Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia Gordan Grlic Radman. (Nguồn: Sarajevo Times) |
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Croatia (1/7/1994-1/7/2024), Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia Gordan Grlic Radman đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, nêu bật những kỳ vọng về hợp tác song phương trước cột mốc quan trọng này.
Dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là cơ hội tuyệt vời để nhìn lại hành trình của mối quan hệ song phương Việt Nam-Croatia và tổng kết những thành tựu mà hai nước đã đạt được. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong ba thập kỷ qua?
Hai nước chúng ta đánh dấu kỷ niệm ba thập kỷ quan hệ ngoại giao với tình hữu nghị, hợp tác bền chặt và thịnh vượng chung. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1994, Croatia và Việt Nam đã không ngừng nỗ lực tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã phát triển đáng kể và ngày nay, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Croatia. Chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam liên tiếp công nhận Croatia là đối tác có tiềm năng hợp tác lớn.
Kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, chúng tôi mong muốn phát huy những thành tựu đã đạt được trong quan hệ song phương và khám phá những con đường hợp tác mới.
Tại cuộc gặp hồi tháng 5 vừa qua, nhân dịp dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp, ông và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thảo luận về quan hệ song phương. Những thành tựu hoặc cột mốc nào ấn tượng nhất của mối quan hệ Việt Nam-Croatia trong 30 năm qua mà hai Bộ trưởng đã đề cập đến, thưa ông?
Các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết và hợp tác song phương. Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Croatia Stjepan Mesic năm 2008, tôi đặc biệt hoan nghênh động lực tích cực trong quan hệ chính trị và ngoại giao giữa hai nước chúng ta trong những năm gần đây.
Đáng chú ý là chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Croatia vào tháng 10/2022, các cuộc tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao vào năm 2023 và 2024, cũng như cuộc gặp gần đây của tôi với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại Pháp.
Trong những năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng dần đều, phản ánh sự trao đổi kinh tế năng động giữa hai nước. Hai nước đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Một thành tựu đặc biệt quan trọng trong vấn đề này là Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký vào tháng 10/ 2018 và có hiệu lực vào năm 2019.
Tương lai của quan hệ Việt Nam-Croatia phụ thuộc vào sự đầu tư mạnh mẽ và đổi mới, tiếp tục hội nhập kinh tế, cũng như an ninh và ổn định khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia Gordan Grlic Radman nhân dịp dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng của OECD ngày 2/5/2024, tại Paris, Pháp. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Croatia còn rất lớn, nhất là trong kinh tế-thương mại, vậy theo Bộ trưởng, đâu là lĩnh vực hợp tác còn nhiều dư địa nhất để hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy trong tương lai?
Đúng vậy! Tiềm năng để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước chúng ta là rất to lớn.
Trước hết, tôi xin nhấn mạnh sự cần thiết phải kết nối giao thông tốt hơn, tăng cường khối lượng đầu tư và các dự án kinh tế chung.
Croatia có vị trí địa lý thuận lợi ở châu Âu, lợi thế của chúng tôi là nằm gần các trung tâm thương mại và kinh doanh quan trọng nhất của Liên minh châu Âu (EU), nơi tiềm năng của các cảng biển Croatia (như Rijeka, Zadar, Ploče) có thể đóng vai trò quan trọng trong thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, đặc biệt là trong vận tải hàng hóa bằng container. Cảng Rijeka và tuyến vận tải của cảng này cung cấp các dịch vụ chất lượng, hài hòa lâu dài, đáp ứng nhu cầu mới nhất của thị trường thế giới, cũng như cạnh tranh với các tuyến vận tải đi và đến các quốc gia Trung Âu và Đông Nam Âu.
Tiềm năng hợp tác lớn của chúng ta còn nằm ở cơ sở hạ tầng đường sắt, các dự án xây dựng khác, cơ khí điện, đóng tàu, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm. Ngoài ra, chúng ta cũng nên cân nhắc ngành công nghệ thông tin, số hóa, hóa chất và dược phẩm, bởi đây là những ngành có năng suất cao và tăng trưởng nhanh.
Bên cạnh đó, chúng ta còn có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác năng lượng, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng tôi rất vui mừng khi nhiều công ty Croatia đã hoạt động thành công tại Việt Nam trong lĩnh vực này.
Croatia được biết đến với ngành du lịch phát triển mạnh mẽ và chúng tôi rất vui khi số lượng du khách Việt Nam đến thăm Croatia ngày càng tăng. Điều này mở ra những cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực quản lý tài nguyên biển và cơ sở hạ tầng du lịch (như bến bãi, thuê du thuyền, giáo dục và đào tạo nhân sự), nơi Croatia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết của mình.
Croatia có thể đóng vai trò đối tác quan trọng để Việt Nam gia nhập thị trường EU, trong khi Việt Nam có thể là cơ sở cho sự tham gia kinh tế của Croatia vào khu vực Đông Nam Á. Tất nhiên, chúng tôi mong chờ sự gia tăng đầu tư hơn nữa của Việt Nam vào Croatia.
Như tôi đã đề cập, với tiềm năng lớn, lợi ích tương đồng, cùng hoàn cảnh thuận lợi, chúng ta kỳ vọng vào những bước tiến lớn sắp tới trong hợp tác kinh tế.
Trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Bộ trưởng có thể cho biết những sáng kiến, chương trình văn hóa mà hai nước sẽ triển khai trong tương lai?
Croatia và Việt Nam duy trì quan hệ trao đổi văn hóa tốt đẹp, có thể mở rộng trong tương lai. Hợp tác văn hóa đạt được thông qua kết nối, giao lưu giữa các nghệ sĩ và các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Một ví dụ về hợp tác văn hóa giữa hai nước chúng ta là những sự kiện văn hóa sắp tới tại mỗi nước. Ở Hà Nội, Đại sứ quán Croatia tại Việt Nam dự kiến tổ chức một sự kiện văn hóa trong năm nay nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tại Zagreb vào ngày 7/7 tới, lễ hội văn hóa, một phần của Dự án Ilica - Q'ART đã được triển khai trong 8 năm qua, sẽ được tổ chức với sự hỗ trợ và tham gia của Bộ Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia. Tham dự lễ hội, Đại sứ Việt Nam tại Croatia Nguyễn Thị Bích Thảo sẽ có bài phát biểu và các nghệ sĩ khách mời sẽ giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè Croatia thông qua một số buổi biểu diễn, triển lãm ảnh nghệ thuật, các sản phẩm, món ăn truyền thống và lớp học thư pháp dành cho trẻ em. Mục tiêu chính của dự án này là sử dụng văn hóa nghệ thuật, cũng như các hoạt động sáng tạo văn hóa làm động lực phục hồi khu vực đô thị.
Cảng Rijeka của Croatia có thể đóng vai trò quan trọng trong thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, đặc biệt là trong vận tải hàng hóa bằng container. (Nguồn: Luka Rijeka) |
Ông hình dung thế nào về tương lai quan hệ Croatia-Việt Nam trong 3 thập kỷ tới và xa hơn nữa? Nhân dịp đặc biệt này, ông có điều gì muốn nhắn gửi tới người dân Việt Nam?
Nhìn về tương lai 30 năm tới và xa hơn nữa, tôi lạc quan về mối quan hệ giữa hai nước chúng ta với sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa và chia sẻ thịnh vượng chung.
Chúng tôi cam kết phát huy những thành tựu kinh tế của mình, tập trung vào việc tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư. Chúng tôi cũng mong muốn tăng cường trao đổi văn hóa, khoa học và giáo dục, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết và tình hữu nghị sâu sắc hơn giữa hai dân tộc.
Bằng cách hợp tác trên các diễn đàn đa phương, hai bên cũng sẽ hướng tới giải quyết các thách thức toàn cầu, đóng góp cho một thế giới công bằng và bền vững hơn.
Tôi muốn nhấn mạnh giá trị của hợp tác khu vực và đối thoại chính trị. Đó là lý do vì sao Croatia đang xem xét gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Việt Nam trong vấn đề này khi thời cơ đến.
Chúng tôi cũng nhận thấy những tiềm năng đáng kể trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác EU-Việt Nam, cả song phương và trong khuôn khổ quan hệ EU-ASEAN.
Chúng tôi rất vui mừng vì Croatia đã phê chuẩn cả Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) vào năm 2019. Những hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên. Sau khi được phê chuẩn, EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đáng chú ý, Croatia là một trong 17 quốc gia thành viên EU đã phê chuẩn IPA. Mặc dù Croatia đã phê chuẩn IPA vào năm 2021, nhưng hiệp định này chỉ có hiệu lực sau khi tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Những hiệp định này chắc chắn sẽ nâng thương mại và đầu tư hai chiều lên tầng nấc mới.
Nhân dịp đặc biệt này, tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành tới người dân Việt Nam. Tình hữu nghị lâu dài giữa Croatia và Việt Nam khẳng định sức mạnh của sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước. Trong không khí kỷ niệm với nhiều thành tựu này, chúng ta hãy cùng hướng về một tương lai tràn ngập cơ hội hợp tác và phát triển.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!