Biến thể mới được chứng minh là giúp virus kháng vaccine tốt hơn. (Nguồn: The Guardian) |
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học Anh đặt tên là biến thể B1525. Theo báo cáo được công bố, biến thể này xuất hiện lần đầu tiên từ cuối tháng 12/2020 tại Anh và Nigeria và hiện đã lan tới khoảng 10 quốc gia trên thế giới như Đan Mạch, Mỹ, Australia. Tại Anh, ít nhất đã có 32 bệnh nhân được phát hiện nhiễm biến thể này.
Theo các nhà khoa học Anh, điều đáng lo ngại là biến thể B1525 mang các đột biến mới ở protein gai (đột biến E484K) giúp cho virus SARS-CoV-2 dễ dàng xâm nhập hơn vào tế bào cơ thể người.
Đột biến này đã xuất hiện tại các biến thể Nam Phi và Brazil và cũng đã được chứng minh là giúp virus kháng vaccine tốt hơn.
Phát hiện này đang gây ra rất nhiều lo ngại bởi hiện tại Anh cũng như nhiều nước trên thế giới vẫn chưa ngăn chặn được hoàn toàn đợt bùng phát gây ra bởi biến thể cũ từ Anh là biến thể B117.
Biến thể virus cũ tại Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 70% so với virus SARS-CoV-2 ban đầu xuất hiện đầu năm 2020 và cũng được cho là khiến tăng nguy cơ tử vong thêm 30%.
Các nhà khoa học Anh cho rằng, biến thể mới B1525 cũng có thể khiến mức độ lây nhiễm tăng cao hơn và đặc biệt, là có thể vô hiệu hóa một số loại vaccine đang được sử dụng.
Thông tin này đang tạo nên rất nhiều lo ngại bởi trong ngày 16/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận, mặc dù đã vượt qua cột mốc 15 triệu người được tiêm vaccine nhưng nước Anh vẫn chưa nắm rõ được hiệu quả thực sự của vaccine trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Ông Johnson nói: “Mặc dù chương trình tiêm chủng đang tiến triển tốt nhưng chúng tôi vẫn chưa có đủ dữ liệu về hiệu quả thực sự của vaccine trong việc đẩy lùi tốc độ lây nhiễm. Chương trình tiêm chủng mới chỉ được tiến hành vài tuần và mức độ lây nhiễm vẫn đang rất cao, số người đang nhập viện điều trị hiện nay vẫn cao hơn đỉnh dịch tháng 4/2020”.