📞

Brexit: Cơ hội cho Anh tái khởi động nền kinh tế

15:55 | 30/07/2016
Việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) khó tránh được sự bất lợi cho kinh tế Anh, song quyết định này cũng đem đến những lợi ích và cơ hội.

Giới chuyên gia Anh nhận định, sau một thời gian dài “án binh bất động”, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ bắt đầu tung ra các biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế hậu Brexit. BoE sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, dù lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục 0,5%, đồng thời cân nhắc việc tăng lượng cung tiền và nới lỏng các điều kiện cho vay.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh ở thủ đô London. (Nguồn: The Telegraph)

Trong khi đó, Bộ Tài chính Anh cũng có những động thái chuẩn bị các gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tân Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond có thể thực hiện các chính sách chi tiêu công mạnh tay hơn để hỗ trợ kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vào thời điểm hiện nay, có lẽ điều mà nước Anh cần hơn bao giờ hết là một giải pháp tổng thể với những điều chỉnh cơ bản trên ba lĩnh vực tiền tệ, tài chính và cấu trúc kinh tế. Giải pháp này tương tự “Abenomics” của Nhật Bản - chính sách kích thích tăng trưởng dựa trên ba cột trụ do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng.

Chính phủ Anh cần có hành động mạnh mẽ trong việc thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, cũng như áp dụng nhiều biện pháp tài khóa để củng cố niềm tin của thị trường và ngăn chặn khả năng nền kinh tế trượt vào suy thoái trong thời gian tới.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, có hai cách để Chính phủ Anh thực hiện điều này, đó là Bộ Tài chính cần đẩy mạnh việc cho vay vốn với lãi suất thấp nhằm phục vụ các dự án đầu tư dài hạn. Không chỉ tập trung vào các dự án giao thông như đường xe lửa hay sân bay, nước Anh cũng phải chú trọng tới việc phát triển cơ sở hạ tầng điện tử và nguồn nhân lực.

Giải pháp thứ hai là sự phối hợp hài hòa giữa Bộ Tài chính và BoE. Theo đó, Bộ Tài chính phát hành trái phiếu phát triển hạ tầng và BoE là người mua trái phiếu thông qua chương trình Nới lỏng tiền tệ QE.

(tổng hợp)