📞

Bổ sung gói hỗ trợ 26.000 tỷ: Việt Nam đang cố gắng bảo vệ vững chắc chuỗi cung ứng toàn cầu

An Sinh 13:45 | 23/07/2021
Truyền thông quốc tế những ngày gần đây dành nhiều sự quan tâm về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Phần lớn tin tưởng vào khả năng đối phó và kinh nghiệm xử lý dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam, nhưng cũng xen chút lo lắng khi hệ lụy của biến thể SARS-CoV-2 đã và vẫn đang là nỗi kinh hoàng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong ảnh: Cán bộ Y tế hướng dẫn các phương án xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 tại khu công nghiệp.

Quyết đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Có tờ báo đi thẳng vào vấn đề: “Bùng phát dịch ở các KCN của Việt Nam là nỗi lo của ngành sản xuất toàn cầu“. Đúng vậy, với một nền kinh tế mở, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu, dịch bệnh bùng phát chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến các ngành sản xuất, hoặc ít nhất là ngành công nghệ thế giới. Chẳng hạn, các nhà máy điện tử của Samsung ở Bắc Giang và Bắc Ninh là nơi sản xuất hơn một nửa nguồn cung điện thoại thông minh trên toàn cầu

Làn sóng dịch thứ tư, Covid-19 lần lượt quét qua các KCN chủ lực của đất nước, từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nội… và hiện giờ là các KCN phía Nam. Là nơi tập trung nhiều lao động, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt thì các khu công nghệp rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.

Trên thực tế, diễn biến dịch bệnh phức tạp tại các KCN đã từng khiến hàng trăm công nhân tại Bắc Giang, Bắc Ninh nhiễm bệnh mỗi ngày. Doanh nghiệp điêu đứng không chỉ vì các tác động của dịch bệnh, mà còn do không thể triển khai sản xuất, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, trong khi nhu cầu thế giới đang tăng dần cùng với những bước khởi động hồi phục đầu tiên sau đại dịch.

Tất cả các nước đã đều phải cân nhắc giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt việc này. Khẳng định, Việt Nam “không chủ quan” với Covid-19, đặc biệt với phương châm không được để “thủng” các KCN, bảo đảm an toàn cho công nhân và ổn định sản xuất - kinh doanh. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất - kinh doanh, cùng với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, các doanh nghiệp tại các KCN Việt Nam đã tiếp tục duy trì sự phát triển, góp phần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ, chính quyền các cấp và nhà quản lý các KCN cùng quyết liệt kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch cấp độ cao, vừa triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa sử dụng các biện pháp tình thế, như ngủ lại tại nhà máy để giảm nguy cơ gián đoạn sản xuất. Điều này có nghĩa là nền kinh tế vẫn có thể hoạt động tốt nhất có thể trong dịch bệnh.

Mặc dù số lượng vaccine còn hạn chế, song Chính phủ đã đưa ra chính sách ưu tiên hàng đầu phân bổ vaccine cho đội ngũ công nhân, nhằm cố gắng bảo vệ nền sản xuất. Làm được như vậy tức là Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức bảo vệ danh tiếng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng và là một trong số ít nước ở châu Á đạt tăng trưởng kinh tế dương. Giới truyền thông quốc tế mới đây cũng đánh giá, “cuộc chạy đua tiêm chủng và khả năng xử lý các làn sóng dịch tiềm tàng liên tiếp một cách thực dụng và hiệu quả của Việt Nam sẽ có tác động lớn đến chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp của Việt Nam trong những năm tới”.

Thủ tục hành chính giảm 2/3

Ngày 1/7, Chính phủ tiếp tục tung gói an sinh 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trước đó, gói an sinh 62.000 tỷ đồng triển khai theo Nghị quyết 42/NQ-CP, hỗ trợ lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sau hơn một năm triển khai dù chưa được đánh giá cao về tốc độ giải ngân, nhưng tính đến cuối tháng 5/2021, gần 14.000 tỷ đồng (khoảng 22%) đã đến được tay 13,2 triệu người, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo như Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, đợt bùng phát thứ tư diễn biến phức tạp, đã tác động mạnh mẽ đến người lao động, đặc biệt công nhân trong khu công nghiệp, chế xuất. Vì vậy, nghị quyết của Chính phủ tập trung vào hai nhóm là người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: "Kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi và dễ dàng tiếp cận; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Thủ tục hành chính giảm 2/3 so với gói 62.000 tỷ đồng trước đây".

Triển khai thực tế gói an sinh 26.000 tỷ đồng mới, sau hơn 20 ngày triển khai, nhiều địa phương đã có kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Trong đó, ngày 20/7, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay cơ quan này đã hoàn thành giảm mức đóng xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 375.000 doanh nghiệp, tương ứng 11,2 triệu lao động, số tiền giảm đóng tạm tính khoảng 4.300 tỷ đồng. Thời gian giảm đóng áp dụng trong một năm, tính từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022.

Đây là một trong 12 chính sách nằm trong gói an sinh 26.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội. Số tiền được miễn, doanh nghiệp phải sử dụng để hỗ trợ người lao động (thuộc đơn vị quản lý) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

12 chính sách "đúng và trúng"

Gói 26.000 tỷ đồng được chia làm 12 chính sách hỗ trợ, bao gồm việc giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (mức đóng bằng 0% từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/6/2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, áp dụng cho các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện như đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, doanh thu giảm... Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng mỗi người lao động một tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp từ 1/7 đến hết ngày 30/6/2022.

Những người tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới một tháng, tính từ 1/5 đến 31/12, được hỗ trợ mức 1,85 triệu đồng; từ một tháng trở lên mức 3,71 triệu đồng.

Lao động ngừng việc và thuộc diện phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên (từ1/5 đến 31/12) được hỗ trợ một triệu đồng.

Với người trong diện chấm dứt hợp đồng lao động do cơ sở phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch (từ 1/5 đến 31/12) được hỗ trợ 3,71 triệu đồng.

Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em. Theo đó, lao động thuộc các nhóm hỗ trợ nêu trên, nếu đang mang thai được hỗ trợ thêm một triệu đồng; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi cũng được hỗ trợ thêm một triệu đồng.

Chính sách tiếp theo của gói hỗ trợ lần này là cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc đối với lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên (thời gian từ 1/5 đến 31/3/2022).

Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch từ 1/5 đến 31/3/2022, khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú..., cũng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% để trả lương cho lao động.

Cuối cùng, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác, Chính phủ nêu rõ các tỉnh, thành sẽ xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1,5 triệu đồng mỗi người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày.

** Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ.