Chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 19-21/3 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd James Austin diễn ra gần như đồng thời với đối thoại Alaska giữa Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken với Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Tuy nhiên, khung cảnh nồng ấm tại New Delhi tương phản hoàn toàn với không khí gay gắt ở Alaska.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh trong chuyến thăm quốc gia Nam Á ngày 19/3. (Nguồn: Getty Images) |
Nồng ấm, thân tình
Tại thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hội đàm sâu với người đồng cấp Rajnath Singh, gặp Thủ tướng Narendra Modi, Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval và Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar trong bầu không khí đầy thân tình và hữu nghị.
Phát biểu sau các cuộc gặp, Bộ trưởng Lloyd Austin nhận định Ấn Độ đang trở thành đối tác ngày một quan trọng của Mỹ, trong bối cảnh chiến lược đang chuyển biến nhanh chóng. Mỹ khẳng định cam kết đối với quan hệ đối tác quốc phòng toàn diện và hướng tới phía trước với Ấn Độ như trụ cột trung tâm của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định hai bên sẵn sàng hợp tác để hiện thực hóa tiềm năng đầy đủ của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Ấn Độ-Mỹ. Tuyên bố này cũng cho biết quan hệ quân sự giữa hai nước đang được tăng cường vững chắc, Mỹ tham gia tập trận trong khuôn khổ song phương và đa phương với Ấn Độ nhiều hơn bất cứ nước nào.
Phía Ấn Độ sẽ phối hợp không chỉ với Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đóng tại Hawaii như trước đây, mà còn mở rộng phối hợp với Bộ tư lệnh Trung tâm cũng như Bộ tư lệnh châu Phi của Mỹ. Hai bên cũng bàn việc hiện thực hóa lợi ích đầy đủ của các thỏa thuận quốc phòng nền tảng bao gồm Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận tương thích liên lạc (COMCASA) và Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA).
Trong các cuộc gặp, hai bên cũng đã thảo luận về tình hình ở Đông Ladakh, những thách thức do chủ nghĩa khủng bố gây ra và tiến trình hòa bình Afghanistan, an ninh mạng, công nghệ 5G, an ninh cho chuỗi cung ứng, an ninh sức khỏe quân sự.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho biết hai bên tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, vũ trụ và không gian mạng và kế hoạch của Ấn Độ mua 30 chiếc máy bay quân sự không người lái đa dụng Predator của Mỹ trị giá 3 tỷ USD.
Chỉ dấu tích cực
Chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hành động đơn phương tại Eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông, Biển Đông và Đường kiểm soát thực tế (LAC) với Ấn Độ. Đây là chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến công du đầu tiên của ông Austin tới 4 nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Afghanistan.
Các chuyến thăm đánh dấu cách tiếp cận “vừa cũ, vừa mới” của Washington: Duy trì lập trường đối đầu với Bắc Kinh của ông Donald Trump, song thông qua việc phối hợp với đồng minh và đối tác, thay vì dựa nhiều vào hành động đơn phương như trước. |
Trong chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Austin đã cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự cuộc gặp 2+2 với những người đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm khẳng định cam kết đối với Hiệp ước quận sự Mỹ-Nhật và hợp tác Mỹ-Hàn.
Cùng với cuộc họp Thượng đỉnh lần đầu tiên của Bộ tứ (Quad) diễn ra theo hình thức trực tuyến tuần trước, những chuyến thăm này được cho là một phần trong việc triển khai chính sách mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhấn mạnh vai trò của đồng minh và đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Điều này đánh dấu cách tiếp cận “vừa cũ, vừa mới” của Washington: Duy trì lập trường đối đầu với Bắc Kinh của ông Donald Trump, song thông qua việc phối hợp với đồng minh và đối tác, thay vì dựa nhiều vào hành động đơn phương như trước.
Vì thế, mục đích chính trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin tới Ấn Độ là khẳng định quan điểm gần gũi liên quan tới các vấn đề an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cam kết củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm đối phó với các thách chung trong khu vực.
Sự tương phản giữa bầu không khí hữu nghị trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Ấn Độ, trước đó là Nhật Bản và Hàn Quốc, so với bầu không khí căng thẳng trong cuộc gặp Mỹ-Trung hôm 18-19/3 tại Alaska cho thấy một cách tiếp cận rõ ràng hơn của chính quyền Biden trong việc xác định đồng minh và đối thủ.
Dường như chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn tạo dựng sự tin tưởng của đồng minh vào một chính sách đối ngoại dễ đoán và bài bản hơn, chấm dứt sự chao đảo, khó đoán định trước đó dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.