📞

'Bức tường' nào ngăn chặn hành vi lệch chuẩn đạo đức trong giáo dục?

Kiều Phương 15:20 | 23/12/2021
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, để tránh xảy ra hiện tượng lệch chuẩn đạo đức trong giáo dục, phương pháp phòng tránh tốt nhất chính là được dư luận tốt lên tiếng.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, để tránh xảy ra hiện tượng lệch chuẩn đạo đức trong giáo dục cần dư luận tốt lên tiếng.

Thời gian gần đây, những vụ việc như thầy giáo thể dục hành hung nhiều học sinh, giáo viên để lộ hình ảnh “nóng” trong buổi tập huấn trực tuyến; giảng viên mắng sinh viên là "óc trâu" trong giờ học online… khiến dư luận không khỏi bức xúc, lo lắng và đặt ra vấn đề xuống cấp, lệch chuẩn đạo đức của bộ phận nhà giáo.

Một bộ phận nhà giáo bỏ qua vấn đề trau dồi đạo đức

Thưa giáo sư, quan điểm của ông thế nào khi gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo?

Thẳng thắn mà nói, trong tất cả công việc, lĩnh vực hoạt động, đều có những cán bộ, công nhân viên có hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức chứ không riêng gì giáo viên. Tuy nhiên, nghề giáo với các tiêu chuẩn và giá trị đạo đức luôn được mọi người kỳ vọng nên khi xảy ra vụ việc nhà giáo vi phạm đạo đức, cả xã hội đều trăn trở.

Từ xưa đến nay, thầy cô luôn được xem là tấm gương mẫu mực về đạo đức, nhân cách cho học sinh noi theo. Người ta thường ví trẻ em như tờ giấy trắng. Nếu giáo viên có những hành động tốt đẹp thì giống như đang tô vết mực đỏ vào trang giấy trắng; và ngược lại, nếu làm những việc không tốt thì chẳng khác nào vẽ vào trang giấy đó những vết mực đen.

Có thể khẳng định, tâm hồn, nhân cách học sinh chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ đạo đức và cách giáo dục của nhà giáo. Do được kỳ vọng, nên khi xảy ra những sai sót về mặt đạo đức, nhìn chung dư luận sẽ không chấp nhận. Bởi phụ huynh gửi con tới trường với mong muốn được nhà trường, thầy cô dạy dỗ nên người; nhưng ở đó, một số cá nhân làm ra những hành vi vi phạm đạo đức, phẩm chất thì các bậc cha mẹ, thậm chí dư luận phản đối là điều dễ hiểu.

Vì lẽ đó, môi trường sư phạm phải rèn luyện sao cho những nhà giáo trở thành mô phạm. Tất nhiên, không thể đòi hỏi người thầy biến thành mô hình nào đó thật cao siêu, lý tưởng, không có gì sai sót. Nhưng về cơ bản, thầy cô cần giữ hình ảnh trong sạch, đừng để xảy ra những sai lầm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới danh dự bản thân cũng như tác động xấu tới học sinh, phụ huynh.

Vậy nguyên nhân nào khiến hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo ngày càng gia tăng, thưa giáo sư?

Trước tiên, tôi cho rằng nguyên nhân một phần do quá trình đào tạo giáo viên. Trong huấn luyện và giảng dạy, trường sư phạm chưa làm kỹ về vấn đề đạo đức, kỹ năng ứng xử cho nhà giáo.

Thứ hai, xã hội, nghề giáo và giáo viên đang chịu quá nhiều áp lực. Nhiều cá nhân vì chạy theo thời cuộc, gánh trên vai áp lực cuộc sống, áp lực kinh tế… nên đã làm ra những hành vi sai trái; ví dụ như "móc túi" phụ huynh bằng cách làm biến tướng dạy thêm, học thêm.

Ngoài ra, nguyên nhân còn nằm ở việc, một bộ phận giáo viên không tự trau dồi phẩm chất, đạo đức cho riêng mình. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới hiện tượng lệch chuẩn, vi phạm đạo đức của một số nhà giáo.

Không chỉ những giáo viên trẻ, mà những giáo viên với nhiều năm kinh nghiệm cũng không tránh khỏi những sai lầm. Người trẻ có thể do bồng bột, chưa hiểu biết nên dẫn tới hành vi làm sai lệch chuẩn mực đạo đức. Còn những nhà giáo đã có nhiều năm kinh nghiệm thì có thể do hoàn cảnh đưa đẩy, do không chịu rèn luyện đạo đức và bản lĩnh cá nhân.

Tôi cho rằng đây chính là tính cá nhân, thuộc về bản thân mỗi người. Nhiều người khi còn trẻ, làm nghề rất hăng hái, nhưng về già lại buông xuôi, không chịu tự trau dồi năng lực, phẩm chất cho mình. Do đó, vấn đề đặt ra là phải học tập suốt đời.

Khi một bộ phận nhà giáo có hành vi lệch chuẩn, sai phạm về phẩm chất, đạo đức thì sẽ gây ra hậu quả gì, thưa giáo sư?

Nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi nhà trường nói chung và thầy cô nói riêng là giáo dục học sinh. Dĩ nhiên, nếu giáo viên xuất hiện những hành vi lệch chuẩn về mặt đạo đức thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh - thế hệ mà nhà trường đào tạo ra.

Những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức của giáo viên sẽ tác động không tốt tới nhận thức của học sinh, gieo cho các em những ý nghĩ bậy bạ, lệch lạc, rất khó giáo dục về sau.

Không dừng lại ở đó, hành vi lệch chuẩn của nhà giáo còn gây ảnh hưởng đến cả một tập thể và vị trí chung của những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều khi, một tập thể có thành tích tốt, nhưng chỉ vì một người có hành vi sai lệch là tự khắc bao nhiêu con người bị mang tiếng. Từ đây, phụ huynh mất niềm tin vào nhà giáo, nhân dân mất lòng tin về nhà trường, nảy sinh những thành kiến tiêu cực.

Điều này rất nguy hiểm, bởi sự thành công của một cơ sở giáo dục phụ thuộc vô cùng lớn vào sự gắn kết giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh; giáo dục nhà trường phải gắn liền với giáo dục gia đình. Nếu gia đình đã mất lòng tin với nhà trường, thì vị thế của cơ sở giáo dục ấy rất khó để lấy lại.

Tạo dựng "bức tường" ngăn chặn hành vi lệch chuẩn

Theo giáo sư, biện pháp nào để hạn chế, ngăn chặn hiện tượng lệch chuẩn đạo đức trong giáo dục?

Muốn hạn chế, ngăn chặn thực trạng này thì phải sửa rất nhiều mặt. Nhưng trước hết, cần sửa đổi quy chế làm việc, quy định đạo đức, nội quy lên lớp. Mỗi nhà trường cần làm hết sức nghiêm túc, chặt chẽ. Nếu giáo viên không thực hiện theo những quy chuẩn nghề nghiệp, đạo đức thì nhà trường cần lên tiếng, thậm chí đưa ra hình thức kỷ luật nếu có giáo viên nảy sinh hành vi sai lệch.

Đặc biệt, với những trường hợp nhà giáo có hành vi lệch chuẩn cực nghiêm trọng, gây tổn thương danh dự, uy tín, sức khỏe của người khác thì tôi nghĩ nên chuyển họ sang ngành nghề khác chứ đừng đơn thuần thay đổi nơi công tác. Bởi lẽ, sai kiến thức thì còn sửa được chứ nhân phẩm không có, năng lực sư phạm không có thì không thể chấp nhận được.

Và "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Để tránh xảy ra hiện tượng lệch chuẩn đạo đức trong giáo dục, tôi cho rằng, phương pháp phòng tránh tốt nhất chính là được một dư luận tốt lên tiếng. Có thể thấy một điều, thời gian gần đây, những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức cứ xảy ra liên tiếp, giống nhau, nay xảy ra ở trường này, mai xảy ra ở cơ sở giáo dục khác…

Nhưng một thực tế đáng buồn là nội bộ nhà trường không có sự thảo luận về nguyên nhân, hậu quả của vụ việc để hình thành bức tường ngăn chặn hành vi xấu đối với nhà giáo.

Do đó, vấn đề đặt ra, là phải tạo ra các cuộc thảo luận, trao đổi những vấn đề liên quan đến hành vi sai lệch chuẩn mực, đạo đức nhà giáo trong các nhà trường. Và để làm được thì Bộ GD&ĐT cần đứng ra chỉ đạo, và các trường thực hiện sao cho nghiêm túc, mạnh mẽ. Bản thân các trường sẽ tự thảo luận, đề xuất nếu để xảy ra những hành vi vi phạm đạo đức giáo viên thì sẽ xử lý thế nào.

Là một người gắn bó và dành nhiều tâm huyết với nền giáo dục, giáo sư có chia sẻ gì với những người đã, đang và sẽ theo đuổi nghề giáo?

Tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng, với những nhà giáo đã mắc sai lầm, thì cần có sự suy nghĩ thấu đáo về vị thế nhà giáo của mình, là lý do tại sao mình lại có hành vi lệch chuẩn như thế. Phải suy nghĩ thì mới tìm ra cách khắc phục. Người có sai lầm mà biết sửa thì không thể nói là họ sai lầm. Còn những người sai lầm mà không sửa thì chắc chắn là sai lầm.

Ngoài ra, tại mỗi nhà trường, những hoạt động sinh hoạt tập thể cần được tổ chức đa dạng, phong phú hơn, chứ không chỉ riêng sinh hoạt chính trị. Giữa các khối, lớp có thể tổ chức các hoạt động vui chơi, thảo luận để tạo sự gắn kết giữa quản lý, giáo viên với học sinh. Làm được điều này thì tập thể mới lớn mạnh. Mà một tập thể lớn mạnh thì mới đủ sức và năng lực để đẩy lùi những hành vi tiêu cực.

Xin cảm ơn giáo sư!

(theo Dân trí)