Người dân ném đá về phía chiếc xe tải của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc biểu tình ở al-Bab, miền Bắc Syria, ngày 1/7. (Nguồn: AFP) |
Vụ việc xuất phát từ các cáo buộc liên quan một người đàn ông nhập cư từ Syria thực hiện hành vi quấy rối một đứa trẻ.
Sau thông tin này, ngày 30/6, một nhóm đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình đã nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp và tài sản của người Syria ở Kayseri, thuộc khu vực miền Trung Anatilian của quốc gia liên lục địa Á-Âu. Các video trên mạng xã hội cho thấy một cửa hàng tạp hóa bị đốt cháy.
Các cuộc biểu tình sau đó bùng phát ở các thành phố Hatay, Gaziantep, Konya, Bursa và một quận ở Istanbul, khi người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ đốt phá phương tiện và tài sản thuộc sở hữu của người Syria.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya cho biết, cảnh sát nước này đã bắt giữ 474 người liên quan đến các vụ tấn công cộng đồng người Syria trên toàn quốc.
Theo hãng thông tấn AFP, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường an ninh xung quanh lãnh sự quán Syria ở Istanbul, cho triển khai xe bọc thép và tuần tra khu vực lân cận.
Những diễn biến trên khiến hàng trăm người Syria giận dữ và biểu tình ở một số thị trấn thuộc khu vực phía Tây Bắc nước này, hiện do quân nổi dậy nắm giữ. Đây là khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ duy trì hàng nghìn binh sĩ và đã tạo lập "vùng an toàn" khiến Tổng thống Syria Bashar al-Assad không thể giành lại quyền kiểm soát.
Hôm 1/7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc phe đối lập gây căng thẳng, đồng thời lên án hành vi bạo lực nhằm vào người Syria là "không thể chấp nhận được".
Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Erdogan ngày 28/6 cho biết không loại trừ khả năng có một cuộc gặp với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad nhằm khôi phục quan hệ song phương giữa hai quốc gia láng giềng, nhấn mạnh Ankara không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Damascus.Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ với chính quyền ở Damascus sau khi xung đột bùng nổ tại Syria năm 2011. Tuy nhiên, Ankara cho biết, hai nước có thể khôi phục quan hệ nếu đạt được tiến triển trong cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề hồi hương tự nguyện và an toàn cho hàng triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tiến trình chính trị.
Trước đó, giới chức Damascus từng nhiều lần tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ cần phải chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Tây Bắc Syria để hai bên có thể hướng tới bình thường hóa quan hệ.