Ảnh minh họa |
Giải pháp cuối cùng?
Chỉ 2 ngày trước tuyên bố trên, cũng chính ông Jose khăng khăng "không cần viện tới sự cứu trợ tài chính từ bên ngoài". Tuy nhiên, đây là điều mà các nhà phân tích kinh tế hoài nghi.
Bởi nếu không được cứu trợ, hầu như chắc chắn Bồ Đào Nha sẽ vỡ nợ. Chính phủ nước này đã để nợ tăng cao trong suốt khoảng thời gian 1 thập kỷ mà kinh tế chỉ tăng trưởng 0,7%/năm. Lãi suất trái phiếu chính phủ liên tục leo lên mức kỷ lục, từ 5,8% cách đây 1 năm đến nay là trên dưới 8,5%. Chính phủ cũng đã thừa nhận thâm hụt ngân sách năm 2011 đã ở mức 8,6% GDP, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 7,3%. Bồ Đào Nha bị coi là một trong những nền kinh tế kém cỏi nhất và có khả năng cạnh tranh yếu nhất trong Eurozone. Do vậy, đòi hỏi Bồ Đào Nha thu gọn mức bội chi từ 10% GDP xuống còn vào khoảng 4% là điều bất khả thi.
Vậy mà một thực tế không thể chối cãi là các khoản nợ nhiều tỷ euro đều đang đến rất gần. Những khó khăn càng trầm trọng hơn khi liên tiếp bị các tổ chức tài chính hạ xếp hạng tín dụng. Vào lúc này, ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha lại dự đoán GDP sẽ tiếp tục sụt giảm 1,4% trong năm nay, thất nghiệp tăng cao, song chính phủ muốn bằng mọi giá không lâm vào cảnh ngửa tay mượn tiền của EU và IMF như Athens (110 tỷ euro) và Dublin (85 tỷ euro).
Thay vào đó, Lisbon dự trù cắt giảm các khoản trợ cấp xã hội, tăng thuế, giới hạn chi tiêu của các doanh nghiệp nhà nước, hủy bỏ hoặc đình chỉ các kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở, các dự án đầu tư của nhà nước. Chính quyền của ông José từng hy vọng, biện pháp thắt lưng buộc bụng liên tiếp như vậy sẽ giúp Bồ Đào Nha khỏi phải cầu viện quốc tế giúp đỡ, song kế hoạch hà khắc này đã bị Quốc hội bác bỏ.
Sở dĩ Lisbon cố tránh né cầu cứu, mặc dù biết rằng đây là ngõ thoát hiểm gần như duy nhất, là để giữ thể diện quốc gia. Thừa nhận thất bại trong việc chấn chỉnh kinh tế và lấy lại cân bằng trong ngân sách nhà nước, có nghĩa là mất nốt chút uy tín vốn còn rất ít trong mắt các nhà đầu tư. Tiếp theo, để nhận được cứu trợ, Lisbon sẽ phải chấp nhận một số điều kiện hết sức khó khăn, thậm chí còn "khắc khổ hơn" các biện pháp từng bị bỏ phiếu chống tại Quốc hội Bồ Đào Nha.
Cứu Bồ Đào Nha hay đồng Euro?
Tình hình nóng bỏng tại Libya và sự cố hạt nhân Fukushima khiến dư luận và báo chí ít chú ý tới cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị Bồ Đào Nha. Trên thực tế, uy tín của Eurozone đã thêm sứt mẻ, sau khi mắt xích thứ ba trong số 16 nước sử dụng đồng tiền này bị đe dọa mất khả năng thanh toán, tương lai về kinh tế và cả chính trị của nước này đều báo động.
Tất nhiên, lời cầu viện của Bồ Đào Nha sẽ được Quỹ ổn định châu Âu thu xếp nhanh nhất có thể, dự kiến vào khoảng giữa tháng 5 tới. Khoảng 80 tỷ euro - chưa đủ để nhấn chìm con thuyền EU, nhưng đe dọa đẩy cuộc khủng hoảng nợ Eurozone khỏi tầm kiểm soát, bởi một hiệu ứng Domino. Có người cho rằng, kế hoạch trợ giúp này thực tế là một giải pháp hòng cứu vãn đồng euro.
Các thành viên Eurozone đang lần lượt bị đe dọa mất khả năng thanh toán, đó là bằng chứng cho thấy chính sách một đồng tiền chung duy nhất không thích hợp để giải quyết khủng hoảng, không đáp ứng nhu cầu điều chỉnh chính sách kinh tế của từng quốc gia. Những nền kinh tế lâm nạn càng nhận thấy, họ bị trói tay chân, không thể điều chỉnh lãi suất, khối lượng tiền tệ lưu hành và cũng không thể điều chỉnh ngân sách để tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân. Đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực do các đòi hỏi cắt giảm chi tiêu đem lại.
Ngày càng nhiều lo ngại về thành viên tiếp theo - Tây Ban Nha cũng sẽ cần viện trợ. Một khi nước này cần thì số tiền sẽ đủ lớn để tạo ra cơn ác mộng tài chính đối với EU. Tờ Wall street Daily mới đây cho rằng chi phí để cứu Tây Ban Nha - nền kinh tế trị giá 1.560 tỷ USD - sẽ vượt quá tổng các cuộc cứu trợ ở châu Âu trước đây. EU có thể đủ sức để lần lượt tung ra các khoản cứu trợ, nhưng dần dần sẽ đến lúc phần còn lại của EU không có đủ khả năng tài chính cần thiết để góp sức liên tục. Trong khi đó, EU còn đang phải đối mặt với những khó khăn khác.
Minh Anh