📞

Bỏ ngoài tai những xì xào về “Vành đai - Con đường", Chủ tịch Trung Quốc công du châu Âu

21:56 | 18/03/2019
Việc Italy đồng tình với các đề xuất “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đã làm dấy lên mối quan ngại trong Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp - quốc gia kêu gọi thực thi “cách tiếp cận phối hợp” trong dự án trị giá 1 nghìn tỷ USD của Bắc Kinh.

Ngày 18/3, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Italy, công quốc Monaco và Pháp từ ngày 21 đến 26/3. Bất chấp sự dè dặt của các nước châu Âu khác, Chính phủ Italy khẳng định sẽ tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Chuyến thăm tới ba nước châu Âu nói trên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra khi các quốc gia ở châu Âu đang nỗ lực cân bằng mối quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc với mong muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh Trung Quốc khẳng định sẽ đẩy mạnh hợp tác với các công ty của Mỹ và châu Âu trong dự án “Vành đai và Con đường”, đây được coi là một nỗ lực chống lại sự chỉ trích ngày càng tăng về sáng kiến của Bắc Kinh nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Italy, công quốc Monaco và Pháp từ ngày 21 đến 26/3. (Nguồn: Reuters)

Bắc Kinh đã tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, hàng hải, đường sắt và đường bộ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những dự án này chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc, từ đó tạo ra nhiều “bẫy nợ” hơn cho các nước dễ bị tổn thương về tài chính.

Một quan chức Italy cho biết Rome sẽ ký kết một biên bản ghi nhớ không ràng buộc với Bắc Kinh để chính thức hỗ trợ sáng kiến "Con đường tơ lụa" mới trị giá 1 nghìn tỷ USD. Thiện chí hợp tác với Trung Quốc của Italy đang làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ và Liên minh châu Âu khi Rome cho phép Bắc Kinh tham gia vào các lĩnh vực như viễn thông và cảng biển.

Chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ kết thúc tại công quốc Monaco. (Nguồn: Bloomberg)

Sau thông báo của Italy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng kêu gọi các nước EU nên có một “cách tiếp cận phối hợp” đối với Trung Quốc.

“Một điều đáng nói là Trung Quốc đang đóng góp vào sự phát triển của nhiều quốc gia, nhưng tôi luôn đặt niềm tin vào tinh thần bình đẳng, có đi có lại. Tinh thần bình đẳng có nghĩa là tôn trọng chủ quyền của các quốc gia”, ông Macron nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố, Pháp khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp kiểm tra bổ sung đối với các nhà sản xuất thiết bị, bao gồm cả ông trùm công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies.

(theo SCMP)