Toàn cảnh các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Hoà) |
Chiều 6/9, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết số 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam.
Lễ kỷ niệm bao gồm chuỗi các hoạt động mít-tinh, lễ ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”, triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp” và hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”.
Thay mặt Đảng, Nhà nước đến dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và một số địa phương liên quan.
Về phía khách quốc tế có sự tham dự của Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, hơn 30 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, sự kiện đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (tham gia trực tuyến); các nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong và ngoài nước và toàn bộ 94 Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Chuỗi sự kiện kỷ niệm đã góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Đồng thời, đây cũng là một hoạt động thiết thực góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.
Cách đây 35 năm, Khoá họp lần thứ 24 của UNESCO diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận "năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”. |
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Hoà) |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc đã nêu bật ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vì những đóng góp to lớn của Người không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả nhân loại.
Trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai các hoạt động vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, qua đó lan toả di sản, tư tưởng của Người trên toàn thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh văn hoá, đất nước, con người Việt Nam.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chia sẻ, Bộ Ngoại giao vinh dự và tự hào khi có Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên và được Người trực tiếp xây dựng, đào tạo từ những ngày đầu mới thành lập. Người đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam một di sản vô giá - “phong cách và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh”.
Đó là tinh hoa của truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa văn hóa nhân loại mà Người đã tiếp thu, học hỏi được trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, được kết tinh và nâng tầm bởi một bộ óc và nhân cách vĩ đại.
Phong cách và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là kim chỉ nam hành động của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, là chìa khóa để triển khai thành công đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ngày nay, Ngoại giao Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Yêu chuộng hòa bình, tôn trọng chính nghĩa và lẽ phải trong ngoại giao Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục là những mẫu số chung, là ngọn cờ tập hợp đoàn kết của các lực lượng tiến bộ, dân chủ trên thế giới vì sự nghiệp đấu tranh chung.
Thứ trưởng khẳng định, tập thể cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao luôn nguyện học theo lời Bác và thực hành tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh như: “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “nước ta là một, dân tộc ta là một”, “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/thành công, thành công, đại thành công”, “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ” và độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, theo đó Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
Với tinh thần đó, chúng ta càng vững tin sẽ góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đưa đất nước ta “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Người hằng mong muốn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Quang Hoà) |
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là "Anh hùng giải phóng dân tộc", đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do và đứng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người còn là "Nhà văn hóa kiệt xuất", đã đề cao và chính Người là hiện thân sinh động về việc coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết.
Nhìn lại lịch sử, năm 1986, Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước. Việc UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thời điểm đất nước Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đó thực sự là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao của bạn bè quốc tế, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc Việt Nam quyết tâm, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Kết quả, sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Dưới ánh sáng Đại hội XIII của Đảng, năm 2022 là năm đầu tiên, Việt Nam bước vào hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, cụ thể: đến năm 2030 Việt Nam trở thành “nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và đến năm 2045 trở thành “nước phát triển, thu nhập cao”; cùng với đó là một tinh thần mới, khí thế mới, "khát vọng phát triển đất nước" để “Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng Thường trực đã trích câu thơ của nhà thơ Tố Hữu được viết vào đúng ngày này (mùng 6/9) cách đây 53 năm: "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn". "Yêu Bác" chính là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác một cách thực chất, thường xuyên, sáng tạo và khoa học.
Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Quang Hoà) |
Cũng tại buổi lễ, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay bày tỏ niềm vinh hạnh được có mặt tại Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 35 năm UNESCO thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Audrey Azoulay cho rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh nước Việt Nam độc lập mà ảnh hưởng của Người còn vươn xa ra ngoài biên giới đất nước".
Bởi trong suốt cuộc đời mình, Người đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ và liên tục với nhiều nền văn hoá khác nhau. Tổng giám đốc UNESCO cũng khẳng định: “Cách tốt nhất để tưởng nhớ di sản nhân văn của Hồ Chí Minh là tiếp tục hợp tác để bảo vệ giáo dục, văn hóa và di sản như là giá trị chung của nhân loại”.
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tham quan triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp” . (Ảnh: Quang Hoà) |
Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tặng quà lưu niêm cho bà Audrey Azoulay. (Ảnh: Quang Hoà) |
Đây là sự kiện do Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm giới thiệu hơn 100 tư liệu quốc gia về tầm vóc vĩ đại, tư tưởng và cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh vì hoà bình, phát triển, tiến bộ của Việt Nam và thế giới. (Ảnh: Diệu Linh) |
Triển lãm trưng bày các tác phẩm bằng nhiều thứ tiếng về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Diệu Linh) |
Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan. (Ảnh: Diệu Linh) |
Bên lề sự kiện, các cán bộ trẻ của Bộ Ngoại giao và sinh viên Học viện Ngoại giao đã tham quan đường Xoài, vườn cây, ao cá, nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Quang Hoà) |
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm cuối cùng của cuộc đời (1954-1969). (Ảnh: Quang Hoà) |
Các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Quang Hoà) |