Tình hình thế giới diễn biến nhanh, vừa có tác động tích cực vừa tạo thêm thách thức cho công tác bảo hộ công dân.
Nhiều điểm nhấn
Ngoài việc tập trung nguồn lực triển khai phương châm “bảo hộ công dân chủ động - kịp thời - chuyên nghiệp - hiệu quả”, nếu tận dụng tốt cơ hội tạo ra từ tình hình mới, công tác bảo hộ công dân sẽ đem lại thêm nhiều thành công trong nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của công dân ta ở nước ngoài, hỗ trợ hiệu quả hơn cho công dân khi gặp phải khó khăn hoạn nạn.
Trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Công tác bảo hộ công dân là nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao, của đối ngoại Bộ Ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, quan hệ ngày càng rộng mở, nhất là nhu cầu của người Việt Nam đi ra nước ngoài càng tăng lên nhanh chóng, từ người lao động tới du khách đi du lịch nước ngoài cũng ngày càng tăng lên. Do đó, công tác bảo hộ công dân càng có vai trò quan trọng. Có thể nói, công tác bảo hộ công dân rất đa dạng, nhiều vấn đề nhưng đã được triển khai hết sức tích cực, đảm bảo cho người dân Việt Nam đi ra nước ngoài trước tiên phải tôn trọng luật pháp sở tại và luôn được hưởng quyền bảo hộ công dân trong việc được đối xử một cách nhân đạo. Nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao có tổng đài bảo hộ công dân mở 24/24. Nếu người Việt Nam ra nước ngoài roaming, tin nhắn đầu tiên tổng đài thông báo là thông tin số liên lạc lãnh sự trong trường hợp gặp bất cứ vấn đề gì ở sở tại. Điều đó nói lên rằng, công tác bảo hộ công dân đã truyền thông tin đến từng người dân. Người dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài, gặp bất cứ vấn đề gì hãy liên lạc ngay với cơ quan đại diện Việt Nam. |
Ngược lại, nếu ta không đủ thực lực và sự nhạy bén trong triển khai công tác bảo hộ công dân thì khó khăn và thách thức sẽ tăng lên theo cấp số nhân và có thể dẫn đến các vụ việc kéo dài, bế tắc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích, tài sản và trong một số trường hợp còn là tính mạng của công dân ta ở nước ngoài.
Trong không gian thế giới chuyển biến nhanh, bức tranh bảo hộ công dân 6 tháng đầu năm 2019 vẫn tiếp tục nhiều màu sắc với sự đa dạng về loại hình vụ việc, nhiều điểm nhấn về mức độ phức tạp và trải rộng trên khắp các góc cạnh của bản đồ thế giới.
Sự đa dạng thể hiện ở mỗi vụ việc liên quan đến từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau và cần có các gói giải pháp khác nhau để giải quyết. Trong số 6.656 công dân và 982 ngư dân được bảo hộ ở khắp mọi nơi trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2019, có nhiều trường hợp công dân bị tử vong, vướng vào vòng lao lý, bị bắt giữ, phạt tù, nạn nhân trong các vụ tai nạn, thiên tai, khủng bố, bắt cóc con tin, tội phạm mua bán người, tội phạm xuyên quốc gia cho đến những trường hợp bị phân biệt đối xử, bị mất tích, hoặc gặp hoạn nạn khác ở nước ngoài. Ngoài các sự vụ bảo hộ công dân cụ thể như nêu trên, công tác bảo hộ công dân còn gắn liền với nhiệm vụ cảnh báo, cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận, hoạt động của Tổng đài bảo hộ công dân và duy trì đường dây nóng 24/7 tại Cục Lãnh sự và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Giải pháp linh hoạt
Dõi theo những điểm nhấn về mức độ phức tạp trong bức tranh bảo hộ công dân thời gian qua, ta có thể nhận thấy từng vụ việc được giải quyết trên cơ sở kết hợp cùng lúc nhiều nhóm giải pháp khác nhau với cường độ, liều lượng và tần suất cao, trong đó có những vụ việc, như vụ bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương tại Malaysia, đã được giải quyết dứt điểm với kết quả cao, bằng sự kết hợp nghiệp vụ bảo hộ lãnh sự, đấu tranh pháp lý, đấu tranh dư luận và đặc biệt là các biện pháp bảo hộ ngoại giao. Gói giải pháp tổng thể cho mỗi vụ việc bảo hộ công dân phức tạp đều được thiết kế riêng và mang tính đặc thù và cần được vận dụng linh hoạt phù hợp với diễn biến nhanh trong các thời điểm khác nhau của quá trình giải quyết vụ việc.
Bên cạnh các công tác bảo hộ công dân thường xuyên (công dân vi phạm luật xuất nhập cảnh, lao động, cư trú trái phép, ngư dân đánh bắt cá trái phép ở vùng biển của nước ngoài, tìm kiếm cứu nạn trên biển, khuyến cáo công dân..), trong 6 tháng qua, một số vụ việc phức tạp (chưa có tiền lệ, cần đấu tranh trên cả mặt trận pháp lý và ngoại giao) đã được Cục Lãnh sự phối hợp với các bên liên quan giải quyết dứt điểm, kịp thời, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập đến thăm hỏi công dân bị nạn trong vụ xe du lịch bị trúng bom (Tháng 1/2019). |
Ví dụ, bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương với việc công dân ta được thả tự do sau 2 năm 78 ngày bị giam giữ, xét xử tại Malaysia và được về nước an toàn ngày 4/5/2019; vụ việc bảo hộ công dân Phạm Thị Tuyết Mai, bị bắt tại Pháp ngày 18/12/2018 và được tự do với phán quyết vô tội tháng 3/2019; vụ khủng bố đánh bom vào xe chở khách du lịch Việt Nam tại Cairo, Ai Cập làm 3 công dân Việt Nam tử vong và 12 công dân bị thương từ 28/12/2018 đến 10/1/2019…
Trong thời gian tới, công tác bảo hộ công dân sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn, xuất hiện nhiều hơn các vụ việc có tính chất mới và phức tạp. Đây cũng là điều đã được dự báo, trong bối cảnh tình hình tại các địa bàn, khu vực diễn biến nhanh, khó lường, nhiều nơi bất ổn chính trị, khủng hoảng cùng với tần suất thiên tai, các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu xảy ra trên khắp thế giới trong khi số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài tăng, tỷ lệ công dân vi phạm pháp luật nước ngoài chưa giảm và hoạt động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ngày càng tinh vi, phức tạp.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và sự đồng hành của dư luận, Bộ Ngoại giao luôn coi công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là một trọng tâm hàng đầu, tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân trong thời gian tới nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người dân ở nước ngoài cũng như là “tấm đệm” cho công dân khi gặp khó khăn, hoạn nạn ở nước ngoài. Đây cũng là thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Việt Nam đối với thế giới cũng như trong mắt cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Vũ Việt Anh: "Dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự chủ động tham mưu, triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân, cũng như thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng trong nước để xác minh nhanh các thông tin cần thiết, củng cố lập trường đấu tranh đối ngoại bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, các cán bộ làm công tác bảo hộ công dân không quản ngày đêm, các dịp lễ Tết trực 24/7 xử lý những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp nhằm cung cấp kịp thời, nhanh chóng và chính xác thông tin cho người thân, báo chí và dư luận..." |