Mỹ phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. (Nguồn: BBC) |
Mỹ: Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo, nước này ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 tại bang California.
CDC Mỹ nêu rõ: "Trường hợp này là một du khách trở về từ Nam Phi vào ngày 22/11/2021. Người này, vốn đã được tiêm phòng đầy đủ, có các triệu chứng nhẹ và sức khỏe đang dần cải thiện".
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO): PAHO cảnh báo, biến thể Omicron có khả năng sẽ sớm lây lan sang các quốc gia Bắc Mỹ và Nam Mỹ sau khi Mỹ, Canada và Brazil xác nhận đã phát hiện các trường hợp dương tính với biến thể mới này.
Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết, hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định rõ liệu Omicron có khả năng lây truyền mạnh hơn các biến thể khác hoặc có khả năng gây bệnh nặng hơn hay không.
Theo bà Etienne, chỉ khi hoàn thành các xét nghiệm đầy đủ, các chuyên gia mới có đủ bằng chứng để xác định mức độ lây truyền hoặc mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron.
Ngoài ra, người đứng đầu PAHO cũng kêu gọi người dân không nên quá sợ hãi trước tình hình dịch tễ hiện nay.
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE): Hãng thông tấn nhà nước WAM đưa tin, UAE ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron ở một người phụ nữ tới từ một quốc gia châu Phi.
UAE là quốc gia vùng Vịnh thứ hai ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron sau khi Saudi Arabia trước đó cùng ngày thông báo phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, biến thể mới Omicron đã được phát hiện ở 23 quốc gia thuộc 5 trong 6 khu vực của WHO và con số này dự kiến tiếp tục tăng. WHO vô cùng cẩn trọng trước diễn biến này.
Trong khi đó, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cho biết, các loại vaccine hiện nay có thể hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca mắc Covid-19 có triệu chứng nặng, bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Nam Phi: Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi Mvuyisi Mzukwa cho biết, các bác sĩ nước này không nhận thấy bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào ở những bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron so với những bệnh nhân nhiễm biến thể Delta trước đây.
Ông Mzukwa cho biết, sự khác biệt đáng chú ý duy nhất là các ca nhiễm biến thể mới có độ tuổi trẻ hơn và có biểu hiện bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta.
Ông Mzukwa cũng cho biết thêm, phần lớn các bệnh nhân mới nhập viện, chiếm khoảng 90%, chưa được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Vaccine: Hãng dược Moderna tuyên bố sẽ sớm trình lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép đối với mũi vaccine tăng cường có khả năng chống được biến thể mới Omicron vào tháng 3/2022.
Chủ tịch tập đoàn Moderna Stephen Hoge cho biết, ông tin rằng việc tiêm mũi vaccine tăng cường có mang các gene tấn công được các đột biến có trong biến thể Omicron sẽ là cách nhanh nhất giải quyết được vấn đề các vaccine hiện nay đang bị Omicron làm giảm hiệu quả.
Ông Hoge cho hay, hiện hãng đã bắt tay vào dự án nghiên cứu này, cũng như nghiên cứu cả loại vaccine có thể chống được tới 4 biến thể virus SARS-CoV-2 khác nhau, bao gồm Omicron.
Ông Hoge nói thêm việc nghiên cứu và cho ra mũi vaccine tăng cường chống được biến thể Omicron phải mất ít nhất 3-4 tháng hoặc thậm chí lâu hơn nhưng hãng sẽ đưa ra thị trường ngay khi hoàn thiện, song, các vaccine hiện có hoàn toàn có khả năng làm chậm sự xâm nhập của biến thể Omicron, cho dù có thể không ngăn chặn được hoàn toàn.