Từ phải sang,Tổng thống Kenya William Ruto cùng với những người đồng cấp Hassan Sheikh Mohamud của Somalia, Ismail Omar Guelleh của Djibouti và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed tại Mogadishu ngày 1/2. (Nguồn: Hiiraan) |
Bốn nhà lãnh đạo các nước trong khu vực Sừng châu Phi này dự kiến sẽ thảo luận về một cuộc tấn công quân sự phối hợp chống lại nhóm khủng bố cực đoan Al-Shabaab có liên hệ với Al-Qaeda. Đây là lực lượng phiến quân đã tiến hành cuộc nổi dậy ở khu vực này trong hơn 15 năm qua.
Trong thông báo cùng ngày, chính phủ Somalia tuyên bố: “Sự hợp tác quân sự dự kiến sẽ dẫn đến việc giải phóng đất nước nhanh chóng khỏi những kẻ nổi loạn, vốn đã bị giáng những đòn nặng nề trên chiến trường trong vài tuần qua”.
Những tháng gần đây, quân đội và lực lượng dân quân địa phương Somalia đã giành lại lãnh thổ từ các tay súng Al-Shabaab trong một chiến dịch được các cuộc không kích của Mỹ và Phái bộ Chuyển tiếp Liên minh châu Phi (AU) ở Somalia hỗ trợ.
Somalia cũng đang thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại thủ đô Mogadishu nhằm đảm bảo an ninh, bao gồm cả việc đình chỉ tất cả chuyến bay thương mại đến thành phố này.
Hồi tháng 5/2022, Tổng thống Mohamud đã tuyên bố sẽ tiến hành một "cuộc chiến toàn diện" chống lại các phần tử khủng bố khi ông lên nhậm chức.
Lực lượng của Liên minh châu Phi (AU) gồm 20.000 binh sĩ từ Uganda, Burundi, Djibouti, Ethiopia và Kenya, được triển khai ở miền Nam và miền Trung Somalia. Mục tiêu của phái bộ là giảm dần quân số xuống 0 vào cuối năm 2024 và chuyển dần việc đảm bảo an ninh cho quân đội và cảnh sát Somalia.
Lực lượng Al-Shabaab vẫn cố thủ ở vùng nông thôn và đã thực hiện nhiều cuộc tấn công ở cả Somalia và các nước láng giềng. Vụ tấn công đẫm máu nhất của Al-Shabaab là hồi tháng 10/2022 tại thủ đô Mogadishu, trong đó 121 người đã thiệt mạng.