Ngày 12/7, thị trường ngoại hối toàn cầu đã xuất hiện một thời khắc lịch sử khi lần đầu tiên kể từ năm 2002, tỷ giá hối đoái giữa đồng Euro và đồng USD ở mức 1 Euro đổi 1 USD.
Sau đó đến ngày 14/7, Thủ tướng Italy, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố từ chức, đồng Euro lại tiếp tục mất giá khi 1 Euro vào thời điểm đó có giá trị chưa bằng 1 USD.
Ngày 21/7, ECB thông báo tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (tương đương 0,5 điểm phần trăm), đưa lãi suất tiền gửi vốn đang ở mức thấp trong lịch sử là -0,5% lên 0, thoát khỏi kỷ nguyên lãi suất âm kéo dài 8 năm. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2011.
Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, cuộc khủng hoảng năng lượng càng thêm trầm trọng, lạm phát vẫn ở mức cao, ECB buộc phải tăng lãi suất một cách thụ động, khiến thị trường hết sức lo ngại đối với tương lai nền kinh tế châu Âu.
Theo nhận định của giới quan sát, nguy cơ kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái trong tương lai là rất cao, nhưng nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng nợ châu Âu là có hạn. (Nguồn: Euractive.com) |
Tăng lãi suất tạo ra “bóng đen” khủng hoảng nợ
Trước hết, việc tỷ giá đồng Euro và USD giảm xuống dưới mức tương đương nhau là điều hoàn toàn nằm trong dự đoán. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và tác động chồng chất của cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá các mặt hàng như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tăng cao đã hạn chế nghiêm trọng năng lực sản xuất công nghiệp của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone).
Lạm phát liên tục ở mức cao đã làm tăng chi phí vận hành của Eurozone. Tất cả những điều này khiến người ta nghĩ đến khả năng xảy ra một cuộc suy thoái trong khu vực.
Cuộc thăm dò dư luận của Bloomberg vào tháng Bảy cho thấy nguy cơ suy thoái trong Eurozone là 45%, tăng từ mức 20% trước xung đột Nga-Ukraine và 30% trong cuộc thăm dò hồi tháng Sáu.
Đồng thời, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để hỗ trợ đồng USD mạnh lên cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến đồng Euro mất giá mạnh so với đồng bạc xanh. Xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục trong ngắn hạn, điều này sẽ có lợi cho đồng USD, vốn là đồng tiền trú ẩn an toàn.
Kể từ tháng 12/2021 đến nay, Eurozone đã chuyển từ thặng dư thương mại trong một thời gian dài trước đây sang thâm hụt thương mại, với quy mô thâm hụt tiếp tục mở rộng.
Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone và là cường quốc công nghiệp truyền thống ở châu Âu - đã xuất hiện thâm hụt thương mại lần đầu tiên sau 30 năm. Thâm hụt thương mại đã tiếp tục làm giảm giá trị của đồng Euro.
Ngày 14/7, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Âu mùa Hè. Nền kinh tế EU đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan với “tăng trưởng thấp và lạm phát cao”. Báo cáo dự đoán tỷ lệ lạm phát của EU sẽ đạt mức cao kỷ lục 8,3% vào năm 2022. Trong bối cảnh đó, ECB thông báo tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.
Có lẽ nhiều người cho rằng dường như nhiều nền kinh tế trên thế giới đã theo chân Mỹ điều chỉnh lãi suất. Điều này có gì lạ thường. Đó là bởi vì hai lần tăng lãi suất trước đó của ECB, vào năm 2008 và 2011, đã gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế.
Việc ECB tăng lãi suất vào năm 2008 đã gây ra cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp năm 2010, trong khi việc tăng lãi suất vào năm 2011 đã gây ra cuộc khủng hoảng nợ công và ngân hàng toàn diện vào năm 2012.
Hơn nữa, thời điểm này thị trường trái phiếu đã sớm nằm trong giới hạn cảnh báo đỏ. Thị trường trái phiếu châu Âu đã sụt giảm nhanh chóng, chênh lệch lãi suất giữa các nước ngày càng mở rộng.
Vào trung tuần tháng Sáu, Hy Lạp và Italy đều ghi nhận mức nợ cao lần lượt là 201,9% và 155,2%, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lần lượt là 4,74% và 4,2%, cả hai đều phá vỡ ngưỡng cảnh báo 4%.
Trái phiếu của Đức và Pháp cũng trong xu hướng đi lên rõ rệt. Chênh lệch giữa trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy và Đức đã mở rộng hơn 200 điểm cơ bản. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong 10 năm qua đều dưới 2%, chủ yếu dựa vào lãi suất trái phiếu thấp để duy trì việc vay nợ.
Nếu ECB tiếp tục tăng lãi suất và lãi suất trái phiếu tiếp tục duy trì ở mức cao, khoản nợ công của các nước này chắc chắn cần phải được hỗ trợ khẩn cấp. Do đó, không phải vô lý khi thị trường lo ngại một cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ lại bùng nổ.
Khủng hoảng nợ châu Âu 2.0
Sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2010, mặc dù một số nước EU đều từng bước thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, một mặt giảm chi tiêu tài khóa bằng cách kéo dài tuổi nghỉ hưu, giảm phúc lợi của công chức, mặt khác lại tăng thu ngân sách thông qua cải cách thuế, tình hình tài khóa sau đó đã được cải thiện.
Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh và cuộc xung đột Nga-Ukraine về cơ bản đã làm tiêu tan các nỗ lực tài chính và tiền tệ của Eurozone trong vài năm qua.
Mặc dù vậy theo nhận định của giới quan sát, nguy cơ kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái trong tương lai là rất cao, nhưng nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng nợ châu Âu là có hạn. Lý do dẫn đến điều này là gì?
Xét từ tình hình thực tế, mặc dù tỷ lệ nợ của các nước trong Eurozone đang tăng lên và chênh lệch lãi suất trái phiếu ngày càng lớn, nhưng tình hình vẫn chưa đến mức như năm 2008 và 2011. Đặc biệt, thời gian đáo hạn nợ của các nước Eurozone tương đối dài và chi phí đi vay tương đối thấp, đồng nghĩa với việc áp lực trả lãi trong tương lai là tương đối thấp.
Theo ước tính, gánh nặng lãi suất sẽ chỉ tăng rất chậm trong vài năm tới. Về tổng nợ và trả lãi, chỉ có Italy là nên cảnh giác.
Ngoài ra, do đã trải qua cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng ở châu Âu cách đây hơn 10 năm mà ECB đã tích lũy được nhiều công cụ và kinh nghiệm đối phó nợ, bao gồm Chương trình thị trường chứng khoán (SMP), Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp chống dịch (PEPP), Chương trình mua trái phiếu trực tiếp (Cơ chế OMT)…
Sau khi tăng lãi suất, ECB đã phê chuẩn thông qua “Công cụ chống phân mảnh mới” (TPI) được nhiều người quan tâm để giải quyết tình trạng lãi suất thả nổi tăng mạnh của các nước thành viên Eurozone.
Hiện tại, châu Âu và cuộc khủng hoảng nợ vẫn còn một khoảng cách khá xa, nhưng rủi ro đang gia tăng nhanh chóng.
Ngoài ra, sự suy giảm của trái phiếu chính phủ dài hạn sẽ làm suy yếu sự hỗ trợ chính sách vĩ mô, điều mà Eurozone cần cảnh giác. So với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2010, tình hình tài chính công hiện nay ở Eurozone thực tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Lấy các nước thành viên ngoại vi làm ví dụ, tỷ lệ nợ của Chính phủ Hy Lạp trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 127% vào năm 2009 và do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ này đã tăng lên 193% vào năm 2021. Con số này lần lượt tăng lên 118% và 151% ở Tây Ban Nha và Italy. Tương tự, tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP của Bồ Đào Nha đã tăng lên 127%. Trong tương lai, tỷ lệ nợ trên GDP của hầu hết các nước trong Eurozone sẽ tiếp tục tăng.
Có một mối quan hệ phi tuyến tính giữa mức nợ công và tăng trưởng kinh tế. Khi mức nợ thấp, việc gia tăng nợ thông qua chính sách tài khóa hoặc tiền tệ có thể tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nhưng khi nợ vượt quá một mức ngưỡng nhất định, hiệu quả của tác động này sẽ giảm đi đáng kể.
Đối với các nước trong Eurozone, tác động tiêu cực của tỷ lệ nợ/GDP là không đáng kể cho đến khi tỷ lệ này đạt ngưỡng 100%.
Tuy nhiên, nếu tỷ lệ nợ/GDP tổng thể trong Eurozone vượt quá 100%, vai trò gia tăng nợ thông qua chính sách tài khóa hoặc tiền tệ của ECB để hỗ trợ nền kinh tế sẽ bắt đầu giảm đáng kể. Hiện tại, tỷ lệ nợ chung trong Eurozone là gần 100%.