📞

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Bảo Chi 19:22 | 22/11/2022
Sáng 22/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp xúc với cử tri các địa phương trên địa bàn tỉnh sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tham gia đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc còn có ông Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Lê Tất Hiếu, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; ông Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu 9 huyện, thành phố và 136 xã, phường, thị trấn.

Dự hội nghị có các ông: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Trần Văn Tiến đã thông tin nhanh về kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; tình hình kinh tế - xã hội cả nước 9 tháng năm 2022, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022; kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới các bộ, ngành và UBND tỉnh.

Phấn khởi trước kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri các địa phương đề nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét, điều chỉnh quy định việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào các ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính, bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế; chỉ đạo các bộ, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đưa xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên lên phường. Một số cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh số lượng công chức cấp xã; điều chỉnh nâng lương với cán bộ công chức, viên chức.

Cử tri một số địa phương đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng tiếp tục xem xét, có cơ chế hỗ trợ kinh phí để phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 75 của HĐND tỉnh đã không còn hiệu lực; kịp thời giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn; có giải pháp giải quyết những tồn tại về đất đai; tăng mức hỗ trợ kinh phí xây mới nhà văn hoá ở các khu dân cư; hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân hiến đất, để các hộ dân có kinh phí sửa chữa, khắc phục công trình nằm trên khu vực đất đã hiến; thu hồi một số diện tích đất nông nghiệp nằm xen kẹp giữa các khu cụm công nghiệp không có đường vào để canh tác và hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho việc tưới tiêu không còn, gây khó khăn cho việc canh tác của nhân dân.

Cử tri huyện Tam Đảo đề nghị Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quan tâm đầu tư hỗ trợ huyện Tam Đảo nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia Tam Đảo, khu di tích quốc gia đặc biệt quốc gia Tây Thiên từ nguồn quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; xúc tiến các chương trình quảng bá du lịch và đưa các nội dung đăng cai tổ chức các hoạt động, sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội có quy mô quốc gia và quốc tế về huyện Tam Đảo để nâng tầm vị thế khu du lịch quốc gia Tam Đảo.

Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh đã tiếp thu ý kiến các cử tri; lãnh đạo các ngành chức năng giải trình các ý kiến kiến nghị thuộc thẩm quyền; các ý kiến còn lại được đoàn ssại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp gửi Quốc hội, các bộ, ngành xem xét, giải quyết.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi với các cử tri tỉnh Vĩnh Phúc.

Trả lời ý kiến cử tri về những đóng góp của ngành Ngoại giao vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và định hướng công tác ngoại giao trong thời gian tới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thông tin nhanh với cử tri về tình hình thế giới 10 tháng qua và những tác động đến nền kinh tế cũng như an ninh, chính trị của Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chủ động, tích cực đồng hành của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp, người dân, sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế và sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời của Chính phủ, nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương, Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh cả thế giới đang khó khăn. Kết quả trên có đóng góp tích cực, hiệu quả của ngành Ngoại giao.

Tiếp nối thành công của công tác ngoại giao vaccine, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 đã được triển khai quyết liệt, toàn diện. Từ đầu năm 2022, có khoảng 60 hoạt động đối ngoại cấp cao; ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ với các đối tác… Trên cơ sở nhu cầu trong nước, ngoại giao kinh tế đã linh hoạt, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao vaccine sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Cho rằng Vĩnh Phúc đã biết tận dụng cơ hội để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mong muốn thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục coi việc tranh thủ nguồn lực bên ngoài trong hợp tác là khâu quan trọng, nhằm tạo nên những bước đột phá.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh xúc tiến các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao thương mại và các lĩnh vực khác; hỗ trợ kết nối với Hội đồng hương, kiều bào Vĩnh Phúc ở nước ngoài nhằm hỗ trợ kiều bào phát triển ở nước ngoài và tranh thủ nguồn lực để phát triển kinh tế địa phương. Cùng với đó, Bộ tiếp tục đồng hành phối hợp với tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế vào đối ngoại địa phương, thúc đẩy kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Cũng tại Hội nghị, thông tin nhanh tới cử tri tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh, là địa phương có độ mở cửa kinh tế lớn, Vĩnh Phúc chịu tác động lớn khi kinh tế thế giới suy thoái và dịch bệnh kéo dài nhưng tỉnh vẫn đạt những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, dự kiến 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc đều đạt và vượt kế hoạch; thu ngân sách dự kiến đạt 35.000 tỷ đồng; hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể dục thể thao được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; công tác an sinh xã hội được bảo đảm.

Có được thành tựu trên, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định có sự hỗ trợ, đồng hành của công tác đối ngoại và Bộ Ngoại giao trong thu hút các nguồn lực về phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vĩnh Phúc mong muốn, trong thời gian tới Bộ Ngoại giao tiếp tục đồng hành trong vận động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, quảng bá du lịch... cho tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, an sinh xã hội; thực hiện công tác an ninh trật tự và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề cử tri quan tâm về các cơ chế, chính sách của tỉnh, đồng thời, yêu cầu các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các địa phương trả lời, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.