📞

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: 'Giáo viên là yếu tố cốt lõi, nền tảng quyết định chất lượng giáo dục'

Phi Khanh 12:49 | 19/11/2022
Tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam sáng nay (19/11) tại Hà Nội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò của giáo viên là yếu tố cốt lõi, nền tảng quyết định chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đảm bảo số lượng và chất lượng giáo viên được coi là việc sống còn của ngành giáo dục. (Ảnh: MOET)

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Bộ coi giáo viên là yếu tố cốt lõi, nền tảng quyết định chất lượng giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành".

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 1,6 triệu giáo viên, cả công lập và ngoài công lập. Trong đó, 24.000 người có học vị tiến sĩ, hơn 43.000 phó giáo sư, 550 giáo sư. Nhân lực của ngành giáo dục đóng góp tới 70% trong tổng số phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích và công bố khoa học của Việt Nam. Ông Sơn khẳng định, đây là lực lượng có chuyên môn, hiểu biết và trách nhiệm cao trong các hoạt động của đất nước.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục chỉ ra thực tế không ít giáo viên chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn để gắn bó với nghề. Do đó, ông Sơn cho rằng, việc tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên, tăng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi là sự động viên kịp thời, thiết thực với các thầy cô.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, Bộ cũng đang rà soát các chế độ, chính sách và quy định liên quan tới giáo viên, nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh, giúp các thầy cô yên tâm làm việc lâu dài. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Quốc hội hồi đầu tháng 11, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành, chủ yếu ở khối mầm non, tiểu học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn được xã hội quan tâm, chia sẻ thiết thực hơn trong công việc của các thầy cô. Ông khẳng định, trước khi có được sự chia sẻ và tôn vinh đó, giáo viên phải làm tốt công việc của mình. Theo ông, sự cao quý của nghề nghiệp đi kèm nỗi khó nhọc, trách nhiệm và áp lực, vinh quang không tự nhiên tới hay đạt được một cách dễ dàng.

"Làm tốt việc mình là điều kiện tiên quyết để khẳng định giá trị bền vững của nghề nghiệp. Nhà giáo lấy điều đó để giải thích với xã hội, điều chỉnh xã hội", ông nói.

Đồng thời, Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định, trong việc dạy học, dạy đạo lý, dạy làm người, rèn đạo đức nhân cách là việc quan trọng nhất. "Dạy học là hoạt động tải đạo. Người đời vì trọng đạo mà tôn sư. Muốn dạy học trò nên người, nhà giáo cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ phải đủ làm gương mẫu cho học trò. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo", Bộ trưởng nói.

Lực lượng nhà giáo hiện nay đông đảo về số lượng, nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng nhà giáo luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất của nhà giáo. Đó là tinh thần sáng tạo không ngừng, tiên phong trong việc phát triển tri thức, đổi mới sáng tạo, vững vàng về tư tưởng, mẫu mực về đạo đức, nhân cách, đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội và hết lòng vì học sinh thân yêu.

Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 suốt hơn 2 năm qua đặt ngành giáo dục trước thách thức lớn. Nhưng chính trong khó khăn và thử thách đó, lực lượng nhà giáo lại một lần nữa thể hiện tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, bền bỉ, hy sinh, tận hiến cho sự nghiệp trồng người, đã phần nào hạn chế được tác động tiêu cực của dịch bệnh, duy trì được hoạt động của giáo dục.

Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu cao và khát vọng lớn. Giáo dục và đào tạo với vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, vinh dự được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để mở đường và tạo điều kiện cho sự phát triển.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Lan và học sinh nam lớp 4A6, trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội).

Để thực hiện sứ mệnh và trọng trách vinh quang đó, ngành giáo dục và đào tạo đang ra sức đổi mới căn bản và toàn diện, nói cách khác là đang thực hiện một cuộc cải cách lớn. Công cuộc cải cách này nhằm thay đổi từ nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phát triển nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, tăng tính thực nghiệp, thiết dụng và thực tiễn, nhằm tạo dựng một thế hệ người Việt Nam mới vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa hội nhập quốc tế, làm những công dân toàn cầu tốt.

"Đây là vinh dự lớn nhưng cũng là thách thức chưa từng có đối với ngành giáo dục và với lực lượng các nhà giáo. Muốn đổi mới được giáo dục, cần đổi mới từ tư duy, cơ chế chính sách, quản trị hệ thống, đổi mới cơ sở hạ tầng... Giờ đây, nhà giáo không chỉ cần có đầy đủ các phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề. Nhà giáo thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế còn cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thế giới biến đổi từng giây từng phút, lượng tri thức nhân loại bùng nổ, nhà giáo phải nắm kiến thức cơ bản, giỏi phương pháp để định hướng và dẫn dắt học trò tự tìm kiếm và phát triển tri thức, tự trang bị và tích lũy kiến thức không giới hạn. Không những thế, trách nhiệm giải trình, tương tác đa chiều với học trò, phụ huynh và xã hội cũng đặt ra cho nhà giáo những kỹ năng về phương diện ứng xử văn hóa và xã hội cao hơn.

Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Việc đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình 2018 là một cuộc chuyển đổi sâu sắc, toàn diện, tốc độ nhanh chưa từng có. Việc đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế…

"Những đổi mới ở tất cả các cấp và ở chiều sâu như vậy đặt nhà giáo trước những cơ hội rất lớn, rất mới để phát triển", Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định.