Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006, thay thế Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998. Đồng thời, Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007 cũng được Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 20/4/2007, có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 thay thế nghị định số 20/2002/NĐ-CP ngày 20/2/2002 của Chính phủ về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Thực tiễn cho thấy, công tác điều ước quốc tế ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, thực hiện hội nhập quốc tế, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ xây dựng và phát triển đất nước. Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập vừa là công cụ pháp lý hữu hiệu để đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân Việt Nam, vừa là kết quả của công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế. Đồng thời, điều ước quốc tế cũng tạo ra những nhiệm vụ ràng buộc đối với Nhà nước.
Công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế ở các cấp, các ngành, các địa phương. Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế vừa là kết quả, sản phẩm cụ thể của công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, vừa là công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân Việt Nam trong bối cảnh Nhà nước ta đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết có giá trị to lớn trong việc thiết lập, mở đường và định hướng cho hoạt động hợp tác quốc tế, giúp tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài và phát huy nội lực để xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và đẩy mạnh hội nhập quốc tế của nước ta.
Cùng với công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh quan hệ đối ngoại ở các cấp, các ngành, các địa phương, thực hiện hội nhập quốc tế, tranh thủ hợp tác quốc tế, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.
Hai cuốn Sổ tay trình bày khái niệm điều ước quốc tế, các hành vi pháp lý, sự phối hợp giữa các cơ quan, trình tự, thủ tục trình và quyết định ký kết, gia nhập, thực hiện đều ước quốc tế, khái niệm thỏa thuận quốc tế, khái quát trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế đồng thời có lưu ý một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác này theo các quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.
Bên cạnh việc đề cao sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế. Hai cuốn Sổ tay này cũng chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và đặc biệt lưu ý về các khó khăn, vướng mắc thường gặp trong thực tiễn công tác này và biện pháp giải quyết.
Phần phụ lục của cuốn Sổ tay Điều ước quốc tế có in toàn văn Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, giới thiệu khái niệm các thuật ngữ trong Luật, khái quát phân biệt giữa điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế theo pháp luật Việt Nam.
Phần phụ lục của cuốn Sổ tay Thỏa thuận quốc tế in toàn văn Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007, đồng thời tập trung giới thiệu khái niệm các thuật ngữ trong Pháp lệnh này, khái quát phân biệt giữa điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác thỏa thuận quốc tế.
Ngoài ra, trong cuốn Sổ tay Thỏa thuận quốc tế còn giới thiệu đầu mối công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế của Bộ Ngoại giao và danh mục các Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.
P.V
Điều ước quốc tế là gì? Điều ước quốc tế được định nghĩa tại Điều 2.1 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế như sau: Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng băn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác. Thỏa thuận quốc tế là gì? Thỏa thuận quốc tế được định nghĩa tại Điều 2.1 Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế) như sau: Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với một hoặc nhiều bên ký kết nước ngoài. |