G7 xem xét nhiều lựa chọn khác nhau liên quan đến tài sản bị phong tỏa của Nga. (Nguồn: RT) |
Vào tháng 5 và tháng 6, thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã xem xét nhiều lựa chọn khác nhau liên quan đến tài sản bị phong tỏa của Nga.
Theo Bloomberg, các nước trong khối đã đồng ý sử dụng lợi tức từ số tiền này, nhưng không tịch thu tài sản, mặc dù Mỹ và Anh “nhấn mạnh rằng các đồng minh nên cân nhắc những lựa chọn táo bạo hơn”.
Một số nước Liên minh châu Âu (EU) phản đối ý tưởng nói trên vì lo ngại nhà đầu tư khác sẽ tránh dự trữ bằng đồng Euro. Các nguồn tin cho biết, quan điểm của Saudi Arabia có thể đã làm tăng thêm mối lo ngại của họ.
Hãng tin cho biết, đầu năm 2024, Bộ Tài chính Saudi Arabia đã thông báo cho một số đồng nghiệp trong G7 về việc nước này không đồng tình với ý tưởng tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga.
Một nguồn tin gọi đó là "mối đe dọa tiềm ẩn".
Ngoài ra, theo hai nguồn tin, Riyadh còn đề cập khoản nợ do Kho bạc Pháp phát hành.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Saudi Arabia nói với Bloomberg rằng: “Không có mối đe dọa nào như vậy. Quan hệ của chúng tôi với G7 và các nước khác là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi tiếp tục thảo luận về tất cả các vấn đề góp phần vào tăng trưởng toàn cầu và khả năng phục hồi của hệ thống tài chính quốc tế”.
Theo một quan chức Saudi Arabia, chính phủ nước này sẽ không đưa ra những lời đe dọa như vậy nhưng có thể “vạch ra” những hậu quả khả năng xảy ra với các thành viên G7 khi tịch thu tài sản của Nga.
Hãng tin lưu ý rằng, các khoản đầu tư của Saudi Arabia vào đồng Euro và trái phiếu Pháp có thể lên tới “hàng chục tỷ Euro”, nhưng chúng không lớn đến mức ảnh hưởng đáng kể đến tình hình khi chúng được bán ra.
"Các quan chức châu Âu lo ngại rằng các nước khác có thể noi gương Saudi Arabia”, Bloomberg viết.