📞

Bình đẳng giới cho lao động nữ ASEAN: Cần giải pháp quyết liệt và lâu dài

Thế An 17:37 | 21/06/2020
TGVN. Vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới trong khu vực sẽ là một trong những nội dung trọng tâm được bàn thảo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. 
Rất nhiều lao động nữ trong khu vực Đông Nam Á đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. (Nguồn: Jakarta Post)

Tác động sâu rộng và tàn khốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đến cuộc sống và sinh kế của người dân trong khu vực ASEAN đang ngày càng rõ nét. Khi các chính phủ và doanh nghiệp đang phải vật lộn với tiến trình phục hồi sau dịch bệnh thì một thực tế khắc nghiệt khác đang nổi lên, thách thức các quốc gia trong cộng đồng: đại dịch Covid-19 đã phơi bày và làm gia tăng những tổn thương đối với lao động nữ trong khu vực. Và thách thức này đòi hỏi sự cần thiết của những giải pháp có ý nghĩa và mang tính lâu dài.

Tại Diễn đàn trực tuyến của Liên hợp quốc về Kinh doanh trách nhiệm và quyền con người được tổ chức mới đây, nhiều chính phủ và đại diện doanh nghiệp đều cho rằng, lao động nữ khu vực ASEAN đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới trong công việc khi chỉ nhận được 70-90% thu nhập so với nam giới.

Hơn 70% lao động nữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang làm việc tại các khu vực kinh tế không chính thức đồng nghĩa với việc các quyền lợi của phụ nữ như nghỉ ốm, thai sản hay bảo trợ xã hội không được đảm bảo.

Điều này vô hình chung dẫn đến sự thiếu quan tâm từ phía các chính phủ và doanh nghiệp khi đưa vào các kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp - vốn chỉ hướng đến những người trụ cột gia đình (người chồng/người cha) hoặc những lao động hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức.

Đại dịch cũng làm gia tăng các thách thức đối với lao động nữ khi họ phải dành phần lớn thời gian chăm sóc con cái trong thời gian đóng cửa trường học do giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch bệnh. Bạo lực gia đình cũng gia tăng đáng kể, việc hạn chế di chuyển trong thời gian cách ly cũng khiến nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ cũng như những chia sẻ từ phía cộng đồng.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 26/6 tới đây, Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) dự kiến sẽ đệ trình các báo cáo và khuyến nghị về các phản ứng tập thể để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 ngày 14/4, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra tuyên bố khẳng định quyết tâm và cam kết, trên tinh thần một ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, duy trì đoàn kết, và cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Vấn đề lao động nữ trong khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ được ACC phản ánh trong Báo cáo của mình trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sắp tới và xem xét các khuyến nghị đối với các chính phủ và khu vực doanh nghiệp:

Thứ nhất, cam kết bảo vệ mọi quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Chính phủ và khu vực doanh nghiệp cần đảm bảo tất cả mọi người lao động và đoàn thể nơi phụ nữ làm việc đều nhận thức rõ điều này. Người lao động nữ hoàn toàn có quyền yêu cầu giải quyết những quyền lợi liên quan đến mình.

Thứ hai, quyền con người phải được dựa trên yếu tố bình đẳng giới. Các doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường công bằng cho lao động nữ và ngăn chặn các hình thức phân biệt đối xử, các hành vi bạo lực đối với phụ nữ. Nếu những quyền lợi của họ bị xâm phạm, cần phải có những biện pháp hỗ trợ cần thiết để lao động nữ có thể tiếp cận chủ động.

Thứ ba, cần cung cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ giúp giảm bớt trách nhiệm của lao động nữ trong gia đình, thúc đẩy các chuẩn mực xã hội tích cực kêu gọi nam giới và phụ nữ cùng chia sẻ việc gia đình.

Bên cạnh đó, một điều quan trọng là phụ nữ cũng cần được trao quyền trong các quyết định, các cuộc thảo luận về những vấn đề liên quan đến mình. Có như vậy, những mối quan tâm và giải pháp do phụ nữ đề xuất mới thực sự được phản ảnh trong các công cụ chính sách của các quốc gia.

Những khuyến nghị này cũng góp phần tạo ra các lộ trình thực hiện các khung chính sách trong khu vực như Chương trình hành động ASEAN về trao quyền kinh tế cho phụ nữ hay Hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm vào lĩnh vực Thực phẩm, Nông nghiệp và Lâm nghiệp.

(theo The Jakarta Post)