Chính phủ lâm thời. (Ảnh: Tư liệu Bộ Nội vụ) |
Ra đời trong bối cảnh lịch sử
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 đã đập tan chính quyền của đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm, xoá bỏ vĩnh viễn chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Nó đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra Tuyên cáo nêu rõ: “Nhiệm vụ của Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được Mặt trận Dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, Uỷ ban Dân tộc Giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà Quốc dân đã giao phó”.
Chính phủ lâm thời có 15 vị Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với cơ cấu Chính phủ gồm 13 bộ, trong đó Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử khi là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ, đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Trưởng thành trong gian khó
Kể từ thời khắc lịch sử ấy, Bộ Nội Vụ đã sát cánh cùng Cách mạng và Chính phủ Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ gian khó, từ giai đoạn Chính phủ Lâm thời tới cuộc kháng chiến chống Pháp, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng miền Nam. Hòa bình lập lại, Bộ Nội vụ đóng vai trò ngày càng quan trọng công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc Đổi mới.
Thời kỳ Chính phủ lâm thời (1945 - 1946): Đây là một thời kỳ lịch sử, tuy ngắn nhưng lại có đặc biệt quan trọng, ghi nhận thắng lợi vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân tộc trong cuộc vùng lên oanh liệt, quật cường, đánh dấu buổi sinh thành của một chế độ mới, chính quyền dân chủ nhân dân và ngành công tác xây dựng, tổ chức, điều hành chính quyền - nhà nước kiểu mới mà cơ quan phụ trách chính là Bộ Nội vụ.
Thời kỳ này, Bộ Nội vụ đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác nội trị, tổ chức xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân non trẻ, điển hình là khẩn trương xây dựng, củng cố, bảo vệ thành công và phát huy tối đa công năng của hệ thống chính quyền cách mạng, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, chống lại thù trong, giặc ngoài. Thắng lợi to lớn này đã góp phần xây dựng cơ sở vững chắc cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân trong các giai đoạn sau.
Thời kỳ kháng chiến và kiến quốc (1946 - 1954): Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc, khi chúng ta vừa chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, vừa tăng gia sản xuất, xây dựng đất nước.
Thành tích quan trọng của Bộ Nội vụ thời kỳ này chính là tổ chức thành công cuộc tản cư, di chuyển chiến lược, đảm bảo giữ gìn và duy trì tốt cơ sở vật chất tối quan trọng cho toàn kháng chiến. Trong đó, việc Bộ phối hợp tổ chức, bảo vệ thành công việc sơ tán toàn bộ cơ quan lãnh đạo Trung ương lên Việt Bắc thực sự là kỳ tích.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng có đóng góp to lớn trong tiếp tục củng cố, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân các cấp, biến chính quyền thành công cụ hữu hiệu chỉ huy và tổ chức cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đây là kết quả của một loạt cải cách về cơ chế tổ chức của chính quyền do Bộ Nội vụ nghiên cứu và đề xuất, làm cho chính quyền nhà nước Việt Nam phù hợp nhất với điều kiện chiến tranh ở từng vùng; đồng thời, phát huy cao nhất công năng và tính ưu việt của chính quyền cách mạng. Việc kiện toàn bộ máy chính quyền theo hướng gọn, nhẹ, chuyên nghiệp, chính quy đã làm cho các hoạt động của Bộ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại đọc báo cáo bổ sung về chính sách dân tộc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I. (Ảnh: Tư liệu) |
Thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975): Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, nhiều vấn đề mới trong công tác tổ chức bộ máy nhà nước, công chức, công vụ và các vấn đề xã hội khác được đặt ra.
Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã đảm đương, hoàn thành nhiều nhiệm vụ to lớn, nổi bật là: kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cải tiến tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác cán bộ phục vụ kế hoạch 05 năm lần thứ nhất; chỉ đạo công tác bầu cử, xây dựng, củng cố chính quyền địa phương; xây dựng chế độ quản lý và chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu biên chế, tiền lương, chế độ chính sách và bảo hiểm xã hội; điều chỉnh địa giới hành chính và phê chuẩn phân vạch địa giới hành chính; công tác hộ tịch, quản lý hàng binh, Việt kiều; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, quân nhân và gia đình quân nhân; đẩy mạnh công tác quản lý nhà đất, công tác phòng cháy và chữa cháy...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên phát biểu tại Lễ kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2002). (Ảnh: Trần Tân) |
Thời kỳ thống nhất, xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước và thực hiện công cuộc Đổi mới (1975 – nay): Với chức năng, nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Những thành tựu này thể hiện nổi bật trên các lĩnh vực: tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương; công vụ, công chức và cải cách tiền lương; cải cách hành chính nhà nước; quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ và công tác thanh niên; quản lý nhà nước về Tôn giáo; quản lý nhà nước về Thi đua, Khen thưởng; quản lý nhà nước về Văn thư, Lưu trữ; công tác thanh tra, kiểm tra, công tác pháp chế; công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin và thông tin, truyền thông…
Vững bước tới tương lai
Qua 75 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp và thách thức, song với truyền thống vẻ vang của ngành, lớp lớp thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước luôn trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Với những thành tích ấy, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2018, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2015... Đặc biệt, ngày 30/5/2005, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 535/2005/QĐ/CTN về tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho Bộ Nội vụ để ghi nhận những công lao to lớn, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Thủ tướng Phan Văn Khải gắn Huân chương Sao vàng lên lá cờ truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2005). (Ảnh: TTXVN) |
Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ, Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2020) là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ, của ngành nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng.