📞

Biến thể Omicron: Khởi đầu của sự kết thúc đại dịch

Vạn Xuân 09:38 | 30/12/2021
Dù cho biến thể Omicron có nghiêm trọng tới đâu, hầu như không ai muốn tiếp tục chứng kiến tình trạng áp đặt lệnh đóng cửa/phong toả, hay sự can thiệp vào các hoạt động xã hội trên quy mô rộng thêm một lần nào nữa.
Tình trạng lây nhiễm của biến thể Omicron đang gia tăng đáng kể tại các quốc gia phát triển. (Nguồn: ArabiaWeather)

Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí The Atlantic, tác giả Yascha Mounk, Phó Giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CRF), đồng thời là người sáng lập dự án xuất bản Persuasion, đã đưa ra quan điểm của mình về "bình thường mới" và chỉ ra xu hướng mà con người sẽ đối mặt với những biến thể mới như Omicron trong tương lai. Dưới đây là nội dung bài viết.

Rồi Covid-19 sẽ không còn đáng phải lưu tâm nữa

Dường như tất cả mọi người xung quanh tôi, ai cũng đều bị nhiễm Covid-19.

Trong thời gian đầu khi đại dịch mới bùng phát, hầu hết những người bạn của tôi đều không bị nhiễm virus trực tiếp. Có lẽ họ đã rất ý thức về sức khỏe cộng đồng hơn trong khoảng thời gian đó, hoặc đơn giản họ chỉ may mắn hơn nhiều người khác.

Cho dù lý do có là thế nào, thì thần may mắn lần này không mỉm cười với họ. Có tới tận 7 người bạn thân của tôi đã cho biết kết quả xét nghiệm của họ là dương tính. Một vài người nữa nghĩ rằng họ cũng bị nhiễm Covid-19, nhưng không thể đi xét nghiệm vì nhiều lý do khác nhau.

May mắn thay, tất cả những người này đều chỉ có các triệu chứng nhẹ nhất định. Điều này không quá bất ngờ, vì họ đã được tiêm vaccine Covid-19 và đều không thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Xu hướng nhiễm bệnh của những người bạn của tôi giống hệt với những gì đang diễn ra ở Nam Phi, nơi biến thể Omicron mới của virus lần đầu tiên được phát hiện. Số ca mắc nội địa ở nước này tăng lên nhanh chóng, nhưng số ca tử vong cho đến nay không còn tăng lên đều hơn và nhiều hơn nữa. Điều này có thể là minh chứng cho việc biến chủng Omicron dễ lây lan hơn, nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhiều như các biến thể trước đó.

Tuy nhiên, tình hình dịch ở những nơi khác có những dấu hiệu ban đầu đáng lo ngại hơn. Và ngay cả khi biến chủng Omicron có tỷ lệ tử vong thấp hơn đáng kể, nó cũng có thể để lại những hậu quả khôn lường nếu tốc độ lây lan nhanh không được kiểm soát.

Các dữ liệu ban đầu ở thời điểm hiện tại cho thấy, tương lai liên quan tới đại dịch và dịch tễ trước mắt đều không chắc chắn. Có thể chúng ta sẽ chịu đựng thêm sự bất tiện trong vài tháng trước khi biến chủng Omicron bị dập tắt, hoặc có thể chúng ta sẽ một lần nữa chứng kiến cảnh gia tăng khủng khiếp về số ca nhập viện và tử vong trong tương lai gần.

Cá nhân tôi tin chắc rằng, dù là Omicron hay một biến thể bất kỳ của Covid-19 trong tương lai có diễn biến ra sao, thì chúng ta sẽ đều coi Covid-19 không phải là một hiện tượng xã hội phải đáng lưu tâm nữa.

Biện pháp thích ứng thay vì ngăn chặn

Ngay từ những ngày đầu tiên của đại dịch, một số chuyên gia và người dân đã phản đối giãn cách xã hội và cả lệnh đóng cửa do chính phủ Mỹ áp đặt. Ở mỗi một giai đoạn, một số người sẽ mong muốn thực hiện các biện pháp triệt để, trong khi số khác lại lo lắng về phí tổn và những bất lợi mà biện pháp can thiệp này mang lại. Và điều này vẫn đúng cho đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, cuộc chiến này đã bị lu mờ bởi những luồng tranh cãi liên tục liên quan đến chỉ thị về đeo khẩu trang và tiêm vaccine bắt buộc.

Bất chấp cho việc số ca nhiễm tăng vọt, hầu như không một học giả hay chính trị gia nào đề xuất các biện pháp nghiêm ngặt để làm chậm mức độ lây lan của virus. Đơn giản là không một ai mong muốn áp đặt lệnh đóng cửa hay can thiệp vào các hoạt động xã hội có quy mô lớn. Điều này cho thấy chúng ta đã từ bỏ việc “làm giảm mức độ lây nhiễm” hay “làm thẳng đường cong dịch bệnh”. Ta đã âm thầm quyết định bỏ cuộc ở một phạm vi lớn hơn so với các đợt dịch trước đó.

Những chính sách gần đây nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho thấy sự thay đổi này.

Theo tờ New York Times, các kế hoạch của Nhà Trắng bao gồm một số chính sách như gửi quân đội đến giúp đỡ các bệnh viện đối phó với sự gia tăng của Covid-19, triển khai máy thở đến các địa điểm cần thiết, viện dẫn luật thời chiến để gia tăng sản xuất các bộ thử nghiệm Covid-19, xét nghiệm miễn phí cho người dân vào tháng tới, và mở thêm các phòng tiêm chủng.

Đây đều là những biện pháp hợp lý, nhưng chủ yếu là những biện pháp thích ứng nhằm đối phó với số ca nhiễm gia tăng, chứ không phải để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu.

Chiến lược này có thể bắt buộc phải điều chỉnh theo tình hình thực tế trong một vài tuần, và thậm chí là cả vài tháng tới. Nếu phòng hồi sức cấp cứu của các cơ sở y tế phải tiếp nhận hàng chục ngàn bệnh nhân liên quan biến chủng Omicron và đẩy các bệnh viện đến mức quá tải, thì cả các chính trị gia và người dân sẽ đều phản ứng.

Tuy nhiên, nếu với mục tiêu giống như trước đây là ngăn tình trạng khẩn cấp phát sinh, thì giờ đây chúng ta chỉ có thể nghĩ đến những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, ví dụ như lệnh đóng cửa khi ban bố tình trạng khẩn cấp là một điều hiển nhiên mà ai cũng phải chấp nhận.

Các biện pháp đối phó với những làn sóng Covid-19 trong tương lai ít nhiều sẽ phụ thuộc vào bản chất mối nguy mà chúng ta sẽ phải đối mặt.( Nguồn: AP)

Dấu hiệu cho sự kết thúc của đại dịch

Các nhà khoa học có phương thức riêng của họ trong việc xác định xem khi nào đại dịch chấm dứt. Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực về mặt khoa học xã hội, đó là khi người dân đã quen sống chung với một mầm mống dịch bệnh luôn thường trực.

Trên thực tế, mặc dù tình trạng lây nhiễm của biến thể Omicron gia tăng đáng kể tại các quốc gia phát triển nhưng phản ứng của đa phần dân chúng vẫn rất hời hợt. Điều này, về phần nào đó đã là cột mốc cho sự kết thúc của đại dịch.

Liệu sự "bình thường mới" có đồng nghĩa với việc căn bệnh này đã bớt nguy hiểm hơn hay không? Hay liệu người dân sẽ phớt lờ đại dịch Covid-19, ngay cả khi nó tiếp tục cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng mỗi năm?

Có nhiều cơ sở thực tiễn để mong chờ kịch bản thứ nhất sẽ diễn ra. Các loại virus chỉ có sức công phá mạnh nhất khi xâm nhập vào một cộng đồng chưa từng tiếp xúc với chúng trước đó. Đối với những người có hệ miễn dịch chưa được tiếp xúc với kháng nguyên virus, họ càng có nguy cơ chịu hậu quả xấu về sức khỏe.

Điều này cho thấy rằng khoảng thời gian vài tháng tới có thể giúp xã hội hình thành một “chiếc khiên cộng đồng” chống lại những chủng chủng virus trong tương lai. Một khi phần đông dân số bị nhiễm chủng Omicron, khả năng miễn dịch với virus sẽ tăng. Điều này có thể giúp chúng ta xử lý tốt hơn các chủng virus trong tương lai mà không làm tăng tỷ lệ tử vong lên một cách đáng kể.

Tuy nhiên, điều này không phải là một kết quả nghiễm nhiên, bởi chủng Omicron vẫn có thể làm suy yếu thể trạng những người bệnh có khả năng miễn dịch yếu hoặc ngắn hạn với các chủng lạ. Nếu không may, một số biến chủng trong tương lai có thể có khả năng lây nhiễm lớn như biển thể Omicron, hoặc gây chết người cao như biến thể Delta.

Có thể thấy rằng độ nghiêm trọng của các biến chủng trong tương lai đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, các biện pháp đối phó với những làn sóng Covid-19 trong tương lai ít nhiều sẽ phụ thuộc vào bản chất mối đe dọa mà chúng ta sẽ phải đối mặt.

Tuy nhiên, tôi cho rằng trong tương lai chúng ta cũng không còn coi vấn đề này là trọng yếu. Giờ đây, nhìn chung, toàn thể nước Mỹ sẵn sàng đón nhận những làn sóng dịch bệnh trong tương lai trong sự dửng dưng và bất lực.

Sinh ra và lớn lên ở Đức, tôi có niềm đam mê xem các bản tin thường ngày về cuộc sống ở những nơi nguy hiểm. Từ những việc đơn giản như đi mua sắm, hoặc gặp gỡ bè bạn bên những tách cà phê, những người dân ở Baghdad hoặc Tel Aviv có thể đã tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm, ngàn cân treo sợi tóc. Điều này khiến tôi tự hỏi với sự kinh hãi xen lẫn niềm khâm phục, rằng làm thế nào mà họ có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro hiện hữu song song với những thú vui tầm thường như vậy?

Nhưng sự thật là trong phần lớn các tài liệu lịch sử được ghi chép lại, hầu như cả nhân loại đều phải đối mặt với những nguy cơ hàng ngày về bệnh tật, cái chết, hoặc bạo lực. Những nguy cơ này còn lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro mà cư dân các nước phát triển hiện nay đang phải đối mặt. Điều này vẫn đúng trong bối cảnh hiện tại, với những điều khủng khiếp mà cả loài người vừa trải qua trong hai năm phải sống chung với đại dịch Covid-19.

Nghị lực vươn lên tiếp tục sống vốn đã là bản chất ăn sâu và không thể thay đổi của con người. Và nếu như vậy, thì mùa xuân năm 2020 sẽ được người ta nhớ tới như một trong những thời kỳ phi thường nhất trong lịch sử nhân loại, khi loài người hoàn toàn rút lui khỏi đời sống xã hội để làm chậm tốc độ lây lan của một loại dịch bệnh nguy hiểm. Nhưng như ta đã thấy, điều này chỉ có thể xảy ra trong vài tháng và không thể nào tiếp tục trong vài năm, chứ chưa nói tới quy mô vài thập kỷ.

Cho dù hậu quả của biến thể Omicron trong tương lai gần có khôn lường tới đâu, thì rất có thể chúng ta sẽ quay trở lại cuộc sống tiền đại dịch giống như năm 2019, thay vì tiếp tục sống trong nỗi lo sợ đại dịch như cả nhân loại đã trải qua vào năm 2020.

(theo The Atlantic)