Biển Đông là một trong những trọng điểm trong chiến lược tổng thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đang được Thượng viện Mỹ soạn thảo. (Nguồn: SCMP) |
Biển Đông lặng hay dậy sóng liên quan đến Trung Quốc
Năm 2020 và đầu 2021, Bắc Kinh vẫn tiếp tục thực thi “đa chiến pháp” trên Biển Đông. Truyền thông phủ sóng toàn cầu tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” và hình ảnh Trung Quốc xây dựng cộng đồng chung trên biển. Sửa đổi Luật Hải cảnh, công bố “danh xưng tiêu chuẩn” của các đảo, đá và thực thể đáy biển; phát triển “khu Tây Sa”, “khu Nam Sa”, dùng lục địa để gia tăng chủ quyền biển.
Thu hút các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế ủng hộ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc. Biến hóa “đường chín đoạn”, “thuyết Tứ sa” để biến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước khác thành vùng biển tranh chấp, phần lớn Biển Đông thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc.
Tiếp tục củng cố và xây mới cấu trúc lưỡng dụng trên các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa, mới nhất là đá Vành Khăn. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng quân sự hiện đại, đa năng trên biển, đáng chú ý là đội tàu sân bay.
Duy trì hoạt động thường xuyên của lực lượng đa binh chủng, Hải quân, Hải cảnh, đội tàu nghiên cứu khoa học, dàn khoan nước sâu cỡ lớn, binh đoàn hàng ngàn tàu thuyền dân quân biển, xâm nhập, răn đe, ngăn cản hoạt động dân sự, kinh tế của các nước, thực hiện kiểm soát trên thực tế.
Tàu hải cảnh, tàu bán quân sự Trung Quốc nhiều lần xâm phạm vùng biển khu vực thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, bãi Tư Chính (của Việt Nam), bãi cạn Scarborough (Philippines), bãi Luconia (Malaysia)…
Gần nhất, 24/2, có tin tàu Hải cảnh Trung Quốc áp sát dàn khoan Hải Thạch của Việt Nam đang hoạt động bình thường tại lô 5-02 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Hàng chục tàu chiến Trung Quốc diễn tập quân sự ở Biển Đông. Từ ngày 24/2, Trung Quốc tổ chức diễn tập hàng hải cứu nạn, thông tin liên lạc với Hải quân Singapore, một động thái nằm trong chủ trương thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh với các nước ASEAN. Kết hợp ngoại giao, kinh tế, gây áp lực để đàm phán xây dựng COC có lợi cho Trung Quốc.
Năm 2020 và đầu năm 2021, Trung Quốc vẫn hành động một cách kiên quyết, cứng rắn, nhằm khẳng định, thực thi yêu sách chủ quyền, gây sức ép với các nước trong khu vực, ngăn chặn sự hiện diện của các nước ngoài khu vực. Củng cố thế đứng chân, xây dựng các chuỗi đảo thành các tuyến an ninh, ngăn chặn tiếp cận từ bên ngoài, mở rộng chủ quyền, quyền kiểm soát của Trung Quốc; tạo ưu thế nhiều mặt trên Biển Đông, không chỉ với ASEAN mà cả với Mỹ và đồng minh.
Với tư duy “lục địa chi phối đại dương”, Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích sống còn”, là bàn đạp vươn ra các đại dương, các châu lục, thực hiện “Giấc mộng Trung hoa”. Trên các diễn đàn, hội nghị, các cuộc gặp gỡ, Bắc Kinh luôn nói Biển Đông yên tĩnh, trong tầm kiểm soát. Nhưng mỗi khi Trung Quốc khuấy là biển lại động, cả trên thực địa và dư luận.
Nhiều nhà nghiên cứu quân sự quốc tế đánh giá Trung Quốc là nhân tố cơ bản trong tình hình Biển Đông, bởi ưu thế, tham vọng, hành xử của họ và nhìn nhận Biển Đông lặng hay dậy sóng trước hết từ Trung Quốc.
Mỹ muốn và làm gì ở Biển Đông
Sau một tháng cầm quyền của Tổng thống Joe Biden, thông cáo báo chí ngày 19/2 đã phác họa khá rõ nét về chiến lược kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ tái khẳng định ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc, coi đó là quyết định cuối cùng, phải tuân thủ.
Mỹ bày tỏ lo ngại về những thách thức từ Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc. Tuyên bố trừng phạt các công ty Trung Quốc liên quan đến hoạt động cải tạo trái phép các đá ở quần đảo Trường Sa.
Bộ Quốc phòng Mỹ chủ trương tích hợp Hải quân, Tuần duyên, Thủy quân lục chiến thành lực lượng chung, tăng cường sức mạnh trên biển.
Trên thực địa, Mỹ gia tăng hoạt động FONOPs cả về tần suất và số lượng các nhóm tàu, phối hợp cùng lúc 2 nhóm tàu sân bay, di chuyển qua các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, áp sát tàu khảo sát của Trung Quốc. Tổ chức diễn tập phối hợp trên biển với đồng minh.
Mỹ thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, thông qua Bộ tứ, các diễn đàn, hội nghị trực tuyến, điện đàm với lãnh đạo các nước (diễn ra khá dày đặc trong tháng 2). Mỹ cùng đồng minh phản đối mọi hành vi thay đổi hiện trạng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông bằng cưỡng đoạt, cưỡng ép của Trung Quốc.
Mỹ cam kết phối hợp hành động với các đồng minh, đối tác sâu hơn; sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản, Philippines khi bị tiến công; ủng hộ các nước nhỏ chống lại hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp chủ quyền. Các động thái trên phần nào tạo cho đồng minh, đối tác tin Mỹ sẽ coi trọng châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Biển Đông là một trong những trọng điểm trong chiến lược tổng thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đang được Thượng viện Mỹ soạn thảo. Đồng thời, ý định xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ không Trung Quốc và nhiều động thái khác hỗ trợ cho mặt trận Biển Đông.
Tin liên quan |
Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1) |
Bước đầu cho thấy Tổng thống Joe Biden không nhân nhượng, không thay đổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận có thay đổi. Hành động của ông Joe Biden có vẻ khẩn trương hơn người tiền nhiệm Donal Trump và dứt khoát hơn so với các tổng thống trước của Đảng Dân chủ.
Nhiều thập kỷ trước, Mỹ có một hệ thống căn cứ trên các đảo và ở nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương. Hạm đội 7 thường xuyên hiện diện ở Biển Đông. Mỹ hiện là đối thủ lớn nhất, là đối trọng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng vị thế có phần suy giảm.
Các cố vấn, nhà nghiên cứu từng cảnh báo Mỹ đã bỏ lỡ thời cơ, trong đó có việc hỗ trợ Philippines sau phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 và thúc đẩy các nước khác tiến hành cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông. Nếu xu thế đó tiếp tục, vai trò, lợi ích chiến lược của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Mục đích của Mỹ ở Biển Đông là kiềm chế Trung Quốc, bảo vệ lợi ích chiến lược, vai trò lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, Mỹ còn nhiều vấn đề cần giải quyết với đồng minh, đối tác, đối thủ, ở nhiều khu vực khác. Nhiều cam kết vẫn dừng ở tuyên bố. Hoạt động FONOPs phản đối yêu sách chủ quyền không có cơ sở pháp lý, nhưng chưa thể ngăn chặn chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
(còn tiếp)