đặc biệt là dựa trên cơ sở UNCLOS 1982; (iii) có cơ chế quản lý và hợp tác biển thích hợp; (iv) có sự tham gia tích cực của cả chủ thể nhà nước và chủ thể phi nhà nước; và (v) cần có lòng tin, lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế, và lòng tin vào các cơ chế, thể chế chung.
5 thuận lợi, 3 thách thức
Trong xu thế hướng ra đại dương, tăng cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, cần thẳng thắn thấy và không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên gần đây đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trong đó có các hoạt động nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên các vùng biển khu vực, trong đó có vùng biển của Việt Nam.
“Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung chỉ rõ.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, tập hợp từ các nhà nghiên cứu, sơ bộ có 5 thuận lợi và 3 thách thức đối với triển vọng hợp tác và hòa bình ở Biển Đông.
Về thuận lợi, Thứ nhất, nhìn tổng thể hoà bình hợp tác phát triển là xu thế chung. Thứ hai, đã có Hiến chương về đại dương – Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là khuôn khổ pháp lí trong giải quyết các vấn đề trên biển, đặc biệt là trong quan hệ với các quốc gia. Thứ ba, Biển Đông nằm trong khu vực được cộng đồng quốc tế quan tâm. Thứ tư, các quốc gia ven biển đều tuyên bố và coi trọng thúc đẩy hoà bình ổn định và hợp tác khu vực. Thứ năm, đã có những kinh nghiệm về thúc đẩy hợp tác về giải quyết tranh chấp chồng lấn thông qua đàm phán và thông qua những biện pháp khác theo đúng như chương 6 hiến chương Liên hợp quốc – chương về nghĩa vụ giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế.
“Trong Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982 cũng có đầy đủ các cơ chế để chúng ta có thể áp dụng các biện pháp đó, mặc dù trên thực tế như các bạn biết cho đến nay các vấn đề liên quan đến hợp tác, những vấn đề nảy sinh từ hợp tác, hoặc những vấn đề liên quan đến chồng lấn hoặc liên quan đến tranh chấp,hiện nay Việt Nam ưu tiên và đã đạt rất nhiều kết quả thông qua thương lượng song phương với các quốc gia có liên quan”, Thứ trưởng thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Biển Đông cũng đang tiềm ẩn 3 thách thức. Thứ nhất, khi có những vấn đề liên quan đến tranh chấp, những vấn đề liên quan đến khác biệt trong quá trình hợp tác thì có phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 để đưa ra lập trường, các yêu sách của mình hay không? Thứ hai, thực tế của những vấn đề có nhiều những nguồn gốc khách quan như hợp tác trên biển rất rộng lớn, ngay cả về khoa học, dù cũng có đầy đủ những cơ sở khoa học, những ngành nghiên cứu hợp tác, cũng không phải là đơn giản. Ngoài ra còn là những vấn đề chồng lấn, tranh chấp, những vấn đề nghiên cứu khách quan ở tất cả các vùng biển, không chỉ riêng Biển Đông. Thứ ba là có thể giải quyết được vấn đề làm sao để hợp tác mạnh hơn so với cạnh tranh, không để các yếu tố về cạnh tranh lấn át yếu tố hợp tác.
Sau 10 năm tổ chức (kể từ năm 2009), chuỗi Hội thảo Biển Đông đã trở thành một trong những diễn đàn an ninh khu vực uy tín, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để thảo luận các vấn đề có tầm quan trọng đối với hòa bình và phát triển như an ninh biển, luật pháp quốc tế, kinh tế biển và sinh thái biển. Điểm nhấn đặc biệt là Hội thảo năm nay được tổ chức trong không khí kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Nhân dịp này, Hội thảo cũng dành riêng một phiên để kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của Đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực. |