📞

Bộ đội Biên phòng Gia Lai phát huy sức mạnh 'biên giới lòng dân', bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới

Đại tá TRẦN TIẾN HẢI * 07:30 | 03/03/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai luôn quán triệt nhất quán quan điểm của Đảng, đó là “dựa vào dân, lấy dân là gốc, Nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”.

Trong chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai đoàn kết, khắc phục khó khăn, bám trụ nơi tuyến đầu, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai trao kinh phí hỗ trợ cho Ty Công an tỉnh Ratanakiri, Campuchia, ngày 25/9/2023.

Gần dân, sát dân, lo cuộc sống cho dân

Là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai có đường biên giới dài 80,485 km, tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Khu vực biên giới của tỉnh có 48 thôn, làng thuộc 7 xã của 3 huyện là Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông với 11.702 hộ, 47.958 nhân khẩu, có 23 dân tộc anh em sinh sống, trong đó 58% là người dân tộc Jrai.

Xây dựng “thế trận lòng dân” là quan điểm xuyên suốt trong đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia khẳng định: “Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia”. Đó chính là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam được hun đúc, kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử.

Với tinh thần đó, BĐBP tỉnh Gia Lai luôn quán triệt nhất quán quan điểm của Đảng, đó là “dựa vào dân, lấy dân là gốc, Nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”. Vì vậy, việc xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với nước bạn Campuchia.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai triển khai thực hiện hiệu quả phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Từ đó kiên trì thực hiện ba bám là “bám chủ trương, chính sách; bám cấp ủy, chính quyền địa phương; bám dân”; “bốn cùng” là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số”. Đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, chương trình tiêu biểu, như “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Con nuôi đồn biên phòng”... đã đem lại kết quả tích cực, thiết thực. Cùng với hình ảnh “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Thầy giáo quân hàm xanh” quen thuộc, cán bộ, chiến sĩ tích cực giúp dân trong phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19... Những hình ảnh và nghĩa cử cao đẹp đó luôn in đậm, khắc sâu trong tâm trí Nhân dân trên địa bàn KVBG.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai duy trì mô hình Bếp ăn tình thương tại Đồn Cửa khẩu Lệ Thanh.

Có thể khẳng định, thành tựu nổi bật nhất của BĐBP tỉnh Gia Lai trong những năm qua là công tác giúp các xã biên giới xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bênh, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và an sinh xã hội.

Để thực hiện tốt mục tiêu đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Gia Lai luôn xác định rõ trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia hỗ trợ, giúp các địa phương trong mọi hoạt động, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại 7 xã thuộc 3 huyện biên giới. Trong đó, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) và xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) được UBND tỉnh Gia Lai phân công cho BĐBP tỉnh phụ trách. Xã Ia Dom trở thành xã đầu tiên trên tuyến biên giới của khu vực Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12-2015. Hiện nay, BĐBP tỉnh có 1 đồng chí là Tỉnh ủy viên, 11 cán bộ tham gia HĐND huyện, xã biên giới; 7 cán bộ tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy 7 xã biên giới; 49 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 49 chi bộ thôn, làng, 194 đảng viên phụ trách 912 hộ trên khu vực biên giới.

Trong 10 năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Gia Lai giúp dân trên 4.000 ngày công, vận động Nhân dân hiến đất làm 450 mét đường cấp phối, làm mới 400 mét đường bê tông vào 4 nhà văn hóa; mua 15 cống thoát nước làm đường liên thôn, xây dựng 2 cầu dân sinh; phối hợp phát dọn 6.000 mét đường vào trung tâm xã, nạo vét 1.500 mét kênh mương; vận động Nhân dân lắp đặt 743 bóng đèn đường, làm mới 102 nhà vệ sinh, đào 124 hố rác hộ gia đình, trồng 4.000 cây xanh; xây dựng 35 căn nhà cho các gia đình chính sách, người có công và gia đình khó khăn trên khu vực biên giới với tổng trị giá trên 2,7 tỷ đồng; trao tặng 64 con bò giống, 2.500 cây điều và 2.857 suất quà trị giá gần 3 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, BĐBP tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc ở KVBG về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Với phương châm “gần dân, sát dân, lo cho dân”, các đơn vị thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp vận động quần chúng phù hợp với từng địa bàn, đối tượng và nhiệm vụ của đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức, kỹ năng, thông thạo địa bàn, cán bộ dân vận phải “nghe được đồng bào nói, nói cho đồng bào hiểu và làm cho đồng bào tin”.

Đồn biên phòng Ia Nan (Gia Lai) nhận cháu KPuih Trí làm con nuôi của đồn.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, BĐBP tỉnh Gia Lai phân công cụ thể cho từng cá nhân phụ trách, trong đó, đồng chí ủy viên ban thường vụ, phó chính ủy; đồng chí phó chủ nhiệm chính trị; đồng chí chính trị viên phó phụ trách công tác dân vận được giao nhiệm vụ chuyên trách công tác dân vận. Tổng số đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác dân vận trong BĐBP tỉnh hiện nay là 48 đồng chí, trong đó có 16 sĩ quan, 32 quân nhân chuyên nghiệp, đặc biệt có 24 đồng chí là người dân tộc thiểu số, có phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, biết tiếng dân tộc thiểu số, tiếng Campuchia, am hiểu phong tục, tập quán địa phương, có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm, thái độ, phương pháp công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Có thể khẳng định, bằng cả tình thương và trách nhiệm, phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” đã trở thành “mệnh lệnh” trái tim, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ “quân hàm xanh” BĐBP tỉnh Gia Lai vượt mọi gian khó, cùng bà con các dân tộc xây dựng, phát triển biên cương ngày càng giàu mạnh, bình yên; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo cuộc sống Nhân dân vùng biên giới, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, nhất là quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, của Quân đội Nhân dân Việt Nam và của BĐBP Việt Nam; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác tuyên truyền, vận động quần chúng bảo đảm sát thực tiễn, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, bí thư cấp ủy và chỉ huy các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, vận động quần chúng; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng thường xuyên nắm chắc tình hình mọi mặt các xã biên giới, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; tiếp sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 và giảm nghèo bền vững trên địa bàn 7 xã biên giới; phối hợp và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp đã ký kết với các sở, ban, ngành, các lực lượng đứng chân trên địa bàn biên giới, gắn việc thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị với đẩy mạnh thực hiện các phong trào, các cuộc vận động; tích cực xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong thực hiện công tác dân vận; xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”.

Bộ đội Biên phòng Gia Lai phối hợp các lực lượng tuần tra bảo vệ biên giới.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống vượt biên, xâm nhập; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, cảm hóa số thanh thiếu niên hư trên địa bàn các xã biên giới.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại biên phòng với ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương hai bên biên giới và duy trì hoạt động có hiệu quả các cặp hợp tác thôn, làng giữa hai bên biên giới đã ký kết, nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước bạn Campuchia.

Trải qua bao thế hệ kế tiếp nhau, “phương lược” và “kế lâu dài” về “biên giới lòng dân” vẫn là rường cột trong sức mạnh bảo vệ chủ quyền đất nước, vẫn phát huy tác dụng to lớn và ngày nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự.

Để có được một “thế trận lòng dân” vững mạnh, phải thấm nhuần tư tưởng dân là gốc, hiểu rõ sức mạnh của “triệu tai, triệu mắt, triệu chân tay” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh) của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Đặc biệt, phải quy tụ được tình cảm, ý chí, niềm tin và trách nhiệm của Nhân dân đối với việc quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, nghĩa là phải xây dựng được “biên giới lòng dân” thực sự vững chắc, lấy đó làm chỗ dựa để giữ yên bờ cõi, làm cho biên cương của Tổ quốc mãi mãi vững bền.


* Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai.