Ngày 12/12, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật và cập nhật quy định mới cho cán bộ, công chức. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Ngày 12/12, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật và cập nhật quy định mới cho cán bộ, công chức. Hội nghị nhằm cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao cập nhật đầy đủ những quy định mới, đảm bảo thực thi hiệu quả công vụ và phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên tập trung giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật mới do Quốc hội ban hành như luật đấu thầu năm 2023; luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi) năm 2023, cũng như phổ biến một số quy định pháp luật về chống khủng bố và rửa tiền (luật phòng, chống khủng bố năm 2013; luật phòng, chống rửa tiền năm 2022…). Báo cáo viên cũng phổ biến một số quy định mới liên quan đến vị trí việc làm và nâng lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Lê Đức Hạnh nhấn mạnh, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật là cơ hội để học hỏi và cập nhật kiến thức pháp luật từ các báo cáo viên thuộc những cơ quan soạn thảo và thực thi luật, từ đó giúp cán bộ, công chức tiếp cận đầy đủ với những thông tin, quy định sát sườn. Bên cạnh đó, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế vừa là đơn vị tổ chức, vừa là bên thụ hưởng để lắng nghe chia sẻ quý báu từ các báo cáo viên từ Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số đơn vị Bộ Ngoại giao.
Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Lê Đức Hạnh nhấn mạnh về vai trò của hội nghị giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Trình bày về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phòng chống khủng bố, rửa tiền và tài trợ khủng bố, ông Đàm Văn Minh, Chuyên viên cao cấp, Bộ Công an khẳng định, Việt Nam kiên quyết lên án, chống lại mọi hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố dưới mọi hình thức; ủng hộ các biện pháp phòng chống, tài trợ khủng bố của cộng đồng quốc tế, dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Về tình hình thực hiện công tác pháp chế của Bộ Ngoại giao, trong năm qua, công tác pháp chế thể hiện rõ vai trò của một trong những mảng công tác trọng tâm của Bộ, phát huy tinh thần ngoại giao phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần thiết thực trong việc “xây dựng ngành ngoại giao hiện đại, chính quy” như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Bộ Ngoại giao đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch Công tác pháp chế năm, trong đó ban hành một số thông tư về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phụ trách và tích cực rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Ngoại giao. Dự kiến trọng tâm công tác xây dựng năm 2024 là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại, trong đó tập trung vào dự án Luật Hàm, cấp ngoại giao.
Cũng tại Hội nghị, chuyên viên Cục Lãnh sự Nguyễn Minh Anh cho biết, Việt Nam đã và đang cập nhật quy định mới trong luật xuất, nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó, thị thực điện tử có thời hạn không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; trong khi quy định cũ là thời hạn không quá 30 ngày, chỉ có giá trị một lần.
Bên cạnh đó, nước ta mở rộng điều kiện cho phép cấp thị thực điện tử cho các nước, vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Việt Nam quyết định nâng thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị từ 15 ngày lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú.
Chánh Văn phòng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Thắng đã đề cập bốn nội dung chính về những quy định mới trong luật đấu thầu: quy định chung; kế hoạch lựa chọn nhà thầu; quy trình, thủ tục, trách nhiệm trong đấu thầu; hợp đồng...
Hội nghị giúp cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao cập nhật đầy đủ những quy định mới, đảm bảo thực thi hiệu quả công vụ và phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Việt) |