📞

Bình luận của Báo TG&VN: Syria - Cục diện “trận cuối”

09:59 | 14/09/2018
Tưởng chừng cuộc nội chiến 8 năm đang dần đi đến hồi kết thì giờ đây, Syria đang đối diện với nguy cơ xảy ra “thảm hoạ nhân đạo” tồi tệ nhất thế kỷ 21.​

Ngày 10/9 vừa qua, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối nghiên cứu khẩn cấp Mark Lowcock đã cảnh báo về một “thảm hoạ nhân đạo tồi tệ nhất” thế kỷ này nếu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào phe nổi dậy đang kiểm soát tỉnh Idlib. 

Ngày 12/9 là hạn chót để các bên tìm kiếm giải pháp chính trị trước khi chính phủ Syria sẽ bắt đầu tấn công. Trong khi đó, các cuộc thương thảo giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cho đến giờ vẫn chưa mang lại kết quả, còn phương Tây liên tục dọa sẽ “phản ứng mạnh mẽ” nếu quân chính phủ sử dụng vũ khí hoá học trong chiến dịch Idlib. 

Thảm kịch “nhân danh” hòa bình

Báo cáo của LHQ ước tính khoảng 3 triệu dân thường đang sinh sống tại tỉnh này. Tuy nhiên chỉ từ ngày 1 - 9/9, hơn 30.000 người, trong đó phần nhiều là phụ nữ và trẻ em, đã tìm cách chạy khỏi các khu vực phía Nam và Tây Nam Idlib, cũng như Bắc và Tây Bắc tỉnh láng giềng Hama.

Ông Mark Lowcock nhấn mạnh: “Chúng ta từng chứng kiến 250.000 người tử nạn trong trận sóng thần năm 2004 và 250.000 người khác thiệt mạng trong nạn đói khủng khiếp tại Somalia năm 2011. Vì thế, chúng ta không thể để cho cảnh tượng tương tự tái diễn tại Idlib”.

Binh lính Syria và Nga tại một trạm gác ở thủ đô Damascus, Syria. (Nguồn: Newsweek)

Hiện quân chính phủ, với sự yểm trợ của Nga và Iran, đang lên kế hoạch cho một chiến dịch quy mô nhằm tránh Idlib trở thành “ổ khủng bố mới”, gây nguy hiểm không chỉ với Syria mà cả thế giới. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp và mới đây là Đức đều nhất trí sẽ có câu trả lời mạnh mẽ nhất trước bất kỳ hành vi sử dụng vũ khí hoá học nào của chính quyền Syria như vụ việc xảy ra vào tháng 4/2017 và tháng 4/2018. Tuy nhiên, bản thân Mỹ cũng bị Nga cáo buộc đã sử dụng bom phosphorus trắng trong chiến dịch tấn công làng Hajin, thành trì cuối cùng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Syria tại tỉnh Deir al-Zor ngày 8/9 vừa qua. 

Có thể thấy, cuộc đua tranh giành ảnh hưởng và tìm kiếm lợi ích của các cường quốc khu vực và thế giới ngày càng căng thẳng. Nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc can dự vẫn luôn hiện hữu. Kết quả “màn đấu trí và lực” của các bên ở Idlib có thể sẽ tạo bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng Syria, song cũng có thể làm phức tạp thêm tiến trình giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng này.

Tiếp tục thỏa hiệp 

Giữa lúc số phận phe nổi dậy ở tỉnh Idlib chưa biết ra sao thì các nỗ lực ngoại giao vẫn rất khẩn trương. Từ 10-11/9, các nhà ngoại giao cấp cao của Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura để thảo luận về việc thành lập ủy ban sửa đổi Hiến pháp của đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Ngày 28/8, Người phát ngôn của LHQ Alessandra Vellucci cho biết, LHQ đã mời Đại sứ Mỹ cùng Anh, Pháp, Đức, Arab Saudi, Jordan và Ai Cập tới trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) vào 14/9 để thảo luận về tình hình Syria.

Trước đó Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra tại Tehran ngày 7/9 không ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Mặc dù tuyên bố chung sau cuộc gặp nhấn mạnh tới giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời nhất trí phối hợp tìm kiếm cách thức giải quyết tình hình tại tỉnh Idlib, phù hợp với tinh thần hợp tác vốn là đặc điểm của tiến trình hòa đàm Astana, song không có gì bảo đảm những tuyên bố trên sẽ được thực hiện. 

Tuyên bố chung kể trên cũng được nhận xét là “nghèo chi tiết” và chưa thể hiện được lập trường chung của ba bên về cuộc tấn công nhằm vào Idlib.

Thời điểm này LHQ cũng đang hối thúc việc thảo luận với các bên liên quan về việc soạn thảo Hiến pháp mới cho Syria. Tuy nhiên, quá trình soạn thảo vẫn diễn ra tương đối chậm chạp.

Các nỗ lực ngoại giao liên tiếp được cho là cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thông qua một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc can dự vào cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 8 ở Syria đang dần hé lộ. Trong khi đó, toan tính của các bên trong “màn quyết đấu cuối cùng” ở Idlib, mà kết quả của nó có thể tạo bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng Syria, cũng đang làm phức tạp thêm tiến trình giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng.

Nỗ lực thúc đẩy việc thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp Syria, bước quan trọng trong tiến trình chính trị tại quốc gia này, có thể sẽ “xôi hỏng bỏng không” một khi các bên liên quan, vì mâu thuẫn lợi ích, vẫn tạo ra những diễn biến trái chiều trên thực địa.