Biện pháp hạn chế nghiêm ngặt
Bắt đầu từ ngày 20/7, Toyota đã buộc phải tạm dừng hoạt động tại cả 3 nhà máy ở Thái Lan. Quyết định này xuất phát từ sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm Covid-19 giữa các nhà cung cấp của Toyota, khiến nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này không thể mua được phụ tùng phục vụ hoạt động sản xuất. Tiến trình khởi động lại của Toyota hiện vẫn chưa chắc chắn.
Chủ tịch công ty con Toyota Motor tại Thái Lan Noriaki Yamashita cho biết: "Đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động đáng kể đến ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan, đặc biệt là do đợt bùng dịch do biến thể Delta gần đây nghiêm trọng hơn dự đoán".
Số ca nhiễm biến thể delta tăng đột biến đã ảnh hưởng nặng nề đến Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á, khiến các quốc gia trong khu vực phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
lệnh giới nghiêm từ 21h - 4h và các biện pháp hạn chế khắt khe khác tại thủ đô Bangkok cùng 28 tỉnh thêm 2 tuần nữa trong nỗ lực kiểm soát làn sóng Covid-19 nguy hiểm này.
Tại Malaysia, thủ đô Kuala Lumpur và các khu vực khác tiếp tục siết chặt việc đi lại và hoạt động kinh doanh. Điều này đã hạn chế số lượng các ngành có thể tiếp tục hoạt động cũng như số lượng nhân viên có thể đến các doanh nghiệp để làm việc trực tiếp.
Trong khi đó, các biện pháp hạn chế di chuyển của Indonesia cũng đang được thực thi trên các đảo Java và Bali đã được kéo dài đến ngày 9/8.
Tập đoàn Toshiba đã yêu cầu các nhân viên Nhật Bản đang làm việc tại Indonesia làm việc tại nhà. Tập đoàn công nghệ này cũng cho phép những người lao động này quay trở lại Nhật Bản nếu họ muốn.
Ở Philippines, Tổng thống Philippine Harry Roque cho biết, thủ đô Manila, bao gồm 16 đô thị nhỏ, là nơi sinh sống của hơn 13 triệu dân, sẽ được đặt trong tình trạng phong toả nghiêm ngặt nhất từ ngày 6-20/8.
Còn tại Việt Nam, chỉ thị 16 của Chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội đã được áp dụng tại thủ đô Hà Nội và "thủ phủ" kinh tế - TP. Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp khó chồng khó
Tất cả những hạn chế kể trên đang tác động đến doanh số kinh doanh của các doanh nghiệp tại Đông Nam Á.
Tuần trước, Toyota dự báo, doanh số bán ô tô tại Thái Lan, một trong những thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á, sẽ chỉ tăng 1% trong năm nay. Ước tính mới hoàn toàn trái ngược với dự báo tăng trưởng 7-14% vào đầu năm 2021. Doanh số bán hàng dự báo giảm 20% so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.
Các công ty đa quốc gia hoạt động trong khu vực Đông Nam Á cũng đang phải vật lộn khi các hoạt động kinh doanh buộc phải tạm dừng hoặc cắt giảm nghiêm trọng.
Panasonic - công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị gia dụng ở Đông Nam Á hiện chỉ duy trì hoạt động sản xuất tại các trung tâm chính và đã tạm ngừng hoạt động tại một số nhà máy.
Tuần trước, các cơ sở của Panasonic tại Indonesia báo cáo, nhà máy hoạt động chưa bằng một nửa so với công suất bình thường. Trong khi đó, Panasonic ở Malaysia hiện cũng chỉ có dưới 60% nhân viên làm việc.
Giám đốc Tài chính Hirokazu Umeda của Panasonic giải thích: "Giấy phép hoạt động được cấp hàng tuần. Các công ty không có lựa chọn nào khác, ngoài việc duy trì sự linh hoạt và điều chỉnh lịch trình sản xuất dựa trên các quy định của chính phủ".
Nhà máy của Nikon ở tỉnh Ayutthaya, Thái Lan, nơi sản xuất máy ảnh kỹ thuật số và ống kính rời đã tạm dừng hoạt động trong 6 ngày do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tất cả nhân viên đều phải trải qua các đợt xét nghiệm PCR.
Khó khăn với Nikon là số lượng người trực tiếp đến làm việc tại nhà máy đã giảm, một phần là do người dân phải cách ly khi tiếp xúc gần với những người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Nhiều công ty đang giải quyết những khó khăn này bằng cách tập trung vào việc giữ cho chuỗi cung ứng luôn hoạt động.
Hoya, nhà sản xuất ống kính Nhật Bản có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động tại các nhà máy ở Thái Lan và Việt Nam từ 10-20%.
Hiện tại, nếu một công nhân bị nhiễm virus SARS-CoV-2, những công nhân làm cùng ca bắt buộc phải cách ly tại nhà. Điều đó khiến hoạt động nhà máy của Hoya ở cả Thái Lan và Việt Nam giảm khoảng 10%. Vì vậy, công ty đang nỗ lực duy trì một lượng nhân viên lớn hơn để bù đắp cho những người vắng mặt.
Chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn
Theo Reuters, các chuyên gia nhận định, tình trạng dịch bệnh như hiện tại sẽ gây sức ép lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá cước vận tải biển tăng vọt.
Một Giám đốc điều hành công ty sản xuất phụ tùng của Hàn Quốc (chuyên cung ứng cho các hãng xe Ford, Chrysler và Rivian) cho biết, giá thép thô đang tăng cao, một phần do cước vận chuyển leo thang. Điều này khiến các sản phẩm của công ty tăng khoảng 10%.
Trong khi đó, nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất châu Âu - Electrolux cảnh báo, tình trạng thiếu hụt nguồn cung phụ tùng có thể cản trở hoạt động sản xuất.
Những khó khăn do biến thể Delta mang lại cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Nhật Bản vì các linh kiện sản xuất ở Đông Nam Á cũng được xuất khẩu sang nước này.
Do chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị đình trệ, Toyota đã quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy tại tỉnh Aichi, Nhật Bản. Honda cũng sẽ tạm đóng cửa nhà máy Suzuka ở tỉnh Mie trong 7 ngày vì nguồn cung từ Indonesia và các quốc gia khác khác bị trì hoãn.
Hiroki Totoki, Phó chủ tịch điều hành của Tập đoàn Sony cho biết: “Thật khó để dự đoán tác động của dịch bệnh đối với sản xuất, doanh thu và chuỗi cung ứng".