Điều này có nghĩa là Boeing sẽ hủy bỏ 2 hợp đồng lớn với các hãng hàng không Iran.
Một người phát ngôn của Boeing nêu rõ hãng có trụ sở tại Mỹ này không còn được cấp phép bán máy bay cho Iran, theo đó hãng sẽ không chuyển giao bất cứ máy bay nào cho nước này.
Boeing và Airbus nằm trong số những tập đoàn được Bộ Tài chính Mỹ cấp phép hoạt động tại Iran sau khi EU và Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Tehran.
Ngày 6/6, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing cho biết sẽ không chuyển giao máy bay cho Iran nhằm tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Washington chống Tehran. (Nguồn: AFP) |
Tháng 12/2016, Boeing thông báo thỏa thuận bán 80 máy bay với tổng giá trị 16,6 tỷ USD cho hãng hàng không Iran Air.
Tháng 4/2017, Boeing cũng công bố hợp đồng bán 30 máy bay Boeing 737 Max với tổng giá trị 3 tỷ USD cho hãng Iran Aseman Airlines và hãng hàng không Iran này được quyền chọn mua thêm 30 chiếc nữa cùng loại.
Trước đó hai ngày, tập đoàn chế tạo ôtô PSA của Pháp, hãng xe hơi lớn thứ hai ở châu Âu, cũng thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động của hai công ty liên doanh bán ôtô tại Iran nhằm tránh rủi ro do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó, một nguồn tin cho biết tập đoàn đa quốc gia của Mỹ General Electric dự kiến dừng mọi hoạt động tại Iran trước ngày 4/11 tới theo hạn chót 180 ngày mà chính quyền Mỹ đặt ra đối với các công ty đang hoạt động tại quốc gia Trung Đông này.
Tháng Năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Ông cũng cho biết sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân nhằm vào chính quyền Iran và sẽ bắt đầu áp đặt trừng phạt ở mức cao nhất.
Trong khi đó, EU cam kết nỗ lực bảo vệ các công ty của châu Âu hoạt động tại Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ dự kiến có hiệu lực vào tháng Mười Một tới.