📞

Brexit: Bà May yếu thế, EU ghi điểm

16:00 | 16/06/2017
19/6 - ngày khời động tiến trình đưa Anh ra khỏi EU (Brexit) đã tới rất gần, nhưng kết quả cuộc bầu cử sớm đã chôn vùi mọi toan tính của Thủ tướng Anh Theresa May từ chuyện củng cố sức mạnh của Đảng Bảo thủ, tới việc chuẩn bị mọi thứ thật hoàn hảo cho một cuộc đàm phán có lợi.

Tính toán bất thành của bà May

"Mỗi lá phiếu cho đảng Bảo thủ sẽ giúp tôi mạnh hơn khi thương lượng cho nước Anh", Thủ tướng Theresa May đã nói như vậy khi tuyên bố bầu cử sớm. Tuy nhiên, thất bại bất ngờ đã không thể giúp bà May mạnh hơn mà có thể là ngược lại.

Trong tình thế các đảng không thể thống nhất về việc kéo dài đàm phán Brexit, Chính phủ của Thủ tướng May sẽ chỉ có hơn một năm (tính từ ngày Anh chính thức ra khỏi EU 29/3/2019 tới cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2020) để chứng tỏ thỏa thuận Brexit mà ê-kíp của bà đạt được có lợi. Với tính toán đó, bà May muốn tìm kiếm một nhiệm kỳ 5 năm mới, bắt đầu từ 2017, với hy vọng thời gian dài hơn đủ để bà củng cố quyền lực, thiết lập một chính phủ đoàn kết và đồng lòng trong các cuộc đàm phán Brexit và cũng để chứng tỏ được thành quả của chiến lược Brexit mà Chính phủ của bà đã vạch ra.

Trang nhất tờ Daily Mirror ngày 10/6, sau khi bà May thất bại sau cuộc bầu cử sớm. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận cũng cho rằng, Thủ tướng May đã bị hấp dẫn bởi các kết quả từ thăm dò dư luận. Theo đó, đảng Bảo thủ của bà thường chiếm lợi thế. Nếu đúng như vậy, bà May hoàn toàn có thể hy vọng qua cuộc bầu cử trước hạn, đa số ghế của đảng Bảo thủ trong Quốc hội sẽ tiếp tục được tăng lên mở ra con đường thênh thang cho nước Anh trong tiến trình Brexit. Về đối nội, mọi quyết định của bà sẽ không gặp trở ngại tại Quốc hội. Về đối ngoại, kết quả đó cũng minh chứng cho sự đoàn kết và quyết tâm của người Anh đối với Brexit.  

Thật tiếc, một nước cờ sai, Thủ tướng May đã tự đánh mất lợi thế đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Mất 12 ghế, Chính phủ Anh bị đặt vào thế khó hơn khi đàm phán với EU. Tuy nhiên, không như đồn đoán rằng Chính phủ Anh đã quyết định lùi ngày khởi động tiến trình đưa nước Anh rời khỏi EU, mới đây, trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee, Thủ tướng May đã khẳng định mọi việc vẫn bắt đầu vào ngày  19/6 như kế hoạch. Tuy nhiên, với quyết định không từ chức, Thủ tướng May buộc phải xử lý gấp các xáo trộn trên chính trường trước khi tập trung “nói chuyện” với EU.

Bà May đã tự làm khó mình khi không thể không thành lập Chính phủ liên minh. Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP – đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland) dù là một đảng nhỏ, ủng hộ Brexit nhưng lại cực kỳ bảo thủ. Để có được sự liên minh của đảng này, bà May buộc phải nhượng bộ, trong đó có những điều khoản liên quan đến Brexit, tức là bà May chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thống nhất các chiến lược và kế hoạch đàm phán Brexit.

Việc gia tăng thế đa số cho đảng Bảo thủ tại Quốc hội đồng nghĩa với việc bà May, hoặc thậm chí là người kế nhiệm, sẽ không chỉ phải vượt qua những thách thức rất lớn khi muốn Hạ viện thông qua các điều khoản về Brexit, mà còn phải đối diện với nguy cơ bị Thượng viện phản đối kịch liệt.

EU tận dụng cơ hội

Đầy tin tưởng vào một chiến thắng để rộng đường cho công việc nan giải - đưa nước Anh “ly dị” thành công với EU, Thủ tướng May đã phải nếm trái đắng từ chính chiến lược của mình. Nhưng chính EU cũng từng hy vọng việc thắng cử với đa số phiếu, sẽ giúp bà May mạnh tay hơn trong các quyết định thương lượng Brexit. Mọi việc không như kỳ vọng, tiến trình Brexit đứng trước nhiều rủi ro. EU đang đối diện với một quốc hội Anh chia rẽ, trong một nước Anh chia rẽ, vì vậy, mọi “đòi hỏi” của nước Anh đều có thể sẽ không dễ dàng để thương lượng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thất bại của bà May và việc thành lập Chính phủ Anh liên minh không hẳn là hoàn toàn bất lợi cho tiến trình Brexit. Thủ tướng May có thể vẫn tiến hành đàm phán, nhưng có thể phải giảm bớt các đòi hỏi nếu muốn được thông qua tại quốc hội - nơi bà còn cần sự ủng hộ của các đảng khác. Lập trường của Anh trong quá trình đàm phán rời EU cũng có thể mềm mỏng hơn, hoặc thậm chí cơ hội nước Anh ở lại thị trường chung châu Âu cũng có thể xảy ra.

Chính trong nội bộ Chính phủ Anh, Bộ trưởng Brexit David Davids cũng bắt đầu thể hiện những hoài nghi. Còn những người phản đối Brexit ngay lập tức tìm cách tận dụng cơ hội này để yêu cầu một sự thay đổi trong cách tiếp cận về việc rời EU. Về phía EU, các xáo trộn trên chính trường Anh đang được tận dụng để gây sức ép lên Thủ tướng May. Bởi trên bình diện quốc tế, uy tín của bà đã bị giáng một đòn mạnh. Một số nhà phân tích cho rằng, giờ đây khi bà đưa ra bất kỳ đề xuất nào, các đối tác châu Âu đều có thể yêu cầu bà cần phải chờ đợi.

Hiện giờ thì các chính trị gia EU đang thúc giục Anh nhanh chóng đàm phán Brexit càng sớm càng tốt vì thời hạn hai năm để hoàn tất đàm phán đang bị rút ngắn từng ngày. Sốt ruột vì thông tin Anh có thể lùi ngày đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU - Michel Barnier không ngần ngại mà nói rằng, EU chẳng thấy có bất cứ sự cần thiết hay lợi ích nào của việc trì hoãn đàm phán Brexit.

Brexit sẽ “cứng” hay “mềm”?

Sau những biến cố, câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục với phiên bản Brexit "cứng" - tức là rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận thương mại tự do và hạn chế người nhập cư từ châu Âu? Hay, đảng này phải xem xét một Brexit "mềm hơn" - có thể vẫn nằm trong thị trường chung kèm theo điều kiện, để được các đảng khác ủng hộ?

Giờ đây, khi bà May đưa ra bất kỳ đề xuất nào, các đối tác châu Âu đều có thể yêu cầu bà cần phải chờ đợi. (Nguồn: Reuters)

Trước đây, Chính phủ của Thủ tướng May đã lên các kế hoạch Brexit "cứng". Tuy nhiên, thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua có thể sẽ định hình lại kế hoạch Brexit của Anh. Nhiều ý kiến được đưa ra, phần lớn ủng hộ Brexit "mềm" và vấn đề quan trọng là những thỏa thuận cuối cùng về Brexit sẽ phải được toàn bộ các đảng phái trong Quốc hội Anh ủng hộ. Đó là lý do khiến tương lai về Brexit vẫn còn khó đoán định.

EU chỉ chấp nhận cho Anh tiếp cận thị trường chung khi London đồng ý đóng góp vào ngân sách của EU và tuân thủ những quy định chung của khối bao gồm cả quy định nhập cảnh tự do giữa các quốc gia trong khối, trong khi không còn tiếng nói đối với những chính sách chung. Đó là điều mà chắc chắn không một chính phủ nào có thể thuyết phục người dân của mình đồng thuận.

Tuy nhiên, Chính phủ 27 quốc gia thành viên EU còn lo ngại nếu các cuộc đàm phán Brexit thất bại, Anh có thể sẽ rời EU mà không đàm phán đầy đủ các điều khoản "ly hôn", khiến người dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan trở nên rối loạn giữa những cái chung và cái riêng. 

Mới đây, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết, trong năm 2016, số người Anh “trở thành” công dân Đức tăng 361%. Dự báo, con số này sẽ còn tăng chóng mặt bởi lo ngại liên quan tới vấn đề Brexit. Nhiều người Anh cho rằng, kết thúc đàm phán Brexit, có thể nhiều chính sách mới sẽ tác dụng tiêu cực đến họ, nên họ đã đổi sang quốc tịch Đức.

(theo Reuters, AFP)