Ngày 6/3, tại Bản tàng Phụ nữ Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội đã phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức công bố cuộc thi ảnh “Những gia đình bình đẳng Việt Nam” – hoạt động tiếp nối Cuộc thi ảnh “Những ông bố Việt Nam” diễn ra vào cùng thời điểm năm 2016. Tại đây, Đại sứ Pereric Hogberg cùng nhiều đại biểu tham dự đã có chia sẻ những câu chuyện của riêng mình cùng những suy nghĩ tích cực về bình đẳng giới.
Mẫu hình ở Thụy Điển
Thụy Điển được biết đến những quốc gia bình đẳng nhất trên thế giới theo đánh giá của các bảng xếp hạng quốc tế. Ở Thụy Điển, cả nữ giới và nam giới đều được hưởng các quyền như nhau ở môi trường học đường, nơi làm việc và ở nhà. Chính phủ Thụy Điển mong muốn tất cả mọi người dân đều được hưởng các quyền bình đẳng không phân biệt giới tính, nên đã thiết lập một cơ quan Thanh tra nhân dân (Ombudsman) chịu trách nhiệm về bình đẳng để đảm bảo tất cả những quyền này được tôn trọng và thực thi.
Việc đảm bảo những kiến thức và kinh nghiệm của cả nam giới và nữ giới được sử dụng để thúc đẩy tiến bộ trong tất cả khía cạnh xã hội cũng được thể hiện ở cấp lãnh đạo cao nhất. Hiện nay, 12 trong số 24 bộ trưởng trong chính phủ Thụy Điển là nữ, bên cạnh gần một nửa thành viên của Quốc hội Thụy Điển cũng là phụ nữ.
Đại sứ Pereric Hogberg chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: T.T) |
Đặc biệt, với chính sách “Ngày nghỉ của cha mẹ” (Parental Leave) với 480 ngày nghỉ phép được trả lương, tương đương với 16 tháng sinh con dành cho cả bố và mẹ, Thụy Điển là quốc gia tiên phong khuyến khích bình đẳng giới ngày tại các gia đình. Theo đó, từ năm 1974, các ông bố cũng được “nghỉ đẻ” để chăm sóc vợ và đứa trẻ mới sinh. Hình ảnh “nam tính” nhất của nam giới Thụy Điển chính là lúc họ vào bếp nấu nướng, đẩy xe nôi trong công việc, thay tã hay cho con ăn hoặc hỗ trợ người bạn đời của mình trong các công việc chung trong gia đình.
Theo Đại sứ Thụy Điển, con đường tới một xã hội bình đẳng bắt đầu từ chính các gia đình, cho dù hình thái gia đình có thể khác nhau. Ông Pereric Hogberg chia sẻ rằng, ông có hai con nhỏ (13 tuổi và 15 tuổi) và từng có thời gian 6 tháng ở nhà chăm sóc cho cô con gái nhỏ mới 8 tháng tuổi. Hai bài học lớn nhất mà Đại sứ Thụy Điển nhận được trong khoảng thời gian ý nghĩa này chính là: cần dành nhiều thời gian cho con và việc chăm sóc con đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu bằng cả thời gian, công sức, tình yêu của cha mẹ.
“Chúng ta có thể có các gia đình truyền thống hoặc phi truyền thống, nhưng tất cả mỗi người đều có thể có những hành động tích cực để đóng góp cho một xã hội trong đó những bà mẹ, những ông bố, và quan trọng nhất là tất cả trẻ em, đều được hưởng lợi. Đầu tư vào bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ và các bé gái là một khoản đầu tư thông minh trong toàn xã hội. Các nghiên cứu cho thấy những quốc gia có tỷ lệ lớn phụ nữ tham gia vào thị trường lao động có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn và GDP bình quân đầu người lớn hơn”, ông nói.
Và câu chuyện ở Việt Nam
Là người theo sát cuộc thi “Những ông bố Việt Nam” năm 2016, bà Nguyễn Phương Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, bà rất ấn tượng với chính sách bình đẳng giới của Thụy Điển và hy vọng những kinh nghiệm tuyệt vời của quốc gia này có thể có ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam. Đồng quan điểm với Đại sứ Thụy Điển, bà cho rằng, bình đẳng giới có nền tảng ở chính trong mỗi gia đình.
Năm trước, cuộc thi “Những ông bố Việt Nam” đã nhận được rất nhiều quan tâm và ủng hộ cùng hơn 1.000 bức ảnh tham dự với rất nhiều tình huống thể hiện sự chăm sóc của người cha. Năm nay, Ban Tổ chức mở rộng chủ đề và mong muốn nhận được những tác phẩm chân thực, cảm động phản ánh những góc nhìn bình đẳng của cả các ông bố, các bà mẹ và thành viên trong các gia đình.
Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), một trong những yếu tố chủ chốt quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam là việc xã hội giao trọn nhiệm vụ chăm sóc gia đình cho người phụ nữ. Việc gắn chặt phụ nữ với vai trò này đã hạn chế các cơ hội của họ trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, tham gia xã hội và chính trị. Nghiên cứu mới nhất của ISDS chỉ ra rằng, những nam giới tham gia công việc gia đình từ khi còn nhỏ sẽ tích cực chia sẻ vai trò chăm sóc khi họ trở thành người chồng và người cha.
Một tác phẩm trong cuộc thi "Những ông bố Việt Nam" năm 2016. (Ảnh: T.T) |
Cũng theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, ở Việt Nam chưa có bình đẳng giới thực sự. Bà kể một câu chuyện vui khi đem một câu hỏi liệt kê hàng loạt các công việc nhà dành cho các đức ông chồng, phần lớn số người trả lời là họ không làm các công việc này (ngoài việc đi họp phụ huynh và đưa con đi chơi). Câu trả lời khả qua nhất và chung nhất chỉ làà “làm trụ cột trong gia đình”.
Tuy nhiên, hiện nay cũng không hiếm các gia đình ở Việt Nam đã tiến tới bình đẳng. Bà Hồng chia sẻ một ví dụ về cuộc sống hạnh phúc trong chính gia đình mình. Đó là khi người cha già ngoài 80 tuổi vẫn ngày ngày lên thực đơn nấu ăn và lấy thuốc uống cho người mẹ bị mắc bệnh mất trí nhớ, là thi thoảng bà có thể cho phép bản thân mình lười biếng để nằm đọc sách trên ghế sofa trong lúc chồng lau nhà, hoặc nấu ăn...
Với đạo diễn điện ảnh Trần Lực – ông bố nổi tiếng qua chương trình truyền hình “Bố ơi mình đi đâu thế”, điều quan trọng nhất trên thế giới này là gia đình và tình yêu: “Vào cuối mỗi ngày, cho dù bạn là ai bạn cũng sẽ cần có một mái ấm gia đình. Đó là nụ cười của một đứa trẻ, là tình yêu của người mẹ, là niềm vui của một người cha và những sự liên kết trong một gia đình bình đẳng nơi mọi người đều có thể đóng góp. Những khoảnh khắc đẹp nhất trong gia đình tôi là lúc tôi và người bạn đời cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau và cùng nhau chăm sóc, giáo dục con cái và tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc, hạnh phúc và gia đình”.
Cuộc thi “Những gia đình bình đẳng Việt Nam” dành cho mọi công dân Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 8/3 - 15/5 nhằm thúc đẩy bình đẳng trong các gia đình, khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên, bao gồm việc chăm sóc con cái, đồng thời cùng phấn đấu sự nghiệp riêng và có những đóng góp tích cực cho xã hội. Thành phần Ban Giám khảo gồm: Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg, Nhà báo-nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh, Đạo diễn điện ảnh Trần Lực, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân, Đại diện Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Hơn 30 bức ảnh đẹp nhất sẽ được Ban Giám khảo lựa chọn tham gia một triển lãm về chủ đề này và quyết định tác phẩm đoạt giải Nhất và giải Nhì. Riêng giải Ba sẽ do cộng đồng mạng lựa chọn thông qua trang Facebook của Đại sứ quán Thụy Điển. Giải thường dành cho giải Nhất, giải Nhì và giải Ba sẽ bằng hiện vật có giá trị lần lượt là 10 triệu, 8 triệu và 7 triệu đồng. Ảnh dự thi có thể gửi đến Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội theo đường thư gửi trực tiếp, bưu điện hoặc thư điện tử. |