📞

Brexit: Cuộc "ly hôn" đầy sóng gió

08:00 | 17/12/2017
Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được nhiều tiến triển trong quá trình đàm phán hậu Brexit, nhưng từng đó là chưa đủ để London “dứt áo ra đi” khỏi Brussels.

Trước đó, hai bên đã không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề then chốt của Brexit như phí rời EU của Anh, quyền của công dân EU và đường biên giới của Bắc Ireland. Nhưng với sự nhượng bộ của London, hầu hết các vấn đề đều đã được giải quyết. Ngày 8/12, sau 6 tháng dài thương thảo, Anh và EU đi đến thỏa thuận sơ bộ về điều khoản trong Brexit.

Ngã rẽ bất ngờ

Theo những gì đã cam kết, Anh sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ các quy định của thị trường chung châu Âu, động thái được cho là dẫn đến một Brexit “mềm” hơn. Nhưng Thủ tướng Theresa May cũng nhấn mạnh Anh sẽ rời liên minh thuế quan châu Âu để theo đuổi các Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA). Đây có thể coi là động thái nhằm giữ chân những người ủng hộ Brexit “cứng”, nhằm duy trì quyền lực của bà May.

Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean Claude Juncker trong buổi họp báo chung về thỏa thuận Brexit ngày 8/12. (Nguồn: Getty Images)

Bên cạnh đó, Anh cũng đồng ý chi trả 40 - 45 tỷ Euro phí tổn rời EU. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định cho đến khi đạt được thỏa thuận về thuơng mại song phương, London sẽ không thanh toán khoản tiền này cho Brussels.

Liên quan đến hai vấn đề còn lại, Anh cũng “xuống nước” khi sẽ tiếp tục mở cửa đường

biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland và cam kết bảo vệ quyền của các công dân EU tại Anh. Nhiều người cho rằng việc London duy trì đường biên giới giữa hai quốc gia này là nhằm đáp ứng yêu cầu của Dublin, vốn đe dọa trì hoãn Brexit nếu biên giới bị đóng cửa. Dẫu vậy, điều khoản này đã làm bùng lên các cuộc tranh cãi mới tại xứ sở sương mù, khi nhiều người cho rằng đây thực chất chỉ là cách để Anh gần gũi với thị trường chung châu Âu.

Một thỏa thuận, nhiều phản ứng

Giới phân tích thì tỏ ra chia rẽ về thỏa thuận vừa mới đạt được giữa Anh và EU. Tờ Evening Standard của London do cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne chủ biên hoan nghênh thành công của thỏa thuận Anh – EU và cho rằng nó sẽ thỏa mãn những người mong muốn một Brexit “mềm” cho Anh.

Tuy nhiên, theo nhà bình luận chống Brexit Owen Jones, đây là một động thái vô cùng nhượng bộ của Anh và London dường như vẫn muốn là thành viên không chính thức của khối thị trường chung châu Âu. Đồng tình với nhận định này, Giám đốc phụ trách Chính sách Đối ngoại tại Trung tâm Cải cách châu Âu, ông Ian Bond cho rằng việc Anh tuân thủ các điều kiện từ EU đồng nghĩa với việc tiến trình Brexit vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Trong khi đó, các nhà lập pháp theo phe Brexit thì tỏ ra hết sức thận trọng với thỏa thuận sợ bộ này. Bộ trưởng Môi trường Michael Gove ca ngợi kỹ năng đàm phán của Thủ tướng Theresa May, song nhấn mạnh “mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ cho tới khi tất cả được đồng thuận”. Ông tin rằng thỏa thuận ban đầu này sẽ có tác động không nhỏ tới kết quả của cuộc Tổng Tuyển cử tại Anh, nhiều khả năng sớm diễn ra khi vị thế của bà May đang lung lay ngay trong chính đảng của mình.

Tương lai trắc trở

Sau thỏa thuận sơ bộ trên, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp vào tuần tới để thông qua văn bản dài 15 trang này, tạo cơ sở cho các thỏa thuận cuối cùng, qua đó chuyển sang bàn thảo về quan hệ Anh – EU thời hậu Brexit. Nếu mọi chuyện “thuận buồm xuôi gió”, London và Brussels nhiều khả năng sẽ nối lại đàm phán về thương mại sau tháng 3/2018.

Về các bước đi tiếp theo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng việc hoàn thành Hiệp ước về Brexit, cũng như tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước EU về quan hệ với Anh trong tương lai là vô cùng khó khăn. Ông nhận định các bên sẽ phải “chạy đua với thời gian”, khi chỉ còn 10 tháng nữa để xác định giai đoạn chuyển tiếp về tương lai Anh – EU. Thực tế này sẽ đòi hỏi các nước trong khối tiếp tục duy trì sự đoàn kết và sớm đưa ra quyết định của mình.

Đồng quan điểm với ông Tusk, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng bất chấp những thành công ban đầu, hành trình sắp tới của Anh sẽ không hề dễ dàng: “Những tiến triển thời gian qua đòi hỏi sự nhường nhịn lẫn nhau giữa hai bên để tiến về phía trước. Đó là những gì chúng tôi đã làm được. Dĩ nhiên, sẽ không có thỏa thuận nào được thông qua cho đến khi mọi vấn đề được nhất trí”.

Về phần mình, Trưởng đoàn Đàm phán Brexit của EU Michel Barnier nhận định rằng quả bóng hiện giờ đang ở chân người Anh và London sẽ là nhân tố quyết định sự thành bại của Hiệp ước về Brexit.