Ngày 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã chuyển bức thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk xác nhận kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi động quá trình đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Cùng ngày, trước Hạ viện Anh, bà khẳng định Anh tuy rời khỏi EU nhưng sẽ không rời khỏi châu Âu, và sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác sâu sắc, đặc biệt với khối còn lại 27 thành viên.
Chính phủ Anh trước đó cho biết trước khi chính thức rời khỏi liên minh, Anh sẽ tiếp tục thi hành trách nhiệm của nước thành viên và sẽ không lập tức thi hành quyền lập pháp độc lập. Anh dự định rút khỏi thị trường chung châu Âu, và song song với quá trình đàm phán về các thủ tục ra đi là lộ trình thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do với EU.
Bà Theresa May tại Văn phòng số 10 phố Downing, ký kích hoạt điều 50. (Nguồn: AP) |
Tâm trạng lẫn lộn
Đài BBC dẫn bình luận trên trang Twitter của Chủ tịch EC Donald Tusk: “Sau 6 tháng, Anh đã trả lời”. Giọng điệu trong bài phát biểu của ông Tusk tại Brussels cũng mang đầy nuối tiếc: “Không có lý do nào để giả vờ rằng hôm nay là một ngày vui vẻ. Chúng tôi đã thấy nhớ bạn rồi”. Tuy nhiên, ông Tusk cũng tỏ ra tích cực khi cho rằng Brexit “sẽ khiến 27 thành viên còn lại của EU thêm quyết tâm và đoàn kết hơn trước”.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani cũng có chung quan điểm. Đài BBC dẫn lời ông này: “Hôm nay không phải là một ngày tốt. Brexit đánh dấu một chương mới trong lịch sử của liên minh. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ tiếp tục, hy vọng Anh vẫn là một đồng minh thân cận”.
Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo cấp cao của EU tuyên bố họ đã có chiến lược đối phó với các cuộc đàm phán khó khăn trước mắt khi một trong những thành viên lớn nhất của liên minh trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi liên minh 60 năm tuổi này.
Dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng “đây là một ngày của nỗi buồn”, song trong bài phát biểu tại Malta, ông khẳng định: “Brexit không phải là dấu chấm hết cho mọi thứ, nhưng chúng ta cần phải bắt đầu một thứ gì đó mới mẻ hơn, mạnh mẽ và tốt đẹp hơn. Tôi cho rằng chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước bởi nếu không làn sóng dân túy sẽ tiếp tục trỗi dậy”.
Một số nhà lãnh đạo khác của EU đã tỏ thái độ cứng rắn hơn về quyết định kích hoạt tiến trình Brexit của Anh. Ngày 30/3, Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu quan điểm đồng điệu với ý kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel, phản đối đề xuất tiến trình đàm phán mà Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra, nhấn mạnh các cuộc đàm phán về thủ tục rời khỏi khối của Anh phải được hoàn tất trước khi tính đến các thỏa thuận khác.
Ông Hollande nói: “Đầu tiên chúng ta phải bắt đầu các cuộc thảo luận về việc Anh ra đi, nhất là về quyền lợi của các công dân và nghĩa vụ của Anh liên quan tới những cam kết trước đây”. Ông cho rằng Brexit sẽ khiến châu Âu “đau đớn về tinh thần”, nhưng sẽ khiến Anh “đau đớn về kinh tế”.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Hollande khẳng định không có ý định “trừng phạt” Anh. BBC dẫn lời ông phát biểu trong chuyến thăm tới Indonesia rằng các đòn trả đũa “sẽ kết thúc hiệp định thương mại giữa Anh và châu Âu, chúng tôi hy vọng đó có thể là hiệp định thương mại tốt nhất có thể”.
Tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra thực tế hơn. Bà cho rằng Đức và các nước EU “chắc chắn không muốn ngày này đến, bởi vì chúng ta đã mất đi một thành viên hùng mạnh và quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận quyết định dân chủ của người dân Anh”. Bà Merkel cũng nhấn mạnh những cam kết của Anh với EU phải bị phá bỏ trước khi các cuộc đối thoại về mối quan hệ trong tương lai có thể diễn ra. Nhiều người cho rằng đây là các bà khẳng định việc từ chối đề xuất tiến hành song song các cuộc đàm phán của Thủ tướng Anh Theresa May.
Brexit không phải là dấu chấm hết cho mọi thứ. (Nguồn: FT) |
Truyền thông dậy sóng
Trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp diễn tại Pháp và Đức, có ý kiến cho rằng dù Anh đã chính thức thông báo khởi động tiến trình đàm phán về Brexit song các cuộc đàm phán có thể sẽ chỉ thực sự khởi động sau tháng 11/2017, sau khi nội các Chính phủ mới của Đức được thành lập.
Đài Bắc Kinh dẫn lời ông De Ruyter, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Brexit, Đại học Birmingham (BCU) cho biết, điều này có nghĩa là Chính phủ Anh chỉ có thời gian khoảng 10 tháng để cùng EU tiến hành đàm phán thực chất về việc ra đi, và điều quan trọng là Chính phủ Anh cần đảm bảo có thể giành được điều khoản thương mại ưu đãi trong đàm phán với EU.
Ngày 29/3, các tờ báo Anh đều dành vị trí nổi bật trên trang nhất đăng tin Anh khởi động tiến trình đàm phán rời khỏi EU. The Guardian đăng trên trang nhất phát biểu của những người phản đối Brexit cho rằng đây là “quyết định tồi tệ nhất mà chính phủ hiện hành đưa ra sau Chiến tranh Thế giới thứ 2”.
Trong khi đó, tờ Daily Post đăng tải bài viết có tiêu đề ngắn gọn “Tự do”, hoan nghênh việc Anh sẽ giành lại được nhiều quyền lực hơn từ EU. Financial Times đưa tin, nhiều khả năng Chính phủ Theresa May sẽ sẵn sàng đưa ra thỏa hiệp về lĩnh vực nào đó trong đàm phán để tránh việc Anh và EU phải chia tay trong tình trạng không vui vẻ.
Báo giới Pháp cũng có những phản hồi nhất định xung quanh sự kiện quan trọng này. Tờ La Croix số ra ngày 29/3 khẳng định đây là một ngày lịch sử đối với EU và nước Anh. Trong khi đó, tờ Libération chạy dòng tít: “Brexit sống ngày đầu tiên - Lá thư đoạn tuyệt” bên cạnh bức ảnh Thủ tướng Theresa May đặt bút ký vào bức thư gửi đến 27 thành viên còn lại trong EU, sau hơn 40 năm “chung sống”.
Tờ Libération cho rằng trong lá thư “đoạn tuyệt” này, Thủ tướng Anh đã mặc cả với châu Âu rằng London sẽ tiếp tục hợp tác với Brussels trong cuộc chiến chống khủng bố với điều kiện phải đạt được một thỏa thuận có lợi cho thương mại của Anh. Tờ báo không ngần ngại chỉ trích bà May đang “bắt bí” EU. Còn tờ Les Echos thì cho rằng lá thư dài 6 trang của Thủ tướng Anh gửi đến EU “vừa hoà hoãn vừa mang tính đe dọa”.
Thực tế là Anh và các nước còn lại trong EU có 2 năm để đàm phán về thủ tục ra đi. Báo Le Figaro cho rằng trong 24 tháng, nước Anh có thể đạt được một thỏa thuận trên phương diện chính trị, nhưng về mặt kinh tế thì đó là điều không tưởng. Còn tờ Le Monde cho rằng “hai năm là thời gian quá ngắn để hoàn tất thủ tục ly dị”, và dù trước mắt, kinh tế Anh kháng cự khá tốt sau "cơn bão Brexit", nhưng câu hỏi tờ báo đặt ra là liệu “điều này kéo dài được bao lâu?”.
Các doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng có phản hồi sau tuyên bố khởi động Brexit của bà May. Hãng bảo hiểm uy tín Lloyds London cho biết sẽ mở một công ty con tại Brussels để đảm bảo quá trình hoạt động tại EU. Một số ngân hàng cũng đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại châu Âu như là một biện pháp phòng ngừa khi Brexit diễn ra.
Theo Tân Hoa xã, cũng có những đồn đoán cho rằng tập đoàn kinh doanh JP Morgan cũng đang cân nhắc mở thêm các văn phòng mới tại Dublin (Ireland). Điều này khiến giới quan sát không khỏi băn khoăn về tác động của tiến trình Brexit đối với ngành công nghiệp tài chính tại London.
Những lo ngại về kinh tế cũng được phản ánh qua việc hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's ngày 30/3 cho rằng không có lý do gì để xem xét lại “triển vọng tiêu cực” của nền kinh tế Anh.