📞

Bộ Nội vụ Mỹ & bê bối quà biếu

10:01 | 19/10/2008
Chính phủ Mỹ đã phải bỏ ra 5,3 triệu USD điều tra trong hai năm ròng rã mới hé mở cái gọi là “văn hoá tình dục, ma tuý và đút lót” trong Cục quản lý Tài nguyên, trực thuộc Bộ Nội vụ Mỹ.
Một đống đút lót sẽ đổi lại khoản lợi hàng nghìn đồng từ những lô khai thác dầu béo bở

Một “xã hội đồi trụy”

 

10/9/2008 sẽ là ngày được ghi vào biên niên sử của Bộ Nội vụ Mỹ. Sau 2 năm điều tra với tổng chi phí 5,3 triệu USD, Thanh tra trưởng của Bộ này, ông Earl E. Devaney đã công bố ba bản báo cáo buộc tội hơn chục nhân viên thuộc Phòng thu phí theo loại của Cục Quản lý Tài nguyên (MMS) - Bộ Nội vụ ở chi nhánh Lakewood (bang Colorado) cũng như ở trụ sở tại Washington đã ăn hối lộ của các công ty khai thác dầu, cố ý làm trái thu lợi cá nhân. Các báo cáo cũng cho thấy một “xã hội đồi trụy” đang tồn tại ở MMS, trong đó việc nhân viên sử dụng ma tuý, quan hệ luyến ái bừa bãi với nhân viên các công ty dầu mà họ quản lý là rất phổ biến.

 

Bốn công ty bị “vạch mặt chỉ tên” đã có hành vi đút lót là Chevron, Royal Dutch Shell, Gary-William và Hess - toàn những “ông lớn” trong ngành khai thác dầu khí Mỹ và thế giới. Với nguồn vốn vô hạn và có “thâm niên” đi lobby hậu trường, các công ty này đã đưa ra những khoản hối lộ cực kỳ đa dạng nhằm “hạ gục” các nhân viên, kể cả những người đứng đầu MMS. Đó có thể là vé xem hòa nhạc, vé khứ hồi đi nghỉ ở các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, quà tặng đắt tiền, tiền mặt, một công việc làm thêm béo bở hay một tấm vé xổ số.

 

Tổng trị giá các khoản hối lộ, theo Thanh tra trưởng Devaney, hiện chưa thể thống kê, nhưng có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu USD. Quá trình hối lộ kéo dài suốt từ năm 2002-2006 khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: Vì sao lãnh đạo Bộ Nội vụ Mỹ lại quan liêu đến thế?

 

Đổi chác trắng trợn

 

Cục Quản lý Tài nguyên trực thuộc Bộ Nội vụ Mỹ. Đây là cơ quan liên bang chịu trách nhiệm quản lý nguồn dầu, khí và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên thềm lục địa. Trong đó thu phí khai thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục. Riêng năm ngoái, tiền thu phí các loại MMS thu được là 11 tỉ USD, một trong những nguồn thu lớn nhất của ngân sách liên bang Mỹ.

 

Bê bối bắt nguồn từ bộ phận thu lệ phí theo loại của Cục này. Chương trình nộp lệ phí theo loại (Royalty in Kind) cho phép các công ty nộp một phần dầu khí sản xuất được thay cho ước lượng giá trị của lượng dầu khí rồi nộp phí khai thác bằng tiền mặt. Sau đó, MMS sẽ bán số dầu khí này, rồi chia cho các bang hoặc nộp vào quỹ dự trữ khẩn cấp quốc gia. Chương trình được áp dụng đối với các nhà khai thác dầu ngoài khơi bờ biển vùng Vịnh và Wyoming.

 

Chỉ với 55 nhân viên, nhưng mỗi năm, phòng thu lệ phí của MMS bán ra tới 4 tỉ USD tiền dầu khí là phí mà các công ty trả cho Chính phủ. Với vị trí quan trọng như vậy, việc các nhân viên của MMS nói chung và Phòng thu phí theo loại rơi vào tầm ngắm mua chuộc của các công ty khai thác dầu khí là dễ hiểu. Với các công ty, bỏ 1 đồng đút lót, họ sẽ đổi lại khoản lợi hàng nghìn đồng là những hợp đồng mua dầu giá rẻ, những lô khai thác béo bở… Theo tính toán sơ bộ, từ năm 2002-2006, Gary-Williams tặng 43 món quà cho nhân viên MMS, hàng chục buổi tiếp chiêu đãi đông người có sử dụng ma tuý, tình dục. Đổi lại, công ty này giành được 7 hợp đồng khai thác hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày với mức phí, thuế ưu đãi.

 

Theo báo cáo của Thanh tra trưởng Devaney, giai đoạn từ 2002-2006, 1/3 nhân viên của Phòng thu phí theo loại cả ở Lakewood, bang Colorado và Washington đã ăn hối lộ. 13 người đã và đang tại vị bị phát hiện sử dụng ma tuý và quan hệ tình dục với các “chim mồi” là nhân viên các công ty năng lượng. Nguyên Cục trưởng MMS Gregory Smith bị buộc tội cung cấp thông tin mật cho các công ty dầu để đổi lấy một công việc làm thêm mang lại cho ông ta 30.000 USD. Ông Smith cũng bị tố cáo đã sử dụng ma tuý và quan hệ tình dục sai trái.

 

Theo Thanh tra Devaney, MMS là một nơi lộn xộn và nhân viên quản lý các hợp đồng dầu trị giá tới hàng tỉ USD một cách cẩu thả. Ông Devaney nhấn mạnh: “Không nguyên tắc, không chính sách, không hướng dẫn nào cho nhân viên của một cơ quan quan trọng như vậy, việc thất thoát tiền của dân chắc chắn có và rất lớn. Chúng tôi sẽ đưa ra con số cuối cùng”.

 

Cú đấm mạnh vào đảng Cộng hoà

 

Vụ bê bối ở MMS làm giảm nghiêm trọng uy tín của chính quyền Bush cũng như đảng Cộng hòa. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần và ứng cử viên đảng Cộng hòa John McCain đang tràn trề hy vọng được bước lên bục cao nhất dành cho người chiến thắng.

 

TNS đảng Dân chủ Ken Salazar kêu gọi Thượng viện Mỹ điều tra về “những hành vi sai trái về đạo đức và có dấu hiệu phạm tội” tại MMS. Cũng theo yêu cầu của ông này, ngày 19/9/2008, cả Bộ trưởng Nội vụ Dirk Kempthorne và Thanh tra trưởng Devaney đã phải ra điều trần trước Ủy ban Nguồn lực tự nhiên và Năng lượng của Thượng viện Mỹ.

 

Lãnh đạo phe đa số trong Quốc hội bang Colorado, Nghị sỹ Alice Madden cho rằng: “Hàng tỉ USD của dân đã bị bôi bẩn bởi hối lộ, ma tuý và tình dục sai trái. Việc này phải làm rõ trắng đen càng sớm càng tốt”. Ông Jim Sims, nhà vận động hành lang của đảng Cộng hòa, thừa nhận:  “Thật khó mà phủ nhận rằng vụ bê bối này không tác động gì đến cuộc bầu cử. Nếu những lời buộc tội là chính xác, sẽ kéo theo sự phản đối không chỉ của dân chúng mà cả của hàng trăm công ty khai thác khác”.

 

Hiện quá trình điều tra vẫn chưa kết thúc. Các công ty bị bêu tên cũng đang ráo riết tìm luật sư, thu thập chứng cứ chứng minh mình vô tội. Tuy nhiên, dường như sự thật đã được phơi bày: Có tiêu cực ở Bộ Nội vụ Mỹ. Chỉ có vấn đề tiêu cực ấy nghiêm trọng đến mức nào?

 

Đỗ Minh (Theo Coloradoforethics.org, Denver Post)