📞

Biển Đông và con đường kiên định ta đang đi!

Đại sứ Phạm Quang Vinh 10:00 | 08/02/2024
Năm 2023 là năm tình hình thế giới nhìn chung rất bất ổn, môi trường an ninh phức tạp, bùng phát nhiều xung đột với các điểm nóng như Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, xung đột Nga-Ukraine, eo biển Đài Loan.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Luật pháp về biên giới lãnh thổ: Giá trị và thực tiễn vận dụng” tại Hà Nội, ngày 7/9/2023. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Trong bối cảnh đó, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp. Những va chạm và cọ xát, kể cả chiếu tia laser, đâm va hay phun vòi rồng, giữa Trung Quốc và Philippines đã gây không ít quan ngại cho khu vực, nhưng đó chỉ là một phần.

Năm 2023 là dịp để nhìn lại chiều dài bất ổn, phức tạp của tình hình Biển Đông trong nhiều năm qua. Trước hết, đó là việc vẫn tiếp tục có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm vào vùng biển hợp pháp của các nước khác. Thứ hai, vẫn thiếu việc thực hiện hiệu quả các cam kết về các biện pháp kiềm chế, xây dựng lòng tin. Thứ ba và cũng là điều rất đáng quan ngại, đó là việc tiếp tục các hành vi sử dụng sức mạnh để tìm cách áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý, nhất là các biện pháp mà người ta vẫn gọi là chiến thuật vùng xám hay phi quân sự trá hình.

Rõ ràng, khu vực cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tăng cường các cơ chế về xây dựng lòng tin, kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; đặc biệt là phản đối hành vi sử dụng áp đặt, xâm phạm trái phép vùng biển của các nước khác.

ASEAN với nỗ lực không ngừng

Trong năm qua, ASEAN tiếp tục có nhiều nỗ lực về xây dựng cộng đồng; tăng cường hợp tác kết nối với các đối tác; thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, phát huy vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực, trong đó có về vấn đề Biển Đông. Vai trò và tiếng nói của ASEAN được các nước ủng hộ và đánh giá cao.

Về Biển Đông, đáng chú ý: Thứ nhất, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của ASEAN và khu vực, được đề cập tại các hội nghị và văn kiện của ASEAN.

Thứ hai, ASEAN tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc về tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy tham vấn ASEAN - Trung Quốc để thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC thực chất và hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh các bên cần tạo môi trường thuận lợi cho các đàm phán này bằng việc không làm phức tạp tình hình trên biển.

Thứ tư, điểm đáng chú ý là trong năm qua, lần đầu tiên ASEAN ra Tuyên bố về thúc đẩy “không gian biển ở Đông Nam Á” hòa bình ổn định ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Tuyên bố trên có ý nghĩa quan trọng. Trước hết, đó là gắn Biển Đông với hòa bình ổn định của cả khu vực và không gian biển Đông Nam Á nói chung. Thứ hai, từ đó gắn với trách nhiệm, vai trò trung tâm của ASEAN cũng như các cơ chế hợp tác của ASEAN với các đối tác đối với hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở Đông Nam Á, trong đó có về Biển Đông. Thứ ba, các quá trình này sẽ song hành bổ sung cho nhau, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung là hòa bình ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực, trong đó có không gian biển Đông Nam Á và Biển Đông. Trong khi đó, ASEAN tiếp tục thúc đẩy đối thoại ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC và xây dựng COC về Biển Đông.

Việt Nam với tinh thần nhất quán

Việt Nam nhất quán đối với các vấn đề trên biển, kiên quyết, kiên trì về chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích hợp pháp tại các vùng biển của mình. Việt Nam đã nhiều lần ra tuyên bố về vấn đề này; đồng thời phản đối các hành vi xâm phạm vùng biển của Việt Nam; yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Việt Nam nhất quán coi trọng và ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm và đóng góp tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực, trong đó có Biển Đông.

Trước hết, nhấn mạnh hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Thứ hai, là vấn đề tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Thứ ba, là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đồng thời kiềm chế, xây dựng lòng tin, không làm phức tạp tình hình. Thứ tư, thúc đẩy ASEAN - Trung Quốc thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới một COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Cuối cùng, ASEAN cần phải lên tiếng về các hành vi xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước khác, vi phạm luật pháp quốc tế và gây phức tạp tình hình, trong khi tiếp tục phát huy vai trò về các vấn đề thuộc lợi ích chung của khu vực.

Phiên làm việc đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15. (Nguồn: TTXVN)

Năng lực hóa giải thách thức

Năm 2024 dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, trong khi Biển Đông tiếp tục tiềm ẩn các cơn sóng ngầm và nguy cơ rủi ro, bất ổn.

Do đó, ASEAN càng cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và tăng cường hơn nữa vai trò của mình đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, cũng như ở Biển Đông. Theo đó cần:

Một là, ASEAN cần nhấn mạnh lại các nguyên tắc của khối về hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực cũng như về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Hai là, thúc đẩy ASEAN - Trung Quốc nỗ lực thực hiện DOC và đàm phán một COC hiệu lực, hiệu quả, dựa vào luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Ba là, ASEAN cần đẩy mạnh việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực, trong đó có không gian biển Đông Nam Á, phát huy các nguyên tắc và văn kiện đã có của ASEAN vốn đã được các nước đối tác ủng hộ, như Hiệp ước Hữu nghị hợp tác Đông Nam Á (TAC) và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Bốn là, phát huy các cơ chế của ASEAN và gắn kết với các đối tác, cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, trong đó có không gian biển Đông Nam Á và Biển Đông.

Năm là, thúc đẩy cộng đồng quốc tế ủng hộ vai trò và các nỗ lực của ASEAN ở khu vực và trong vấn đề Biển Đông, bao gồm cả việc lên tiếng phản đối các hành vi xâm phạm vùng biển hợp pháp của nước khác.

Với những kết quả vừa qua, tin tưởng rằng ASEAN sẽ tiếp tục phát triển và phát huy hơn nữa vai trò trung tâm đối với hòa bình và hợp tác phát triển ở khu vực, tiếp tục đóng góp tích cực vào xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và xây dựng lòng tin, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Trong năm 2024, với vai trò tích cực và trách nhiệm, Lào chắc chắn sẽ đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN của mình và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, cũng như hòa bình và hợp tác ở khu vực.