Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. Bộ trưởng Trần Văn cho rằng, nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Ánh Vân) |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo.
Nhiều điểm sáng
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng tiếp tục duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,12%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 7 tháng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại; trong 7 tháng xuất khẩu đạt 195,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 178,9 tỷ USD; xuất siêu 16,5 tỷ USD.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt. Nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng; sản lượng thủy sản tháng 7 tăng 2,6%, 7 tháng tăng 1,9%. Xuất khẩu nông sản tháng 7 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; 7 tháng đạt hơn 29 tỷ USD.
Tin liên quan |
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023: Kinh tế-xã hội tiếp tục có bước tăng trưởng, lạm phát giảm |
Bên cạnh đó, công nghiệp tiếp đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ.
Thương mại, dịch vụ tăng trưởng tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tăng 1,1% so tháng trước và tăng 7,1% so cùng kỳ, 7 tháng tăng 10,4%. Khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so cùng kỳ; 7 tháng đạt gần 6,6 triệu lượt khách, gấp 6,9 lần so cùng kỳ.
Vốn đầu tư và tình hình phát triển doanh nghiệp tích cực hơn. Tháng 7 có 13.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số doanh nghiệp so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng có 131.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 113.300 doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: "Song song với những kết quả trên, tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế là điểm sáng; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam. Việt Nam tăng 4 bậc về Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2023".
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Cũng theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý.
Trong đó nổi lên là: Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Thu NSNN 7 tháng giảm so cùng kỳ; tỉ lệ nợ xấu nội bảng cao, hấp thụ vốn yếu, tiếp cận vốn còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng thấp. Điều hành chính sách tiền tệ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Thêm vào đó, khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm. Cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm. Công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, nhất là sạt lở đất tiếp tục diễn biến phức tạp. An ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ...
Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin: "Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: Kiên định kiên trì, tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, bội chi. Đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; đẩy mạnh công tác đối ngoại".
Về trọng tâm chỉ đạo điều hành, ông Trần Văn Sơn cho hay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại.
Trong đó lưu ý những vấn đề như: Thứ nhất, đảm bảo và cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá.
Thứ hai, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhất là ba động lực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Thứ ba, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hạ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, tăng tín dụng và tăng cung tiền phù hợp.
Thứ tư, chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đầu tư công.
Thứ năm, đảm bảo an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia.
Thứ sáu, rút ngắn quy trình, thủ tục, xây dựng thể chế cũng như các văn bản quy định pháp luật.
| Đến Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý gì? Được ưu ái gọi là “ngôi sao” trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng cần được ... |
| Chuyến thăm của Bộ trưởng Janet Yellen góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ Đây là chuyến thăm đầu tiên của bà Janet Yellen, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, tới Việt Nam. |
| Đường nào cho nông sản Việt Nam vào Áo, nẻo nào cho công nghệ Áo vào Việt Nam? Nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân có chuyến thăm chính thức Áo, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung ... |
| Đại sứ Hans-Peter Glanzer: Kinh tế Việt Nam phát triển năng động, giàu tiềm năng, sẽ có thêm nhiều đoàn doanh nghiệp Áo đến Việt Nam Theo Đại sứ Áo tại Việt Nam Hans-Peter Glanzer, chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (23-25/7) có ý nghĩa rất quan ... |
| Để liên kết vùng 'cất cánh', đi vào thực chất Liên kết vùng dù là vấn đề đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. ... |