📞

Biển Đông và sự khao khát hoà hợp giữa Trung Quốc với các đối tác ASEAN

Chu Văn 13:11 | 14/01/2024
Theo bài viết mới đăng trên trang mạng news.cgtn.com (Indonesia), nỗ lực tìm kiếm hòa bình trong khu vực, việc hiện thực hóa Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) thể hiện khao khát chung về sự hòa hợp giữa Trung Quốc và các đối tác ASEAN.
Một khu vực Biển Đông nhìn từ trên cao. (Nguồn: VCG/Global Times)

Bài viết cho rằng, việc điều chỉnh lại chiến lược đang diễn ra ở Biển Đông đánh dấu một bước ngoặt, trong đó xu hướng của Philippines hướng tới hợp tác với các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã trở thành một yếu tố quan trọng. Hành động này sẽ không chỉ giải quyết những mối quan ngại trước mắt trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Nhấn mạnh tinh thần hợp tác này, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ sự mong muốn của nước bà trong việc hợp tác hoàn tất COC ở Biển Đông một cách nhanh chóng. Những quan điểm được bày tỏ trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo ở Manila cộng hưởng với cam kết về sức mạnh ngoại giao tổng hợp, cho thấy một quan điểm lạc quan về chuyến thăm Philippines của Tổng thống Indonesia Joko Widodo từ ngày 9-11/1.

Theo bài viết, với tư cách là nước đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay của ASEAN, Indonesia đã liên tục đi đầu trong việc hiện thực hóa COC. Tuyên bố của Ngoại trưởng Marsudi phản ánh mong muốn chung trong ASEAN về việc nhanh chóng thiết lập một bộ quy tắc ứng xử, được tất cả các quốc gia trong khu vực chấp nhận thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao.

Tiếp đó, những nỗ lực nhiệt thành của Indonesia trong việc hoàn thiện COC nhấn mạnh sự cảnh giác phổ biến của các quốc gia ở Biển Đông. Những hành động khác với lập trường của ASEAN, tình trạng bất ổn ở Biển Đông đã và đang làm suy yếu sự gắn kết của khối khu vực. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho mặt trận thống nhất của ASEAN, làm mất ổn định vị thế khu vực mà còn gây trở ngại cho sự ổn định và tiến triển hòa bình chung.

Trong thời gian gần đây, cùng với sự leo thang căng thẳng ở khu vực làm trầm trọng thêm tình hình ở Biển Đông, việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử thay thế được coi như động thái đi chệch khỏi con đường xây dựng bấy lâu nay. Theo bài viết, bất kỳ COC nào thiếu sự tham gia của Trung Quốc không những không hiệu quả mà còn khó có thể giành được sự công nhận từ các thành viên ASEAN. Lý do là, Biển Đông liên quan một cách phức tạp tới các lợi ích cốt lõi và Trung Quốc đóng vai trò nòng cốt trong các vấn đề liên quan.

Nếu có nước nào tách mình ra khỏi các quốc gia ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Các cuộc đàm phán COC phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (Nguồn: Bloomberg)

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc phân tích về chuyến thăm Philippines của Tổng thống Indonesia Joko Widodo và dẫn lời chuyên gia Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng COC không thể đạt được nếu không có sự đồng thuận của tất cả các nước trong khu vực, trong đó phải bao gồm cả Trung Quốc.

Sau cuộc gặp với ông Widodo, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết, họ đã có một “cuộc thảo luận hiệu quả và trung thực” về các sự kiện khu vực cùng có lợi, bao gồm cả những diễn biến ở Biển Đông, truyền thông đưa tin. Tuy nhiên, theo tờ The Strait Times ngày 10/1, phía Indonesia không đề cập chi tiết mà chỉ nói rằng hai nước đã đồng ý “đẩy nhanh việc sửa đổi các thỏa thuận tuần tra và vượt biên giới chung, cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng bao gồm cả phần cứng quân sự”.

Theo Thời báo Hoàn cầu, ông Gu Xiaosong, Trưởng khoa Viện nghiên cứu ASEAN của Đại học Hải dương Nhiệt đới Hải Nam nói rằng, chuyến đi của ông Widodo tới Philippines thể hiện cam kết mạnh mẽ của Indonesia trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Tờ báo của nhà nước Trung Quốc dẫn nguồn giới chuyên gia nhận định chuyến thăm của Tổng thống Indonesia diễn ra vào thời điểm thế giới đang hỗn loạn, Mỹ, châu Âu và Trung Đông đều đang chìm trong bất ổn, những rắc rối ở Biển Đông có thể gây ra bất ổn, đe dọa hòa bình và ổn định khó khăn mới có được ở Đông Nam Á.

Bài viết trên trang news.cgtn.com kết luận rằng các cuộc thảo luận về COC đang tiến triển tích cực, đóng vai trò như một “van giảm áp” quan trọng để ngăn ngừa xung đột xuất phát từ tranh chấp giữa các bên. Trên thực tế, việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là điều tối quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của Philippines. Nói một cách đơn giản, tuân theo DOC và COC là con đường duy nhất để Trung Quốc và các quốc gia ASEAN xây dựng một khu vực ổn định và hòa bình ở Biển Đông.

Thành công phụ thuộc vào việc cùng nhau theo đuổi một mục tiêu chung, cùng nhau vượt qua những thách thức trong sự tiến bộ thống nhất, trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc và ASEAN đang ở thời điểm then chốt trong các cuộc đàm phán về “bộ quy tắc”.