Nhỏ Bình thường Lớn

Bộ Xây dựng cam kết thúc đẩy triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Ngày 11/6, Bộ Xây dựng đã có văn bản cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thành lập đoàn kiểm tra việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng với mục đích tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân gói này - vốn đang chậm như hiện nay.
Bộ Xây dựng cam sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Xây dựng, tính đến 31/5/2014, tổng số tiền 5 Ngân hàng đã cam kết là 3.954,4 tỷ đồng, tổng dư nợ là 2.156,3 tỷ đồng. Trong đó, ký hợp đồng cam kết cho vay 5.378 hộ với số tiền là 2.060 tỷ đồng, giải ngân cho 5.368 hộ với số tiền là 1.343,7 tỷ đồng.

Đồng thời, có 23 dự án đã được cam kết cho vay với số tiền là 1.894,4 tỷ đồng, riêng TP. Hà Nội có 4 dự án với số tiền 369,4 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh có 2 dự án với số tiền là 658 tỷ đồng... Hiện tại, đã giải ngân cho 19 dự án với số tiền 812,6 tỷ đồng, trong đó TP. Hà Nội có 4 dự án với dư nợ là 194 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh có một dự án dư nợ là 244,6 tỷ đồng…

Như vậy gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong 5 tháng đầu năm 2014. Nếu như tại thời điểm 31/12/2013 tổng số vốn cam kết cho vay mới là 1.760 tỷ, thì đến thời điểm 31/5/2014 tổng số vốn cam kết cho vay đã là 3.954,4 tỷ đồng, tăng 225%, đạt 13,2% so với tổng nguồn vốn.

Một trong nguyên nhân khiến cho tiến độ giải ngân chậm là do thiếu nguồn cung khi số lượng nhà ở xã hội hoặc căn hộ thương mại có diện tích sàn dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 chưa nhiều.

Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án nhà ở xã hội, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay theo quy định của NQ 02.

Lãi suất cho vay ưu đãi mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 1/2014, tuy nhiên vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này; Thời hạn hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt từ ngân hàng và các địa phương.

Cũng theo Bộ trưởng, chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, lần đầu được triển khai thực hiện, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. Đây là gói tín dụng cho vay trung và dài hạn, muốn giải ngân nhanh gói này thì phải có nhiều căn hộ nhà ở xã hội hoặc căn hộ nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì mới cho vay được, nhưng hiện nay nguồn cung còn ít nên chưa thể giải ngân nhanh được.

Nguyên nhân nằm ở sự thiếu quyết liệt của các địa phương trong việc giải quyết các thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án nhà ở xã hội, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, vấn đề lãi suất cũng là nguyên nhân khiến người dân vẫn ngại khi tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng bởi lãi suất còn cao so với thu nhập người dân, đặc biệt là thời hạn cho vay còn tương đối ngắn.

Để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) thực hiện đồng bộ các giải pháp như sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện…Việc ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đã tạo điều kiện tối đa để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2014, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 22/TTr-BXD về việc sửa đổi, bổ sung một số giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ. Theo đó, kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ định thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP; Mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng…

Bộ Xây dựng cũng cho biết tới đây, Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thành lập đoàn đi kiểm tra việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế tài chính lâu dài cho người thu nhập thấp vay mua, thuê mua nhà xã hội.

Với nhiều giải pháp hữu hiệu, kỳ vọng, thời gian tới người dân sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn có sự hỗ trợ của Nhà nước để mua, thuê nhà ở.

Giang Ly