Dòng người biểu tình giơ cao biểu ngữ “Phản đối Trung Quốc bán phá giá”. (Nguồn: Reuters) |
Khoảng 5.000 công nhân ngành thép đến từ Anh, Pháp và nhiều nước châu Âu khác đã kéo đến trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) giơ cao biểu ngữ “Phản đối Trung Quốc bán phá giá”. Những người biểu tình cho rằng cần hoãn việc công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Các tập đoàn sản xuất thép châu Âu đồng thời cáo buộc Trung Quốc trợ giá xuất khẩu trái phép và bán phá giá, dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành sản xuất thép của EU.
Trung Quốc đã gia nhập WTO được 15 năm. Theo lộ trình, năm 2016, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chính thức được công nhận nền kinh tế thị trường. Nếu có được điều đó, Trung Quốc sẽ có những thuận lợi đáng kể trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác. EU sẽ phải cho phép nhập khẩu lượng lớn thép giá rẻ từ Trung Quốc. Người ta ước tính rằng, thép Trung Quốc có thể khiến 3,5 triệu việc làm ở châu Âu bị đe dọa, cũng như gây thiệt hại hàng trăm tỷ Euro doanh thu. Ngoài ra, các nhà sản xuất thép châu Âu cũng cho rằng việc Trung Quốc dùng công nghệ điện đốt than để sản xuất thép cũng đi ngược lại với nỗ lực cắt giảm khí thải carbon của EU.
Ngành thép tại châu Âu đang trong thời kỳ khó khăn nhất, khi tình hình kinh tế chững lại đang khiến nhu cầu sử dụng thép giảm, gây dư thừa sản lượng. Geert Van Poelvoorde - Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành của ArcelorMittal - Tập đoàn thép lớn nhất thế giới có trụ sở chính đặt tại Luxembourg, cho biết, với 400 triệu tấn thép đang trong tình trạng dư thừa nguồn cung thì không khó gì để phá hủy ngành công nghiệp thép chỉ có mức tiêu thụ 150 triệu tấn/năm.
Cùng xuống đường với các công nhân, Giám đốc điều hành của tập đoàn Tata Steel châu Âu – Nhà sản xuất thép lớn nhất nước Anh Karl Koehler ví von việc cho phép nhập khẩu thép từ Trung Quốc là đang “xuất khẩu việc làm để nhập khẩu khí CO2”. Ông Koehler cũng cho biết sản phẩm của họ không thể cạnh tranh nổi với thép Trung Quốc, khi Bắc Kinh can thiệp và làm chỗ dựa cho các nhà máy làm ăn thua lỗ.
Từ mùa hè năm 2015, cuộc khủng hoảng thép ở châu Âu đã khiến nhiều lao động ở khu vực này bị thất nghiệp. (Nguồn: EPA) |
Dù suy giảm nhiều năm qua nhưng ngành thép châu Âu vẫn chiếm tới 11% tổng sản lượng thép của thế giới và tuyển dụng khoảng 1 triệu lao động tại một số nước đang gặp khó khăn nhất về kinh tế tại khu vực này.
Tuần qua, Ủy ban châu Âu đã tiến hành ba cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép Trung Quốc và dự kiến sẽ đánh thêm một số loại thuế mới lên các sản phẩm thép đến từ nước này.