TIN LIÊN QUAN | |
Liệu bà Merkel có “đơn thương độc mã”... | |
Mỹ và châu Âu trông đợi gì ở TTIP? |
Hợp tác khoa học luôn đóng vai trò không nhỏ trong chính sách phát triển cũng như nâng cao vai trò toàn cầu của châu Âu. Hơn lúc nào hết, EU đã và đang đẩy mạnh vai trò tích cực trong nền ngoại giao khoa học quốc tế.
Mục tiêu này được EU thực hiện thông qua việc vận dụng ngôn ngữ phổ quát của khoa học nhằm tạo ra các kênh giao lưu mở. Có thể thấy rằng, EU đang cố gắng duy trì sự hiện diện ở mức cao nhất trong những hoạt động khoa học quốc tế cũng như tích cực tham gia vào công tác ứng dụng khoa học ở bên ngoài châu Âu.
Lịch sử vinh quang
Nhắc đến châu Âu là nhắc đến cái nôi khoa học công nghệ của thế giới. Lợi thế này cũng sản sinh ra thứ gọi là ngoại giao khoa học trên lục địa già. Từ những năm 1950, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang tìm kiếm hòa bình và phục hồi sau Thế Chiến thứ II, nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã rời Tây Âu sau chiến tranh để theo đuổi các công trình nghiên cứu ở quốc gia khác, khiến nhiều dự án khoa học quốc gia bị chững lại. Trước bối cảnh đó, một nhóm các nhà khoa học châu Âu kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng khoa học tại đây.
Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu. |
Năm 1954, Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) với sự tham gia của 12 quốc gia châu Âu được hình thành nhằm thúc đẩy sức mạnh khoa học thống nhất trên toàn châu lục. Các nhà khoa học đã cùng chia sẻ nghiên cứu về vật lý hạt nhân và những tác động nguy hiểm của chúng. Điều này đã dần xóa nhòa khoảng cách về ý thức hệ giữa các quốc gia và giảm thiểu những xung đột, chiến tranh so với thập kỷ trước.
Cho đến nay, CERN vẫn luôn là niềm tự hào của nền ngoại giao khoa học châu Âu khi trở thành tâm điểm cho các nhà khoa học hàng đầu thế giới nghiên cứu về hạt nhân cũng như phổ biến, chia sẻ những công nghệ liên quan đến hạt nhân trên toàn cầu.
Một minh chứng cho tác động xuyên quốc gia của CERN là giới khoa học châu Âu đang chuẩn bị tham gia vào dự án “Nguồn sáng Synchrotron dành cho Khoa học thực nghiệm và ứng dụng tại Trung Đông” (SESAME) được xây dựng ở Jordan. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về khoa học cho khu vực Trung Đông. Việc EU trở thành quan sát viên của SESAME trong năm 2015 chính là sự khởi đầu cho công tác nâng tầm ảnh hưởng của châu Âu tại Trung Đông thông qua kênh ngoại giao khoa học.
Tất nhiên, CERN không phải là ví dụ duy nhất cho thành công của châu Âu trong hợp tác khoa học xuyên quốc gia. Năm 1962, 10 quốc gia châu Âu đã ký Công ước thành lập Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ châu Âu (ESRO), tiền thân của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày nay. Với những thành tích khoa học vũ trụ đáng kể như là cơ quan đầu tiên cho tàu thăm dò Philae hạ cánh xuống một sao chổi, ESA đã và đang đóng góp vào công tác ngoại giao liên lục địa. Hiện trung tâm này đang đóng vai trò trung gian hợp tác quan trọng về khoa học không gian giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, tổ chức Đài thiên văn Nam Âu (ESO) cũng góp phần thúc đẩy quan hệ châu Âu - Mỹ Latinh khi đóng vai trò trung gian trong việc ký kết các thỏa thuận quan trắc không gian giữa EU với các quốc gia Nam Mỹ.
Nhân rộng các giá trị
Các nhà hoạch định chính sách của EU luôn chú ý lắng nghe tham vọng của cộng đồng khoa học và tập trung vào việc biến nền khoa học nghiên cứu châu Âu trở thành một thương hiệu hàng đầu thế giới. Nhờ thương hiệu tiếng tăm của mình, châu lục này đã thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới cũng như thúc đẩy sự hợp tác, giao lưu khoa học với các lục địa khác.
Năm 2007, Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) ra đời với nhiệm vụ nhân rộng giá trị khoa học châu Âu đến với thế giới thông qua hỗ trợ nghiên cứu quốc tế. Hiện ERC có bảy “thỏa thuận thực hiện” (IA) được ký kết với các đối tác của EU như Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Phi. Những thỏa thuận này đem lại cơ hội cho các nhà khoa học trẻ tham gia nghiên cứu các dự án hàng đầu được châu Âu bảo trợ. Đây mới chỉ là sự khởi đầu cho bản kế hoạch 2020 của ERC với một loạt các chương trình tài trợ nghiên cứu mới nhất của EU cùng khoản ngân sách nghiên cứu quốc tế cao nhất thế giới trị giá 80 tỷ Euro.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ mới sau khi phê chuẩn Hiệp ước Lisbon năm 2009 của EU là hình thành một Khu vực Nghiên cứu châu Âu (ERA) nhằm “cải thiện sự phối hợp hoạt động nghiên cứu các quốc gia châu Âu”.
Năm 2012, trước những thách thức toàn cầu như an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu,… EU đã thống nhất mở rộng ERA thành một “khu vực nghiên cứu thống nhất cởi mở toàn thế giới”.
Rõ ràng, tham vọng của châu Âu là giành vị trí chủ đạo trong việc thực hiện các công tác, nghĩa vụ quốc tế như giải quyết các vấn đề toàn cầu, thực hiện các Mục tiêu Thiên nhiên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc… Và phần nào mục tiêu này của EU đã cán đích thông qua ngoại giao khoa học.
Không chỉ dừng lại ở “cái nôi của khoa học kỹ thuật”, châu Âu luôn không ngừng làm mới các nghiên cứu khoa học của mình, dày công vun đắp cho mình một thương hiệu khoa học nổi tiếng. Có lẽ cũng chẳng sai khi nói rằng khoa học chính là nhân tố giúp lục địa già “không già” trong thời đại mới.
APEC: Ngoại giao khoa học chưa bao giờ quan trọng hơn Trong Hội nghị cấp Bộ trưởng APEC về vấn đề khoa học, tổ chức giữa tháng 10 vừa qua tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia ... |