Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, tháng 8/2018. (Ảnh: NVCC) |
Tôi có may mắn được gặp và biết anh từ năm 1980, có giai đoạn "làm lính" của anh, nhiều lần được tháp tùng anh trong các hoạt động đối ngoại.
Tôi có nhiều kỷ niệm về anh Khoan. Một trong những kỷ niệm khó quên với anh là chuyến tham gia vòng đàm phán cuối cùng để đi đến ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA), vào tháng 7/2000, ở Washington D.C.
Đó là vào năm 1999, sau quá trình dài đàm phán khó khăn, nhưng Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa thể đi đến ký kết BTA, mà vẫn yêu cầu phải đàm phán bố sung. Anh Vũ Khoan vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại (năm 2000) đã được giao nhiệm vụ quan trọng - đàm phán với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky để đi đến hoàn tất và chính thức ký kết Hiệp định.
Năm đó cũng năm cuối cùng của Nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton. Chính quyền của ông Bill Clinton cũng mong muốn để lại dấu ấn lịch sử khi tiến hành đàm phán và ký kết Hiệp định với Việt Nam, nhằm mở ra chương mới trong quan hệ hai nước.
Phía ta cũng mong tạo dựng được một nền tảng cơ bản để phát triển quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ về lâu dài. Sứ mệnh quan trọng này được giao cho tân Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan. Dù mới "chân ướt chân ráo" chuyển công tác từ ngành Ngoại giao sang Thương mại, nhưng tài năng, kinh nghiệm và bản lĩnh ngoại giao dày dặn đã giúp anh Khoan hoàn thành xuất sắc sứ mệnh này.
Mở đầu cuộc gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ vào tháng 7/2000 tại Washington, sau vài câu chào hỏi xã giao, Bộ trưởng Thương Mại Vũ Khoan điềm tĩnh nói:
- Thưa bà Barshefsky, lần này tôi sang đây gặp bà để hoàn tất đàm phán, tiến tới chính thức ký kết BTA - một Hiệp định rất có ý nghĩa với cả hai đất nước chúng ta. Tôi đàm phán với bà với biết bao khó khăn, phức tạp vì dường như mọi lợi thế thuộc về phía bà, mọi bất lợi lại thuộc về phía tôi.
Bà Barshefky ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao ông nghĩ như vậy?
Anh Vũ Khoan tủm tỉm cười và đáp:
- Này nhé! Bà đại diện cho một nền kinh tế lớn và hùng mạnh nhất thế giới. Tôi đại diện cho nền kinh tế kém phát triển, đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu do bị chiến tranh liên miên tàn phá. Bà là nhà đàm phán lừng danh, dày dạn kinh nghiệm, đã đàm phán với bao nhiêu nước.
- Tôi là một nhà ngoại giao chưa có kinh nghiệm đàm phán về các vấn đề kinh tế, thương mại, lại mới tập tễnh sang học nghề đi buôn (thương mại).
- Bà là phụ nữ xinh đẹp, được ví như “bà đầm thép". Tôi là người đàn ông già nua rồi…
Đến đây, bà Barshefky cười lớn và phủ nhận việc bị coi là “Bà đầm thép". Bộ trưởng Vũ Khoan nói tiếp:
- Tuy vậy, tôi đến đây với thiện chí, với dụng ý tốt là cùng bà đạt một thỏa thuận mang đến sự cân bằng lợi ích và cùng có lợi. Muốn vậy, mong phía Hoa Kỳ cân nhắc đến những đề nghị hợp lý của chúng tôi. Hai nước chúng ta đều phải đối diện với hội chứng Chiến tranh Việt Nam.
Bộ trưởng Vũ Khoan khi đó còn nhấn mạnh rằng:
- Đàm phán và ký kết Hiệp định này, ngoài ý nghĩa kinh tế - thương mại, điều rất quan trọng là chúng ta phải tính đến lợi ích chiến lược trong quan hệ hai nước 10 năm, 20 năm và lâu hơn nữa. Hy vọng hai bên có tầm nhìn xa, chiến lược để hoàn tất và ký kết được Hiệp định này.
Sự khởi đầu rất thú vị và cách trao đổi chân tình, cởi mở, có tầm của Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan đã tạo ra không khí cởi mở cho cả hai bên ngay từ những phút đầu tiên khi hai đoàn tiến hành đàm phán. Mọi vấn đề dường như trở nên dễ dàng hơn, hai bên đã cùng đi đến kết thúc đàm phán trong dịp này và chính thức ký kết BTA vào ngày 13/7/2000.
Chiều hôm đó, Tổng thống Bill Clinton đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan tại Nhà Trắng, thông báo việc ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.
Qua vòng đàm phán này, Bộ trưởng Vũ Khoan đã đạt được, thậm chí vượt mọi tiêu chí và yêu cầu do Trung ương giao về những thay đổi trong Hiệp định. Chính vì thế ông được phép chính thức ký BTA vào ngày 13/7 và sau đó sang gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton ở Nhà trắng.
Cho đến thời điểm đó, Bộ trưởng Vũ Khoan là quan chức Chính phủ Việt Nam cao cấp nhất mà một Tổng thống Mỹ từng chào đón và tiếp tại Nhà trắng.
Tham gia vòng đàm phán này với tư cách là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, tôi khâm phục tài ngoại giao của anh Vũ Khoan - một nhà ngoại giao xuất chúng, một nhà đàm phán lừng danh, góp phần to lớn vào việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nói riêng và phát triển quan hệ Việt Nam với thế giới.
Sau 23 năm kể từ ngày ký Hiệp định BTA, kim ngạch thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ tăng vài trăm lần, quan hệ hai nước đã ở tầm chiến lược, hoặc tương đương, như thấy trước tầm nhìn của Anh Vũ Khoan...
Việc ký kết Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ là bước đi vô cùng quan trọng, tạo nền tảng cho Việt Nam thúc đẩy đàm phán với các nền kinh tế khác, để gia nhập WTO và tiếp tục tiến những bước dài sau đó trong quá trình xây dựng, hội nhập và phát triển đất nước.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng