Trải qua nhiệm kỳ công tác tại quốc gia Nam Mỹ trong giai đoạn Việt Nam đang đạt được những thành công lớn trong phát triển kinh tế và được đánh giá cao trên trường quốc tế. Ông đánh giá thế nào về quan hệ song phương Việt Nam – Brazil trong thời gian một thập niên trở lại đây?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Dù hai nước mới trải qua chặng đường gần ba thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, một thời gian rất ngắn ngủi so với lịch sử của mỗi nước, nhưng quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương Việt Nam - Brazil ngày càng phát triển ấn tượng. Trong 29 năm qua, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã viết nhiều về kết quả các cuộc trao đổi đoàn cấp cao, về sự phát triển nhanh chóng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Đặc biệt là kể từ khi hai nước tuyên bố thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, bình đẳng cùng có lợi, nhân chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 7/2007).
Trong nhiệm kỳ công tác tại Brazil (2006-2010) trên cương vị Đại sứ, có những kỷ niệm ấn tượng với đất nước bạn mà tôi không thể nào quên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Aloysio Nunes Ferreira tại Hà Nội, ngày 11/9/2017. |
Đã gần 10 năm trôi qua, hẳn những kỷ niệm đó rất đặc biệt với ông?
Tôi muốn chia sẻ với bạn về buổi “Quốc yến” ở Brazil. Trong cuộc đời làm ngoại giao của mình, tôi thu xếp nhiều chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tới các nước. Tuy nhiên trong khi chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 7/2007) thì vấn đề lễ nghi đón Tổng Bí thư được trao đổi nhiều nhất, vì Brazil là nước đa đảng và có quy định lễ tân rõ ràng về đón tiếp đoàn các cấp.
Phía bạn cho rằng, chỉ khi đón cấp nguyên thủ quốc gia sang thăm cấp nhà nước Brazil, thì phía Brazil mới bắn 21 phát súng đại bác. Tuy nhiên, theo hệ thống chính trị Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo cao nhất của đất nước và trên thực tế nhiều nước đón Tổng Bí thư Việt Nam theo đúng nghi lễ cấp nguyên thủ quốc gia.
Trên cơ sở hiểu biết và coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, Chính phủ Brazil đã quyết định đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam theo lễ nghi dành cho nguyên thủ, với loạt 21 phát đại bác chào đón trong lễ đón chính thức.
Sau lễ đón chính thức, theo thông lệ, Brazil tổ chức Quốc yến vào buổi trưa và dưới hình thức “buffet”. Điều này hoàn toàn xa lạ với lễ tân ngoại giao Việt Nam cũng như nhiều nước khác. May mắn thay, sau khi tôi trình bày, giải thích rõ ràng thì Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đồng ý theo thông lệ của bạn.
Tôi nhớ mãi tại buổi Quốc yến đó, Tổng thống Lula da Silva đã dẫn Tổng Bí thư đến các bàn để các món ăn dân tộc của các địa phương khác nhau của Brazil và giới thiệu từng món ăn, rồi lại cùng ra ngồi vào bàn danh dự. Chính hình thức ăn buffet làm cho lãnh đạo cấp cao hai nước cảm thấy gần gũi nhau hơn, thân thiết với nhau hơn như những người trong một gia đình. Các lãnh đạo và quan khách hai nước nhân dịp này cũng đến bên nhau trò chuyện thân mật, cởi mở.
Trong nhiệm kỳ công tác của mình ở Brazil, ông còn tham gia chuẩn bị cho một chuyến thăm quan trọng khác của lãnh đạo cấp cao, đó là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Lula da Silva tới Việt Nam vào tháng 7/2008. Chuyến thăm này để lại cho ông ấn tượng gì không, thưa ông?
Điều đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ về chuyến thăm này của Tổng thống Lula da Silva là sự thành công ngoài mong đợi. Tôi nhớ mãi trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Lula da Silva đã diễn ra trong không khí vô cùng cởi mở, chân thành, đầy sự hiểu biết lẫn nhau.
Tuy nhiên ngay sau khi kết thúc cuộc hội đàm, Tổng thổng Lula da Silva bất ngờ nói với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Thưa Ngài chủ tịch, tôi có một khiếu nại”. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và những nhà lãnh đạo, quan chức của cả hai bên đều ngạc nhiên không hiểu Tổng thống Lula da Silva có ý gì. Riêng tôi thì cảm thấy vô cùng lo lắng. Sau một thoáng mọi người nhìn nhau dò hỏi thì Tổng thống Brazil vui vẻ nói: “Điều khiếu nại là tôi được biết Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil và cà phê của Việt Nam nổi tiếng là ngon. Thế mà trong cuộc hội đàm hôm nay, các bạn chỉ mời tôi uống nước chè, không cho tôi thưởng thức hương vị đậm đà của cà phê Việt Nam”.
Khi nghe đến đó, cả phòng hội đàm đều ồ lên vui vẻ và cảm nhận được sự chân thành mà Tổng thống Brazil dành cho Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cảm ơn về “lời khiếu nại chân tình” của Tổng thống Brazil và lập tức chỉ thị cho bộ phận lễ tân chuẩn bị cà phê mời Tổng thống Lula da Silva cùng những người tham dự hội đàm.
Sau khi thưởng thức cà phê, Tổng thống Brazil đã không tiếc lời khen hương vị đậm đà đã khiến sản phẩm cà phê của Việt Nam trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.
Vậy còn với người dân Brazil thì sao, thưa ông?
Trong chương trình thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Lula da Silva có một hoạt động để lại ấn tượng sâu sắc cho cả hai phía Brazil và Việt Nam. Đó là Tổng thống và đoàn tùy tùng đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù thời gian ở thăm Việt Nam hạn hẹp, nhưng Tổng thống vẫn mong muốn thực hiện cuộc gặp gỡ với người mà ông vốn ngưỡng mộ từ lâu.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Lula da Silva rất vui khi thấy mặc dù tuổi đã cao nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn rất minh mẫn. Ông đã không quên bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài năng và nhân cách của Đại tướng và ước mong được gặp Đại tướng từ lâu.
Tôi nhớ mãi hình ảnh và vài câu đối thoại ngắn gọn khi bà Dilma Rousseff, lúc đó là Bộ trưởng Nội các đến chào Đại tướng. Đại tướng nói với bà Rousseff rằng, phụ nữ Brazil rất đẹp và giỏi giang, đóng góp vai trò quan trong trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Brazil.
Tôi rất đồng ý với nhận định này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì qua nhiệm kỳ công tác của mình tại đây, tôi cũng có ấn tượng tương tự. Người dân Brazil nói chung và phụ nữ Brazil nói riêng rất giàu tình cảm. Họ sống chân thành, nhiệt tình, cởi mở và dành nhiều tình cảm đặc biệt cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Việt Nam và Brazil lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989. Ta mở Đại sứ quán tại Brasilia năm 2000 trên cơ sở nâng cấp Tổng Lãnh sự quán lập tại Thành phố Sao Paulo (1998); Brazil mở Đại sứ quán ở Hà Nội (1994). Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đến tháng 4/2012, Hội Hữu nghị và Hợp tác Brazil – Việt Nam được thành lập. Hai nước đã thiết lập cơ chế Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Brazil và tổ chức tại Brazil hai phiên họp. Quan hệ thương mại Việt Nam - Brazil tăng nhanh từ 113,8 triệu USD năm 2005 lên 3,9 tỷ USD năm 2017 (ta xuất 2,04 tỷ USD). Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là thủy sản, da giầy, vải sợi, cao su, săm lốp, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ; nhập khẩu từ Brazil đậu tương, khô đậu tương làm thức ăn chăn nuôi, bột mì, giấy và bột giấy, vật liệu da. Hai nước đã trao đổi về khả năng hợp tác trên một số lĩnh vực như sản xuất và sử dụng cồn etanol, sản xuất thép, chế tạo máy, nông nghiệp, thể thao, du lịch; ta gợi ý bạn tham gia các dự án xây dựng và nâng cấp cầu và cảng biển ở Việt Nam; hiện mỗi nước có 1 dự án đầu tư FDI trên lãnh thổ của nhau (dự án Brazil là trong lĩnh vực sản xuất cao su trị giá 2,6 triệu USD và dự án của Việt Nam là sản xuất mỳ ăn liền trị giá 0,8 triệu USD). Brazil đã thông qua danh sách 74 doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất hàng thủy sản sang thị trường Brazil. |