"Biến thể Delta" của virus SARS-CoV-2 đã trở thành từ khóa thống trị toàn cầu, gây hoang mang cho người dân trên toàn thế giới ngay khi được phát hiện ở Ấn Độ. Thời gian qua, đất nước này đã rơi vào khủng hoảng do các ca nhiễm Covid-19 gia tăng chóng mặt, hầu hết là do biến thể Delta gây ra và lan rộng khắp thế giới.
Ấn Độ đã gọi Delta Plus là một "biến thể đáng lo ngại" bởi nó dễ lây lan hơn. (Nguồn: íStock) |
Nhưng giờ đây, một đột biến mới của biến thể này xuất hiện dưới cái tên “Delta Plus” khiến các chuyên gia y tế toàn cầu không khỏi lo lắng.
Ấn Độ đã gọi Delta Plus là một "biến thể đáng lo ngại" bởi nó dễ lây lan hơn. Tại Anh, trang Public Health England thông báo rằng, nước này đã ghi nhận gần 40 trường hợp nhiễm biến thể mới này.
Số liệu toàn cầu cũng ghi nhận kể từ ngày 16/6, các ca nhiễm biến thể Delta Plus cũng đã được phát hiện ở các quốc gia như Mỹ, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Biến thể Delta Plus là gì?
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến và biến đổi. Delta Plus là phiên bản đột biến mới của biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.
Biến thể mới này mang một dạng đột biến protein được gọi là K417N. Đáng chú ý, K417N cũng được tìm thấy trong biến thể Beta, lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi.
Bà Sally Cutler, một nhà vi sinh vật học từ Đại học Đông London, chia sẻ: "Đột biến K417N của biến thể Beta được cho là sẽ giúp virus né tránh các kháng thể trung hòa, một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch giúp cơ thể con người phòng thủ trước sự tấn công của virus. Điều này có nghĩa là nó có thể làm cho vaccine và thuốc kháng thể hoạt động kém hiệu quả hơn, đồng thời làm tăng nguy cơ tái nhiễm."
Chưa dừng lại ở đó, Delta Plus cũng sở hữu tất cả các đặc tính nguy hiểm khác của Delta, có thể làm cho biến thể mới nhất này trở nên dễ lây nhiễm hơn nhiều.
Phiên bản đột biến của Delta được phát hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào tháng 3, nhưng người ta mới chỉ biết đến nó vào ngày 13/6. Mặc dù các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu về biến thể này, họ tin rằng Delta Plus có khả năng truyền nhiễm mạnh hơn.
Hiệp hội gene SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), thuộc Bộ Y tế Ấn Độ, báo cáo rằng chủng Delta Plus hiện được coi là "biến thể gây quan ngại" với những các đặc điểm như tăng tính thấm, gắn kết mạnh hơn với các thụ thể tế bào phổi, có thể làm giảm phản ứng với các kháng thể đơn dòng.
Thế giới có nên lo lắng?
Trước sự lây lan nhanh của biến thể mới, Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu để kiểm tra hiệu quả của các loại vaccine trong việc chống lại đột biến này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã bày tỏ mối quan tâm tới Delta Plus. Trong một tuyên bố, WHO cho biết, tổ chức đang theo dõi biến thể này và áp dụng phương thức tương tự như với các biến thể trước đó.
“Hiện tại, biến thể này chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các ca nhiễm được ghi nhận. Delta và các biến thể trước đó vẫn có nguy cơ ảnh hưởng xấu sức khỏe cộng đồng cao hơn” – WHO tuyên bố.
Ấn Độ đang lo ngại biến thể Delta Plus có thể gây ra làn sóng Covid-19 thứ 3. (Nguồn: AP) |
Tiến sĩ Chandrakant Lahariya, một bác sĩ và nhà dịch tễ học, chuyên gia về vaccine tại New Delhi chia sẻ với CNBC ngày 24/6 rằng, mặc dù chính phủ Ấn Độ nên cảnh giác với tiến triển của biến thể, nhưng “không có lý do gì để hoảng sợ”.
Ông chia sẻ với CNBC qua email như sau: “Về mặt dịch tễ học, tôi không có lý do gì để tin rằng Delta Plus đang thay đổi tình hình dịch bệnh hoặc có khả năng gây ra làn sóng thứ ba ở Ấn Độ. Nếu chúng ta xem xét các bằng chứng hiện có, Delta Plus không quá khác biệt so với biến thể Delta thông thường. Chúng cũng là một loại biến thể với chỉ một đột biến bổ sung.”
Vì thế, một số chuyên gia về virus thắc mắc chuyện Ấn Độ gọi Delta Plus là "biến thể gây lo ngại" vì cho rằng hiện chưa có dữ liệu chứng tỏ nó lây nhiễm dễ dàng hơn hoặc gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác. Họ cho rằng cần phải nghiên cứu hàng trăm bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm biến thể Delta Plus và tìm hiểu xem liệu họ có nguy cơ bị bệnh nặng hơn so với những gì biến thể Delta gây ra hay không.
Biến thể Delta Plus đã xuất hiện ở 11 quốc gia, còn khá ít so với chủng Delta. Giới chức y tế Ấn Độ cho rằng, hiện còn khá sớm để xác định rõ mức độ nguy hiểm của Delta Plus. Tuy nhiên, với các tính chất nguy hiểm trong cấu trúc của biến thể, ngành y tế Ấn Độ khẳng định rằng, họ sẽ phản ứng mạnh để ngăn chặn sớm Delta Plus, không để bài học lây lan không kiểm soát của chủng Delta lặp lại, cũng như tránh làn sóng Covid-19 thứ 3 nổ ra tại đây.
Tiến sĩ Lahariya khuyến khích người dân các quốc gia nên tuân theo các biện pháp phòng dịch và thực hiện tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Theo phân tích từ Bộ Y tế Công cộng Anh được công bố vào tuần trước, hai loại vaccine Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca có hiệu quả cao trong việc ngăn bệnh diễn biến nặng từ biến thể Delta.
Hiện các chuyên gia y tế đều coi Delta là biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất trên thế giới. Tại Anh, 98% các ca mắc Covid-19 mới đều là do biến thể Delta gây ra. Tại Bồ Đào Nha, con số này là 96%. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược cả những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.
Hiện Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Delta Plus mới. Việt Nam vẫn đang tiếp tục xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho toàn dân từ nay tới hết năm 2021. Từ nay đến cuối năm, khi lượng vaccine đạt tới con số 110-150 triệu liều, ước tính mỗi ngày Việt Nam sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều. Ngoài ra, từ đầu năm 2021, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm trên người những liều Nano Covax và Covivac đầu tiên. Theo Bộ Y tế, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ có vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên mang tên Nano Covax vào tháng 9/2021. Việc chủ động phát triển vaccine nội địa là rất quan trọng bởi Việt Nam không muốn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung vaccine nhập khẩu. |