Chưa thực sự hiệu quả
Năm 2001, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Goldman Sachs Jim O’Neil lần đầu tiên đưa ra khái niệm “BRIC” - gồm chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của các nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Mãi đến năm 2009, nhóm này mới tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Nga. Tới năm 2010, BRIC đổi tên thành BRICS do có sự tham gia của Nam Phi.
15 năm sau, trong bài viết trên trang mạng Project Syndicate, chính cha đẻ của khái niệm này cũng đang phải đặt câu hỏi rằng liệu các nền kinh tế lớn và đầy hứa hẹn này đã đạt được những thành tựu đúng như kỳ vọng hay chưa?
Lãnh đạo các nước BRICS. (Nguồn: PTI) |
Từ năm 2001 đến nay, các nước BRICS luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc vượt qua những thách thức toàn cầu cấp bách nhất. Tuy nhiên, sau cuộc họp mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra hôm 7-9/10 vừa qua, có thể thấy rõ rằng, BRICS chưa có nhiều đại diện trong các thể chế quan trọng này.
Nếu mọi chuyện không thay đổi và BRICS tiếp tục không tìm ra những biện pháp cải cách hiệu quả hơn, mục tiêu “quản trị toàn cầu” của khối chắc chắn sẽ là điều bất khả thi.
Thách thức cũng là tiềm năng
Khối BRICS gần đây đang phải trải qua một thời kỳ khó khăn. Điển hình như trong thập kỷ này, hiệu quả về kinh tế của Brazil và Nga đã gây thất vọng đến mức nhiều người cho rằng, các quốc gia này đã không còn xứng đáng với thuật ngữ đại diện cho khối. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng BRICS không còn đóng vai trò quan trọng trong môi trường quốc tế.
Trong tổng GDP toàn cầu, Nga và Brazil vẫn chiếm tỷ lệ như hồi năm 2001, mặc dù theo tính toán của ông O’Neil, hiện Nga đã trượt khỏi top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, tuy có nhiều bất ổn song nền kinh tế Brazil lại có sự thể hiện tốt hơn những gì ông O’Neil dự đoán. Ấn Độ vẫn duy trì tốc độ phát triển trong suốt 15 năm qua. Với những cải cách cơ cấu đúng đắn, quốc gia này thậm chí có thể đạt đến mức tăng trưởng kinh tế 2 con số mà Trung Quốc đã đạt được.
Tuy nhiên, quốc gia thành công nổi bật nhất trong khối BRICS phải kể đến vẫn là Trung Quốc. Bất chấp những suy thoái gần đây, Trung Quốc vẫn phát triển vượt xa sự mong đợi. Điều thuận lợi cho Trung Quốc là nhiều quốc gia rất muốn Trung Quốc thành công hoặc sẽ có lợi từ sự phát triển của nước này. Xét cho cùng, một nền kinh tế Trung Quốc năng động sẽ giúp thúc đẩy rất nhiều nền kinh tế khác, đặc biệt là những nước có thể xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân Trung Quốc. Thực tế, sự gia tăng lượng người tiêu dùng Trung Quốc có thể là “nhân tố” quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
BRICS đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản đối với tăng trưởng và phát triển, trong đó có cả các mối đe dọa tới sức khỏe con người như sự kháng kháng sinh - nguy cơ đã được Liên hợp quốc chính thức nêu lên như một mối đe dọa toàn cầu, những thách thức về mặt giáo dục, thiếu đại diện ở các cơ quan quản trị toàn cầu, và một số vấn đề mang tính chu kỳ ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu BRICS có thể khéo léo tháo gỡ những rào cản này, nhóm này hoàn toàn có thể bứt phá và phát huy tối tiềm năng thực sự của họ.