Vaccine Sputnik V của Nga. (Nguồn: AFP) |
Tuyên bố được đưa ra sau khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nga Oleg Gridnev cho biết, nghiên cứu đang được tiến hành để xác định liệu 2 loại vaccine trên có thể sử dụng cho những người đã được tiêm loại kia hay không.
Năm 2020, Nga đã phê duyệt Sputnik V dành cho người trưởng thành ở mọi lứa tuổi. Vaccine Sputnik Light một liều được phép sử dụng vào tháng 5 và sẽ được tiêm cho những người từ 18 đến 60 tuổi. Hai loại vaccine khác được đăng ký ở Nga là CoviVac và EpiVacCorona.
Thứ trưởng Gridnev cũng cho biết, Sputnik Light ở Nga chủ yếu sẽ được tiêm chủng cho những người trẻ tuổi.
Ông nói trong cuộc họp toàn thể tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga: "Loại vaccine này nhằm tiêm chủng cho những người trẻ tuổi, chủ yếu là học sinh, sinh viên."
Theo Thứ trưởng Gridnev, các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng một lần vaccine Sputnik V (thực chất là Sputnik Light đơn liều) "đem đến sự phát triển tốt khả năng miễn dịch ở những người trẻ".
Cũng theo ông Gridnev, tình hình dịch Covid-19 ở Nga đã ổn định, một số người khỏi bệnh, một số được tiêm phòng song tỷ lệ bệnh nhân tử vong vẫn khá cao. Ông khẳng định "đại dịch không thể bị đánh bại nếu không tiêm chủng".
Liên quan đến vấn đề vaccine, nhiều nhân vật nổi tiếng là đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) như cựu cầu thủ bóng đá David Beckham, diễn viên Whoopi Goldberg và nhạc sỹ Angelique Kidjo ngày 8/6 đã cùng ký thư ngỏ gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm thúc giục các nước này khẩn cấp chia sẻ vaccine phòng Covid-19 cho các nước khác.
Bức thư ngỏ bày tỏ mong muốn lãnh đạo các nước G7 hỗ trợ khẩn cấp vaccine phòng Covid-19 trước tháng 8/2021, đồng thời đề ra lộ trình tiếp tục cung cấp vaccine cho các nước nghèo hơn trên quy mô rộng.
Những người đứng tên trong thư ngỏ cũng nhấn mạnh rằng Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này chính là cơ hội cho các nước G7 cùng nhất trí để có hành động ngay lập tức đưa vaccine Covid-19 tới những nơi cần nhất.
Sau hơn một năm hoành hành trên khắp thế giới, đại dịch Covid-19 hiện vẫn tiếp tục lan rộng ở nhiều nước với nhiều chủng virus biến thể mới ra đời đang đe dọa thành quả kiểm soát dịch mà nhiều nước đã rất nỗ lực để đạt được, khiến hệ thống y tế lại bị gián đoạn hoạt động, trường học phải đóng cửa và các nền kinh tế lại rơi vào tình trạng lao đao.
Nhiều người ký thư ngỏ như nữ võ sỹ quyền anh Ramla Ali, cựu vận động viên bóng rổ Jose Manuel Calderon và diễn viên Lucy Liu cũng nhấn mạnh rằng, đại dịch không thể chấm dứt chừng nào virus SARS-CoV-2 vẫn còn tồn tại ở một nơi nào trên thế giới. Cho nên, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải phân phối vaccine tới tất cả các nước một cách công bằng và càng nhanh càng tốt.
UNICEF cũng cảnh báo rằng hàng triệu liều vaccine có thể bị bỏ phí nếu tất cả các nước giàu gửi số vaccine thừa tới các nước nghèo cùng một lúc, cho nên việc cung cấp vaccine phải được điều phối đều đặn trong suốt cả năm.
Mặc dù UNICEF đã phân phối vaccine theo sáng kiến COVAX - một chương trình vaccine cho người nghèo do Liên hợp quốc khởi xướng, hiện vẫn thiếu khoảng 190 triệu liều nên còn rất nhiều người chưa có cơ hội được tiêm phòng Covid-19.
Một số nước đã cam kết tài trợ vaccine Covid-19 từ nay đến cuối năm, nhưng UNICEF đang hối thúc các nước có vaccine gửi ủng hộ các nước khác ngay từ bây giờ, càng nhanh càng tốt.
Theo thông tin của UNICEF, các nước G7 sẽ sớm gom đủ 150 triệu liều vaccine (tương đương 20% tổng số vaccine của các nước này) dành để ủng hộ các nước khác trong thời gian từ tháng 6-8/2021 mà không ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng cho người trưởng thành ở các nước sản xuất được vaccine.