Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên thế giới năm 2020. |
Hai cụm từ có tần suất sử dụng cao nhất trên hệ thống thông tin, truyền thông, mạng xã hội năm 2020 là “virus SARS-CoV-2” (Covid-19) và “bầu cử tổng thống Mỹ”. Đây là 2 trong số các sự kiện nổi bật của thế giới năm 2020. Lẽ ra cần kết nối, hợp tác đối phó với đại dịch toàn cầu và các thách thức an ninh khác thì cạnh tranh, chia rẽ, tranh chấp, đối đầu, xung đột lại nổi lên ở nhiều khu vực, giữa các nước lớn với nhau và ngay tại mỗi nước.
Cuộc chiến chống đại dịch, hợp tác và chia rẽ
Lâu rồi thế giới mới có cuộc chiến hao người, tốn của, trên phạm vi toàn cầu, trong thời bình như vậy. Các nước phải phong tỏa, đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, nhiều ngành kinh tế bị ngưng trệ. Kinh tế suy thoái, nhưng vẫn phải đầu tư chống dịch, nghiên cứu sản xuất vaccine, hỗ trợ người dân mất việc làm.
Bên cạnh nhiều nước hợp tác phòng chống đại dịch, sản xuất, thử nghiệm vaccine, hỗ trợ kinh nghiệm, vật tư y tế… thì một số nước sử dụng chúng làm công cụ ngoại giao, trục lợi kinh tế. Đại dịch tác động đến cục diện chính trị, an ninh và chứng tỏ thế giới, kể cả các nước lớn cũng mong manh trước thảm họa.
Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc
Chưa có kỳ bầu cử nào phức tạp, kịch tính, bộc lộ nhiều mặt trái của Mỹ như năm 2020. Thuyết âm mưu về gian lận phiếu bầu, can thiệp từ bên ngoài, khó kiểm chứng.
Các vụ kiện tụng, biểu tình; ngôn từ công kích không kiêng dè của 2 ứng cử viên; tranh cãi giữa các bang, các Đại cử tri.
Nhiều quyết định được ban hành vào phút chót và những hành động chưa có tiền lệ trong lịch sử bầu cử, chuyển giao quyền lực.
Rõ ràng nước Mỹ có “gót chân Achilles” và không thiếu những vấn đề phức tạp mà họ vẫn phê phán các nước khác. Xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc, trước, trong bầu cử và sẽ kéo dài sau lễ chuyển giao ngày 20/1/2021.
Có thể chưa đến mức “hỗn mang”, “mông lung” như có người so sánh, nhưng sự xô lệch sẽ gây khó cho sắp xếp của Tổng thống mới.
Xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc, trước, trong bầu cử và sẽ kéo dài sau lễ chuyển giao ngày 20/1/2021. |
Căng thẳng, đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga
Quan hệ Mỹ và Trung Quốc cũng có nội dung đối thoại, hợp tác. Nhưng xu hướng nổi trội trong quan hệ giữa 2 cường quốc hàng đầu vẫn là cạnh tranh chiến lược. Bắt đầu từ thời Tổng thống Donald Trump, nhất là năm 2020, cạnh tranh nâng lên mức căng thẳng, đối đầu toàn diện, có mặt khốc liệt hơn thời Chiến tranh Lạnh.
Cả 2 phía lập kỷ lục về lệnh trừng phạt đối với hàng ngàn mặt hàng, mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao, pháp lý, khoa học công nghệ, văn hóa... Hai bên chỉ trích nhau trên các diễn đàn, từ nguồn gốc virus SARS-CoV-2 đến quân sự hóa, can thiệp, gây căng thẳng ở Biển Đông...
Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, trừng phạt các tập đoàn, công ty Trung Quốc liên quan đến an ninh quốc gia, hành động cải tạo đảo ở Biển Đông…
Hai nước tiến hành các hành động cảnh báo nhau trên thực địa. Sự đối đầu diễn ra trên mọi lĩnh vực, ở nhiều cấp độ, nhưng vẫn kiềm chế tránh xung đột vũ trang.
Quan hệ Mỹ - Nga cũng không kém phần phức tạp, căng thẳng. Với lý do Nga sáp nhập Crimea, liên quan đến xung đột ở Donbass, Ukraine, đầu độc các nhân vật đối lập, can thiệp bầu cử, xâm nhập mạng trái phép…, Mỹ cấm xuất nhập khẩu, ngăn chặn đồng minh và các nước hợp tác công nghiệp quốc phòng, rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), ngăn chặn lắp đặt đường ống dẫn khí Phương Bắc 2, đóng cửa 2 lãnh sự quán cuối cùng ở Nga…
Nga cũng đáp trả bằng việc ngưng xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm, tổ chức diễn tập thực binh với bộ 3 vũ khí chiến lược, trên mặt đất, trên không và trên biển.
Cạnh tranh, căng thẳng, đối đầu giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và đồng minh với Trung Quốc biểu hiện tập trung trong mâu thuẫn giữa Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở và Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, dẫn đến sự ngăn cách, chia rẽ giữa các khu vực, một số tổ chức quốc tế và nhiều nước.
Chia rẽ trong các tổ chức quốc tế, khu vực
Mỹ tuyên bố rút hoặc sẽ rút khỏi một số tổ chức quốc tế, hiệp định, hiệp ước đa phương quan trọng. Có thể kể đến: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA)… Lý do mà Mỹ đưa ra là gây bất lợi cho họ, tạo lợi thế cho Trung Quốc và các đối thủ khác.
Mâu thuẫn, đối đầu Mỹ - Trung, Mỹ - Nga và việc Mỹ rút khỏi một số tổ chức, hiệp định, hiệp ước song phương, đa phương gây chia rẽ, làm suy giảm vai trò của các tổ chức, cơ chế quốc tế; đồng thời, đặt đồng minh, đối tác và các nước khác trước sự lựa chọn khó khăn.
Chính sách của Tổng thống Trump đã đẩy không ít đồng minh, đối tác ra xa Mỹ, có một số việc “bằng mặt mà không bằng lòng”. Có những nước thành viên EU không đồng tình với một số lệnh trừng phạt vì liên quan đến Iran, Nga, Cuba và hành động gây sức ép của Mỹ với đồng minh.
Mỹ trừng phạt đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga và căng thẳng trên vùng biển Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, Cyprus cũng gây chia rẽ trong NATO, EU.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chẳng thể thờ ơ nhìn đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. (Nguồn: Getty) |
Tranh chấp chủ quyền, tranh giành địa bàn chiến lược
Mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền phức tạp ở Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản và ở Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN đe dọa an ninh, hòa hình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Súng đạn vừa tạm ngưng ở biên giới Trung-Ấn, ở Nagorno-Karabakh, nhưng xung đột, chiến tranh vẫn diễn ra ở Syria và một số nơi khác. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa hợp tác vừa xung đột lợi ích, cạnh tranh quyết liệt, sẵn sàng can dự quân sự, hỗ trợ cho các lực lượng đối đầu nhau ở Syria, ở Nagorno-Karabakh, Nam Kavkaz…
Đồng thời với cấm vận, Mỹ phối hợp với Israel tiến hành các hoạt động quân sự ngăn chặn tiềm năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, sâu xa là làm sụp đổ chính quyền bị cho là tranh giành vị thế chiến lược với Mỹ ở khu vực.
Hành động ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran đổ thêm dầu vào lửa, có thể thổi bùng đám cháy trước thời điểm chuyển giao quyền lực ở Mỹ, tạo ra vật cản ngăn chặn nỗ lực nối lại JCPOA.
Mỹ làm trung gian để Israel bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao với 5 nước Arab (Ai Cập, Jordan, UAE, Bahrain và Sudan). Nhưng các quan hệ mới ấy lại đẩy các nước Arab vào tình trạng chia rẽ và càng làm mâu thuẫn giữa Israel với Palestin thêm căng thẳng.
Gắn kết và chủ động thích ứng
Trong bối cảnh ấy, nhiều nước, khu vực, tổ chức vẫn hướng tới liên kết, kết nối, hợp tác đa phương.
Với sự đồng thuận cao, Liên hợp quốc đã nhiều lần ra Nghị quyết kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba. Vượt qua mâu thuẫn, chia rẽ giữa một số nước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác nghị quyết gia hạn lệnh cấm vận vũ khí Iran do Mỹ đề xuất.
Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 thông qua Nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc năm 2020, đạt kỷ lục về số nước đồng bảo trợ.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng ra các nghị quyết và hoạt động gìn giữ hòa bình, giảm thiểu xung đột, cứu trợ người dân chịu hậu quả của chiến tranh, nội chiến, thảm họa.
Liên hợp quốc cần cải tổ cả Hội đồng Bảo an và các cơ quan ra chính sách, nhằm đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ của tình hình.
Nhưng Liên hợp quốc vẫn là tổ chức quốc tế cao nhất, có vai trò quan trọng nhất, không thể thiếu trong xu thế chia rẽ, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các thách thức an ninh toàn cầu gia tăng.
ASEAN là một điển hình cho xu thế liên kết, hợp tác đa phương. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vòng xoáy cạnh tranh chiến lược, đối đầu giữa một số nước lớn, ASEAN đã cùng với các đối tác thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, hoàn thành nhiều hội nghị, khối lượng kỷ lục các văn kiện, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực, trở thành tài sản chung của ASEAN và khu vực.
Trong đó có Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, 37, Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 14 và Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7.
Các văn kiện, tuyên bố chung ghi nhận tầm quan trọng của kết nối, liên kết khu vực châu Á-Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và hợp tác trên nhiều lĩnh vực với ASEAN làm trung tâm. Đồng thời thể hiện sự đồng thuận, cam kết của ASEAN và các đối tác về sự cần thiết duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Sự đồng thuận, cam kết và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác không những tạo nguyên tắc, nền tảng cho hợp tác khu vực mà còn là điểm sáng về chủ nghĩa đa phương, tác động tích cực đối với thế giới.
Phương châm chỉ đạo “Gắn kết và chủ động thích ứng” không chỉ cho năm 2020, không giới hạn trong khu vực. Nếu không có các điểm sáng đó, thế giới, khu vực sẽ ảm đạm, buồn chán.
ASEAN là một điển hình cho xu thế liên kết, hợp tác đa phương. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đâu là căn nguyên
Bức tranh bối cảnh 2020 là sự đối lập giữa các sắc màu. Màu xám về suy thoái kinh tế, đói nghèo, màu đỏ của chiến sự, xung đột quân sự, màu vàng của đại dịch và thiên tai thảm họa. Cạnh tranh, chia rẽ, tranh chấp, đối đầu, xung đột bắt nguồn từ đâu?
Đại dịch Covid-19 và hậu quả của nó dẫn đến phong tỏa, đóng cửa biên giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu là tội nhân đầu tiên. Đại dịch, suy thoái, tài nguyên ngày càng khan hiếm kích thích chính sách, hành động tranh giành, chiếm đoạt, cưỡng đoạt, triệt hạ lẫn nhau.
Nhưng nguyên nhân cơ bản, trực tiếp, sâu xa là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ, chính sách áp đặt luật chơi chung, tranh giành vị thế, lợi ích chiến lược theo ý đồ của một số nước lớn.
Xung đột giữa Mỹ cố bảo vệ ngôi vị số một với Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, kèm theo tham vọng và sự hiện diện trên toàn cầu, lôi kéo, xô đẩy nhiều nước, khu vực vào vòng xoáy cạnh tranh, chia rẽ.
Công suất dư thừa của nhiều nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu và lợi nhuận khổng lồ từ xuất khẩu vũ khí cần thế giới, khu vực căng thẳng, đối đầu để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Điều quan trọng là thế giới thiếu một “thuyền trưởng”, một “nhạc trưởng” đủ khả năng cầm chịch. Sứ mệnh đó, không ai gánh vác tốt hơn là Liên hợp quốc với những cải cách mạnh mẽ và sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên.
(còn nữa)