Năm 2019 được đánh giá là một năm "giông bão" với tiến trình Brexit khi thỏa thuận này liên tục bị trì hoãn. (Nguồn: Reuters) |
Được ví như cuốn phim truyền hình nhiều tập bắt đầu từ giữa năm 2016 cho đến nay, tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit đã không thể kết thúc vào hạn chót năm 2019 như dự định. Năm 2019 ghi dấu là một năm khủng hoảng của chính trường Anh khi tiến trình chia tay giữa London và Brussels liên tục bị trì hoãn. Việc nữ Thủ tướng Theresa May phải nhường bước cho Thủ tướng Boris Johnson kế nhiệm và nhằm phá thế bế tắc, một cuộc bầu cử trước thời hạn đã diễn ra, cho thấy tương lai bất định của “cuộc ly hôn” đắt giá này.
Mây mù giăng lối Brexit
Năm 2019 có thể nói là một năm giông bão với tiến trình Brexit. Trước hết vì đây là năm mà theo kế hoạch ban đầu, Brexit buộc phải có hiệu lực, tức vào cuối tháng 3/2019 nên tất cả mọi trình tự đều phải gấp rút hoàn thành. Tuy nhiên, kể từ thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về Brexit vào tháng 6/2016 cho đến khi bắt đầu những đàm phán đầu tiên về tiến trình này, nước Anh đã mất 9 tháng để có thể xác định được đâu là chiến lược về Brexit mà London cần theo đuổi. Đến tháng 3/2017, Anh và EU mới bắt đầu đàm phán và ngay cả đến khi đó, sự chuẩn bị của Chính phủ Anh vẫn còn rất bị động.
Trong những báo cáo sau này mà Uỷ ban châu Âu (EC) đưa ra, ở những tháng đàm phán đầu tiên, rất nhiều lần các đoàn đàm phán của phía Anh do ông David Davis dẫn đầu, đã đến làm việc mà không hề có hồ sơ gì trong tay. Tiếp đến, sau tính toán sai lầm của nữ Thủ tướng Anh khi đó là bà Theresa May về việc tổ chức tuyển cử trước thời hạn vào tháng 6/2017, Chính phủ đảng Bảo thủ đánh mất đa số tại Hạ viện Anh, buộc phải liên minh và phụ thuộc vào một đảng rất nhỏ là đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP), vốn chỉ có 10 ghế trong cơ quan lập pháp của xứ sở sương mù.
Ngày 7/6, nữ Thủ tướng Anh lúc đó là bà Theresa May đã chính thức từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và rời bỏ cương vị người đứng đầu Chính phủ, sau thất bại trong việc đưa nước Anh rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu theo đúng kế hoạch cũng như không thuyết phục được Quốc hội ủng hộ Brexit. (Nguồn: Getty Images) |
Việc nước Anh và EU mất 17 tháng đàm phán để có thoả thuận Brexit đầu tiên và sau đó là các bế tắc hoàn toàn trong việc phê chuẩn thoả thuận này của bà May vốn xuất phát từ các nguyên nhân sâu xa từ trước. Đến năm 2019, sự bế tắc này đã lên đến đỉnh điểm khi 3 lần Hạ viện Anh bác bỏ thoả thuận Brexit mà bà Theresa May đạt được với EU vào tháng 11/2018, buộc bà May phải từ chức, mở đường cho ông Boris Johnson lên làm thủ lĩnh đảng Bảo thủ và giữ ghế Thủ tướng. Nhưng chính ông Boris Johnson cũng không thể phá được thế bế tắc tại Hạ viện, dù đã bắt buộc phải xin EU gia hạn Brexit đến lần thứ 3 và cũng đã có một thoả thuận mới với EU.
Nếu phải đưa ra một đánh giá tổng quan về Brexit trong 99% thời gian của năm 2019 thì chúng ta chỉ có thể dùng một nhận xét, đó là bế tắc toàn diện. Sự bế tắc này hoàn toàn ở trên chính trường Anh chứ không phải bên phía EU. Tuy nhiên, trong 15 ngày cuối cùng của năm 2019, London đã tìm được giải pháp khai thông cho sự bế tắc này, đó là chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson trong cuộc tổng tuyển cử hôm 12/12. Vương quốc Anh giờ đây đã có một Hạ viện mới, với một đa số mạnh mẽ của đảng cầm quyền nên chắc chắn tiến trình Brexit sẽ sớm đi vào hồi kết.
Vì sao hạn chót Anh rời EU liên tục bị lùi lại?
Cuộc tổng tuyển cử mà bà Theresa May quyết định tổ chức vào tháng 6/2017 là một sai lầm chiến lược và là cốt lõi của những bế tắc kéo dài suốt hơn 2 năm qua trên chính trường Anh. Bà May khi đó tính toán rằng, nếu bầu cử và giành kết quả tốt, thì sẽ không chỉ dập tắt được sự chống đối của các đảng đối lập trong nước, mà sẽ có một vị thế mạnh hơn để đàm phán với EU. Nhưng kết quả là, đảng Bảo thủ đánh mất đa số, buộc phải liên minh với một đảng nhỏ của Bắc Ireland là DUP.
Khi đó, không một ai tại Anh nghĩ đến vấn đề biên giới Bắc Ireland, nhưng càng về sau, các cuộc đàm phán Brexit càng cho thấy, cản trở lớn nhất chính là việc quản lý ra sao biên giới giữa một tỉnh Bắc Ireland thuộc Anh và một nước CH Ireland thuộc EU, để có thể vừa phù hợp với thực tế là nước Anh sẽ rời EU,vừa đảm bảo không phá vỡ thoả thuận hoà bình “Ngày thứ Sáu tốt lành” trên đảo Ireland mà các bên phải mất hơn 3 thập kỷ xung đột mới đạt được.
Điều khoản "chốt chặn" là một trong những hòn đá tảng trong đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU). (Nguồn: BBC) |
Phía EU đã đưa ra điều khoản “chốt chặn – backstop”, nhưng bất cứ khi nào phía Chính phủ Anh có ý nhân nhượng, đảng DUP lại đe doạ phá bỏ liên minh. Có những thời điểm mà cả Vương quốc Anh lẫn EU đều gần như trở thành “con tin” của một đảng nhỏ chỉ có 10 ghế tại Hạ viện Anh. Đó chính là mặt trái của dân chủ.
Tất nhiên, ở đây thì DUP chỉ là chi tiết để minh hoạ cho nguyên nhân tổng thể lớn hơn của các bế tắc toàn diện về Brexit, đó là việc cả nền chính trị Anh, mà đại diện là Hạ viện, không thể tìm được một đa số nào đủ mạnh để đưa ra bất kỳ quyết định nào về Brexit. Trong cả năm 2019, thế giới đã chứng kiến Hạ viện Anh hầu như bỏ phiếu chống lại mọi chính sách mà Chính phủ của bà May hay ông Johnson tiến hành về Brexit. Nhưng khi cho quyết định thì chính các nghị sĩ Anh lại bác bỏ tất cả mọi kịch bản khác.
Có thể nói, Brexit năm 2019 đã phơi bày tất cả những hạn chế lớn nhất của nền dân chủ Nghị viện nước Anh và tạo nên một cuộc khủng hoảng thể chế nặng nề. Sự tranh cãi giữa Thủ tướng Anh với các nghị sĩ tại Hạ viện thường xuyên gay gắt, thậm chí có những từ ngữ xúc phạm vượt khỏi quy tắc lễ tân thông thường. Thủ tướng Anh Johnson nhiều lần công khai thách thức các quyết định của Hạ viện, thậm chí treo Hạ viện trong nhiều ngày, buộc Toà án phải can thiệp.
Lịch sử cận đại nước Anh chưa từng chứng kiến sự xung đột bị bùng nổ gay gắt giữa 3 nhánh quyền lực là hành pháp, lập pháp và tư pháp như trong năm 2019. Đó là nguyên nhân dẫn đến tất cả những sóng gió liên quan đến tiến trình Brexit trong năm 2019.
Hậu "li hôn", quan hệ Anh-EU ra sao?
Năm 2016, khi các cử tri Anh bỏ phiếu rời EU, Chính phủ Anh khi đó từng có đề xuất với EU rằng, London và Brussels có thể đàm phán song song cả việc Anh rời EU lẫn một thoả thuận thương mại điều chỉnh quan hệ tương lai giữa hai bên. Tuy nhiên, EU đã bác bỏ đề xuất này và tuyên bố, chỉ khi nào nước Anh hoàn tất mọi thủ tục và nghĩa vụ của việc rời khỏi EU, thì khi đó hai bên mới bàn về quan hệ tương lai.
Brexit, vì thế, chỉ là phần đầu tiên, tức là việc nước Anh rời EU và như giới ngoại giao ở châu Âu nhận định, đây thậm chí là phần việc dễ hơn, dù trong 3 năm qua chúng ta có thể thấy là tiến trình Brexit căng thẳng và bế tắc đến mức nào.
Trước mắt, với việc đảng Bảo thủ giành đa số tuyệt đối, việc Hạ viện Anh thông qua thoả thuận mà ông Boris Johnson đạt được với EU vào cuối tháng 10/2019 gần như sẽ không có trở ngại nào. Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 30/1/2020 và ngay lập tức, từ ngày 1/2/2020, hai bên sẽ bước vào cuộc đàm phán về tương lai.
Đây là lúc mà các khó khăn khác xuất hiện, thậm chí có thể lớn hơn cả khó khăn trong đàm phán Brexit. Khó khăn đầu tiên là về mặt thời gian. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố muốn kết thúc đàm phán trong 11 tháng, tức đến cuối năm 2020 là hoàn tất, cùng lúc với việc kết thúc giai đoạn quá độ Brexit vào ngày 31/12/2020, để từ năm 2021, nước Anh hoàn toàn bước sang một trang sử mới trong quan hệ với EU. Tuy nhiên, hầu như tất cả các nhà ngoại giao, giới phân tích tại châu Âu đều cho rằng việc hoàn tất đàm phán trong 11 tháng là bất khả thi. Vì đây không chỉ là một thoả thuận đơn thuần về thương mại, mà còn mang cả những yếu tố địa chính trị, làm nên khuôn khổ cho mối quan hệ vốn rất phức tạp giữa Anh và EU.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/12 đưa ra cảnh báo về khả năng London có thể trở thành "đối thủ cạnh tranh không công bằng" của Liên minh châu Âu (EU). (Nguồn: AFP) |
Suy cho cùng, dù Anh không còn là thành viên EU, thì với các yếu tố về vị trí địa lý, lịch sử, nền văn hoá cũng như tổ chức chính trị, quốc gia châu Âu này vẫn là một phần không thể thiếu của thế giới phương Tây, vẫn có mối quan hệ không thể tách rời với EU. Có một chi tiết khác cần lưu ý, đó là thông thường thì EU mất 8-10 năm để hoàn tất một thoả thuận thương mại tự do với một đối tác, thậm chí cá biệt lên tới gần 20 năm, như thoả thuận với khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur. Vì thế, yêu cầu hoàn tất đàm phán với Anh trong 11 tháng là cực kỳ khó thực hiện và ngay từ bây giờ, phía EU đã cho biết là họ sẵn sàng gia hạn thời gian này thêm 2-3 năm.
Khó khăn thứ hai, đó là về bản chất của mối quan hệ mới. Như Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo công khai cuối tuần qua tại Thượng đỉnh EU, Liên minh kinh tế - chính trị này sẽ có một đối thủ ở ngay trước cửa ngõ của khối, chính là Vương quốc Anh. Các lãnh đạo EU hiện đang cực kỳ lo ngại là Chính phủ của ông Boris Johnson, sau khi đã giành được quyền lực gần như không thể thách thức tại nước Anh sau cuộc bầu cử, sẽ theo đuổi các chính sách bất bình đẳng về thương mại, thuế quan, tiêu chuẩn lao động, cũng như tiêu chuẩn môi trường.
Nói cách khác, EU đang rất lo sợ Vương quốc Anh sẽ biến thành một Singapore hay một “thiên đường thuế” ở ngay sát cạnh châu Âu. Đó không phải là một lo sợ mơ hồ, vì ngay từ khi tranh cử cho chiếc "ghế nóng" ở ngôi nhà số 10 phố Downing, ông Boris Johnson từng nhiều lần thể hiện các quan điểm thực thi chính sách kinh tế tân tự do, muốn London đoạn tuyệt với EU để tự do thi hành chính sách thương mại mới. Ngoài ra, khi rời EU, Anh cũng đánh mất rất nhiều ưu thế về việc tiếp cận thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính, nên không loại trừ khả năng nước Anh sẽ nới lỏng các luật lệ của mình để cạnh tranh với chính EU.
Vì vậy, bản chất của các thảo thuận sắp tới sẽ là cuộc cạnh tranh chiến lược về lợi ích quốc gia trong tương lai nên khi đó, cả Anh lẫn EU chắc chắn sẽ càng khắt khe, chặt chẽ hơn. Hai bên sẽ tìm ra giải pháp nhưng chắc chắn sẽ không thể sớm hoàn tất trong năm 2020.