📞

Biến sương mù thành nước sạch

23:55 | 03/07/2015
Với công nghệ hứng và biến sương mù thành nước sạch sinh hoạt, người dân vùng núi Tây Nam Morocco đã có thể chấm dứt chuỗi ngày dài cuốc bộ đường trường đi lấy nước…
Công nghệ hứng sương lấy nước đã giúp giải tỏa cơn khát cho người dân Morocco vào mùa khô hạn. (Ảnh: AFP)

Món quà từ thiên nhiên

Nằm chót vót trên đỉnh ngọn núi Boutmezguida ở độ cao 1.225m, 40 tấm lưới lớn được thiết kế đặc biệt để tận dụng tối đa nguồn nước từ quá trình ngưng tụ những đám sương dày. Lượng nước này sau đó sẽ được dẫn theo một mạng lưới đường ống để cung cấp nguồn nước sinh hoạt quý giá cho những ngôi làng ở khu vực có độ cao thấp hơn.

Được phát minh ở Chile hai thập kỷ trước, từ đó lan truyền ra nhiều quốc gia khác như Peru, Namibia, Nam Phi, công nghệ hứng sương chống hạn đã giúp nhiều gia đình thuộc cộng đồng Berber (người Bắc Phi bản địa) ở Morocco có nước sinh hoạt hàng ngày.

Ông Aissa Derhem, Chủ tịch Hiệp hội vì sự phát triển, giáo dục và văn hóa Dar Si Hmad (DSH) đã ví công nghệ xanh này là một "cuộc cách mạng về nguồn nước". Trước đây, việc đưa nước đến từng hộ gia đình ở vùng núi bán khô hạn Anti-Atlas là vấn đề làm đau đầu chính quyền địa phương trong bối cảnh hạn hán kéo dài, lượng mưa khan hiếm. Nhờ vào "hệ thống thu hoạch và phân phối sương lớn nhất thế giới", nỗi ám ảnh về nguồn nước từng đeo đẳng người dân nơi đây đã được gỡ bỏ.

Ông Derhem đã biết đến công nghệ hứng sương từ 20 năm trước. Nhận thấy nơi đây có hình thái khí hậu tương đồng với khí hậu vùng núi Andes (Nam Mỹ), sau khi trở về Sidi Ifni, ông đã quyết định hợp tác cùng tổ chức từ thiện Fog Quest của Canada - một tổ chức chuyên hỗ trợ các nước đang phát triển công nghệ "hứng sương lấy nước" tại quê hương mình. Phải mất gần một thập kỷ hoàn thiện kỹ thuật, dự án táo bạo này mới thực sự được đưa vào ứng dụng, cung cấp nguồn nước tại nhà cho 92 hộ gia đình và gần 400 cư dân trong vùng.

Theo ông Derhem, Morocco hội tụ đủ ba yếu tố thuận lợi để triển khai thành công công nghệ này: sự hiện diện vùng xoáy ngược từ các quần đảo ở Bắc Đại Tây Dương, những dòng khí lạnh và địa hình núi chắn gió.

Từ thành công bước đầu, nhóm thực hiện kỳ vọng sẽ nhân rộng mô hình tại các ngôi làng lân cận, tiến tới áp dụng trên toàn quốc.

Giải pháp tiết kiệm

Mỗi lần giới thiệu về hệ thống cấp nước tại gia lấy từ sương trên núi, niềm vui lại hiện rõ trên khuôn mặt những người dân làng Douar Id Achour, ngoại ô thành phố Sidi Ifni. Chỉ cách đây không lâu, vào mùa hè khô hạn, để có nước phục vụ sinh hoạt, nhiều phụ nữ và trẻ em đã phải đi bộ nhiều tiếng đồng hồ để lấy nước từ các giếng khoan. "Chúng tôi phải xách gần 160 lít nước mỗi ngày nhưng vẫn không đủ dùng vì còn nuôi cả gia súc", bà Massouda Boukhalfa, 47 tuổi chia sẻ.

Vào những tháng hạn hán, xe bồn hai tuần một lần mang nước đến bán với giá trung bình 150 Morocco Dirhams (gần 330.000 đồng) cho 5.000 lít nước. Trong khi đó, theo Giám đốc dự án hứng sương lấy nước Dar Si Hmad, người dân sẽ tiết kiệm được hơn một phần ba chi phí nếu đăng ký sử dụng hệ thống của dự án.

Không còn phải mất thời gian rong ruổi cuốc bộ đường xa lấy nước, giờ đây người dân có thể tập trung vào sản xuất, chăm lo làm kinh tế. Họ thu hoạch quả hạch của cây argan, ép lấy dầu dùng trong nấu ăn, chăm sóc da và trị chứng viêm khớp. Với nhiều công dụng hữu ích, đặc biệt là thành phần quan trọng trong các sản phẩm chăm sóc tóc và kem dưỡng da chống lão hóa, tinh dầu argan còn được ví như "vàng lỏng" của Morocco và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước này sang phương Tây.

"Phụ nữ trong làng không phải vất vả nữa. Bọn trẻ được đến trường và được an toàn. Với khoảng thời gian tiết kiệm được, chúng tôi có thể chi trả tiền nước cả năm với giá thành bằng một chai dầu argan", ông Lahcen Hammou Ali, 54 tuổi nói.

Được sự hỗ trợ từ quỹ từ thiện Wasserstiftung của Đức, vượt qua thành công giai đoạn thử nghiệm với khả năng chịu gió có vận tốc lên đến 120km/h, những tấm lưới hứng sương ở Morocco đã sẵn sàng để lắp đặt tại những khu vực có điều kiện địa hình phù hợp, giúp giải tỏa cơn khát cho người dân Morocco vào mùa khô hạn.

Linh An (theo AFP)