📞

BRIC: Vị thế chưa tương xứng trọng lượng

21:26 | 28/04/2010
Nhóm BRIC (4 nền kinh tế mới nổi Brazil - Nga - Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ vượt Nhóm G7 vào năm 2050 để thống trị kinh tế thế giới. Đó là dự báo của Jim O’Neil - nhà kinh tế hàng đầu của Goldman Sachs trong một báo cáo từ năm 2001. Vậy đây có phải là một báo cáo gây sốc và thiếu cơ sở?

Chưa đầy 10 năm sau, cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ trên thế giới và dự đoán đã được kiểm chứng bằng những sự kiện cụ thể. Các nước BRIC không chỉ vượt qua giai đoạn nặng nề nhất mà vẫn tăng trưởng. Giới phân tích nói rằng, dự báo của O’Neil không còn là chuyện hoang đường hay ảo tưởng, mà ngay năm 2032, BRIC sẽ đóng vai trò chủ đạo trên thế giới.

Trong nghiên cứu “BRIC cùng nhau mơ ước” công bố năm 2003, O’Neil cho rằng: Khoảng nửa thế kỷ tới, kinh tế thế giới sẽ được sắp xếp lại, nhóm BRIC sẽ cùng Mỹ và Nhật trở thành 6 nền kinh tế mới của thế giới. Quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032, Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2041. Năm 2003, tổng GDP của BRIC bằng 15% tổng GDP của G7, đến năm 2040 sẽ ngang bằng, sang năm 2050 sẽ tăng gấp rưỡi.

Nội lực ngày một mạnh

Xét trên một phương diện nào đó, cả Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đều là những nước lớn tại các châu lục, nếu không muốn nói rộng hơn là thế giới. Nhóm này có tầm quan trọng bởi sức nặng kinh tế. Ngoài nhóm nước giàu OECD thì đây là 4 nền kinh tế lớn nhất, với GDP hàng năm vượt 1.000 tỷ USD. BRIC cũng chiếm 40% dân số toàn toàn cầu, gần 50% mức tăng trưởng và 16% sản lượng kinh tế thế giới. Và cũng chính BRIC là những quốc gia đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới hồi phục.

Thời suy thoái kinh tế, Nga là một ngoại lệ, còn lại nhóm nền kinh tế mới nổi lớn khác tăng trưởng tốt hơn. Sản lượng kinh tế của thế giới giảm sâu hơn so với mức giảm của sản lượng kinh tế trong nhóm. Trung Quốc vươn lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu. Thương mại trong nhóm BRIC ngày một sôi động. Thương mại Trung Quốc – Ấn Độ tăng trưởng mạnh và có thể lên mức 60 tỷ USD trong năm nay. Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu lớn nhất cho nhóm nước công nghiệp phát triển tại Đông Á.

Cả 4 nước đều nằm trong nhóm 10 nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới - chiếm tới 40% tổng dự trữ ngoại tệ toàn thế giới. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên sát mốc 2.500 tỷ USD, đủ để mua 2/3 số công ty niêm yết trên sàn Nasdaq. Trung Quốc là chủ nợ ròng lớn thứ 2 trên thế giới sau Nhật. Brazil từng là một con nợ khổng lồ hồi cuối thập niên 1990, nhưng nay, không những trả hết nợ mà còn là chủ nợ của nhiều nước khác, với khoảng 209 tỷ USD ngoại tệ dự trữ. Vươn lên nhờ xuất khẩu năng lượng, Nga cũng đã đẩy lùi được nợ nần và tăng dự trữ ngoại tệ lên tới 264,6 tỷ USD.

Người ta tính rằng, nếu BRIC dành ra 1/6 dự trữ ngoại tệ của họ, thì có thể tạo ra Quỹ Tiền tệ Quốc tế mới. Dự trữ ngoại tệ cho phép BRIC ứng phó tốt hơn với khủng hoảng và nhanh chóng chiếm lĩnh những vị trí quan trọng, trong khi các nền kinh tế phương Tây gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công cao. Những thay đổi căn bản này đang tạo ra tầm ảnh hưởng lớn, nhất là uy tín.

Xét trên một số phương diện, nhóm BRIC có quan điểm khác biệt và tiên tiến hơn về thế giới. Xuất phát từ đặc điểm chung là sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn, các nước BRIC tập trung chủ yếu vào kích thích tăng trưởng kinh tế và chống đói nghèo, là ưu tiên khác hẳn nhóm các nước phát triển phương Tây.

Khác biệt và chia rẽ

Những gì mà BRIC đang gánh vác, cho thấy một lực lượng chính trị mới đã bước lên vũ đài quốc tế.

Tuy nhiên, trong một thế giới mà trật tự quốc tế không tương xứng và công bằng, việc BRIC vẫn phải đòi được đại diện một cách “cân bằng” hơn trong WB, IMF hay UN, vì họ chiếm tới 40% dân số thế giới và 16% GDP toàn cầu, thì sự thật căn bản là các cơ quan này vẫn do các nước phát triển phương Tây điều khiển, mặc dù đã có một số thay đổi về tiếng nói và quyền biểu quyết. Dư luận cho rằng, làm thế nào tránh tái diễn khủng hoảng tài chính quy mô, xây dựng trật tự tài chính quốc tế an ninh công bằng hơn sẽ là nhiệm vụ quan trọng của họ. Như vậy, xác suất thế giới lại xảy ra khủng hoảng tài chính vẫn chưa hạ thấp.

Ngoài ra, mỗi nước trong BRIC theo đuổi một mô hình khác nhau trên con đường toàn cầu hóa, nên còn không ít chia rẽ về các vấn đề mậu dịch, tiền tệ, nông nghiệp hay an ninh. Cả 4 đều tỏ ra thận trọng về khả năng thông qua một ngoại tệ thay thế đồng USD trong mậu dịch quốc tế. Điều này cũng thể hiện rõ qua vòng thương lượng Đoha về tự do hóa thương mại thế giới. Brazil thì chú trọng đến việc xuất khẩu nguyên liệu thô, Nga chỉ quan tâm đến dầu khí, Ấn Độ chuyên tâm phát triển dịch vụ và công nghệ thông tin, còn Trung Quốc tập trung cho công nghiệp nặng và tài chính.

Tóm lại, tuy BRIC có trọng lượng đáng kể trong nền kinh tế thế giới, nhưng những bất đồng vẫn lấn át các điểm đồng nhất. Chưa có tiếng nói chung, nên BRIC chưa có được một vị thế tương xứng với trọng lượng, nên khó áp đặt lập trường trên sân khấu quốc tế, mà chỉ có thể đề xuất những thay đổi.

Minh Anh